Chế biến sứa xuất khẩu: Tìm cơ hội phát triển nghề bền vững

Thứ năm, ngày 15/03/2012 09:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nghề chế biến sứa xuất khẩu tuy chưa phổ biến, nhưng bước đầu đã gặt hái được nhiều thành công, góp phần giúp hàng trăm lao động vùng bãi ngang huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) vươn lên làm giàu.
Bình luận 0

Dễ làm, thu nhập khá

“Trước đây, nghề chế biến sứa và sản phẩm sứa ít được biết đến, chúng tôi làm nhưng cũng ít ăn. Mấy năm trở lại đây, nhu cầu tiêu thụ lớn nên kích thích nghề này phát triển" - anh Lê Phan Thảo - chủ cơ sở sản xuất sứa Sen Thảo ở Linh Trường (xã Hoằng Trường) cho biết.

img
Anh Lê Phan Thảo đang muối sứa.

Anh Thảo là ngư dân đầu tiên ở xã chuyển sang nghề làm sứa xuất khẩu. Sau gần chục năm chế biến nhỏ từ những mẻ sứa do mình đánh bắt, anh Thảo quyết tâm lên bờ và tìm mối làm ăn tại biên giới Móng Cái (Quảng Ninh) - Trung Quốc. Anh cho hay: “Gần 5 năm kinh doanh mặt hàng thuỷ hải sản ở vùng biên, tôi nhận thấy phía Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về sản phẩm sứa. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu ở vùng Hoằng Hoá lại dồi dào nhưng ngư dân bắt được sứa không biết cách chế biến”.

Từ thực tế đó, anh Thảo đã thành lập cơ sở chế biến sứa xuất khẩu sang Trung Quốc. Cơ sở của anh tạo việc làm cho 13 lao động, công lao động mỗi người 200.000 đồng/ngày. Chị Lê Thị Thuận - một lao động trong cơ sở Sen Thảo cho biết: “Nhà tôi cũng làm nghề đi biển, được hôm nào biết hôm đó. Từ ngày cơ sở của anh Thảo chế biến sứa xuất khẩu, chị em tôi được anh tạo việc làm, mỗi tháng được trả từ 3 - 3,5 triệu đồng”. Anh Thảo tiết lộ, sau mỗi vụ chế biến, trừ hết chi phí thì cơ sở sản xuất của anh cũng thu về gần 400 triệu đồng.

Không riêng gì tại xã Hoằng Trường, tại nhiều xã khác có vùng bãi ngang như xã Hoằng Tiến, Hoằng Yến cũng đã xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất, chế biến sứa xuất khẩu. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là việc đánh bắt sứa chỉ theo mùa, do vậy hoạt động sản xuất sứa cũng mang tính thời vụ. Thường thì hoạt động sản xuất, chế biến chỉ thực sự bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6 trong năm. Do vậy, ngư dân và lao động ở đây vẫn coi đó là nghề thời vụ, chưa phải là nghề chính của cả vùng.

Lo thiếu nguyên liệu

Hiện nay ngoài cơ sở sản xuất Sen Thảo, thì vùng lân cận cũng có khoảng 4 cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm sứa xuất khẩu. Chị Nguyễn Thị Minh- chủ một cơ sở cho biết: “So với chục năm trước, thì giờ đây việc sản xuất sứa đã đơn giản hơn rất nhiều. Nhờ có máy móc mà quy trình sản xuất cũng được rút gọn, đơn giản hơn”. Để có sản phẩm sứa bán ra thị trường, cần phải qua 4- 5 công đoạn. Trong đó, công đoạn muối sứa là quan trọng nhất, sau đó là khâu ngâm gia vị và đóng túi.

6 xã thuộc vùng bãi ngang của huyện Hoằng Hoá hiện có 9 cơ sở chế biến sứa xuất khẩu. Cả 9 cơ sở này đều sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Để có nguyên liệu phục vụ sản xuất, các cơ sở phải tự trang bị thuyền bè, thuê nhân công đánh bắt.

Hiện mỗi ngày, một cơ sở ở Hoằng Hóa có thể cung cấp từ 500kg - 1 tấn sứa thành phẩm. Nhu cầu thị trường lớn, nhưng vì nguồn nguyên liệu không có nên việc sản xuất cũng gián đoạn và không thể mở rộng sản xuất theo kiểu hàng hoá được. Trước mắt để giải quyết khó khăn này, những ông chủ năng động như anh Thảo đang cho xây dựng thêm cơ sở thu mua tại Cát Bà (Hải Phòng). Về lâu dài, anh tính sẽ thành lập công ty, mở thêm các đại lý tại một số thành phố lớn để quảng bá và đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

“Để tạo được nghề bền vững, chúng tôi rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư, đồng thời được học thêm kỹ thuật để phát triển vùng nguyên liệu sứa, chế biến sứa đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao, tạo điều kiện để các cơ sở mở rộng sản xuất theo kiểu hàng hoá”- anh Thảo bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem