Chắc nghề, vững nghiệp

Thứ ba, ngày 21/08/2012 10:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Dám nghĩ, dám làm nhưng có tính toán và làm gì cũng phải học, đó là con đường dẫn đến thắng lợi” - kinh nghiệm này đã được cựu chiến binh Bùi Văn Thắng, ở xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, Bắc Giang đúc kết sau nhiều năm tâm huyết với nghề nông.
Bình luận 0

Sau 30 năm trong quân ngũ, năm 2005, bác sĩ quân y Bùi Văn Thắng xuất ngũ trở về quê hương xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, Bắc Giang với hành trang là những tấm huân, huy chương và thương tật 45% trên người. Luôn thấm nhuần lời dạy của Bác "Thương binh tàn nhưng không phế", ông quyết tâm chiến thắng bệnh tật bằng việc phát triển kinh tế gia đình.

img
Trang trại nuôi lợn cho thu nhập tiền tỷ của ông Thắng

Học từ kiến thức sản xuất...

Ông Thắng kể: "Về quê, tôi mở một phòng khám nội khoa tại nhà, tuy nhiên thu nhập từ phòng khám chẳng đáng là bao. Không có đất canh tác, tôi quyết định đưa vợ con lên xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang lập nghiệp.

Tại đây, tôi đấu thầu 9,3ha đất hồ nuôi các loại cá đặc sản và 2ha vườn đồi nuôi lợn. Do không có kiến thức, năm 2007 dịch lợn tai xanh bùng phát, lợn chết, gia đình tôi thiệt hại 400 triệu đồng. Quyết bám trụ ở vùng đất mới, tôi thế chấp đất gia đình vay 200 triệu đồng của Ngân hàng NNPTNN huyện Lục Nam và Lạng Giang đầu tư lại con giống”.

Từ năm 2011 đến nay, huyện Lục Nam đã đào tạo nghề cho 820 ND, tư vấn xuất khẩu lao động 140 lao động, giới thiệu việc làm cho 710 lao động; Tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật được 399 lớp với 32.462 hội viên tham gia chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi; Hỗ trợ vốn vay cho 2.120 hộ gia đình với số vốn 487 triệu đồng.

Rút kinh nghiệm sau thất bại, ông đã đi tham quan hơn 20 mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp lớn nhỏ trong nước và sang cả Trung Quốc học hỏi. Ông còn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, nghiên cứu sách, báo… với phương châm vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm.

Có kiến thức, công việc làm ăn thuận lợi hơn. Đến nay, ông đã sở hữu 11,3ha nuôi cá đặc sản các loại, 80 con lợn nái và 800 con lợn thịt, cho thu nhập khoảng 7-8 tỷ/năm, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với thu nhập 3 - 4 triệu đồng/người/tháng và 12 lao động thời vụ.

Riêng phòng dịch cho đàn lợn, ông Thắng ký hợp đồng với nhân viên thú y Phạm Đình Thùy. Anh Thùy cho biết: "Nhiệm vụ của tôi là tiêm phòng, phát hiện, điều trị khi lợn mắc bệnh".

Ông Thắng cho biết, ông sử dụng hệ thống nuôi công nghiệp nên chất thải từ chuồng lợn được xử lý qua EM (men vi sinh) rồi thải ra hồ để nuôi cá, còn phân dùng bón lót cho cây trồng. Nhờ vậy, vật nuôi không bị dịch bệnh. Đây là những kiến thức ông học ở các lớp tập huấn.

... đến công tác quản lý

Theo ông Thắng, trong sản xuất kinh doanh, quan trọng nhất là phải biết hạch toán. Lý giải điều này, ông Thắng tính toán: Giống + thức ăn + chuồng trại + phòng bệnh + quản lý = hiệu quả. Trong đó, quản lý chiếm 50% thành công.

“Giống, thức ăn, chuồng trại, phòng bệnh có thể mua được, còn khâu quản lý mình phải tự học hỏi, rút kinh nghiệm trong quá trình sản xuất. Có giỏi nghề mới vững được nghiệp. Phải nắm bắt được thị trường và liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, như vậy mới đảm bảo tính bền vững trong chăn nuôi” - ông Thắng chia sẻ. Ông Thắng cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với bạn nghề; giúp bà con thiết kế trang trại, chọn giống, quy trình chăm sóc vật nuôi…

Ông Nguyễn Xuân Trường- Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Sơn cho biết: "Trang trại chăn nuôi của ông Bùi Văn Thắng đang là mô hình được nhiều hộ nông dân ở Bảo Sơn lựa chọn. Chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình của ông Thắng ra toàn xã".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem