Chia sẻ lợi ích từ rừng đặc dụng

Thứ ba, ngày 25/09/2012 09:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chính phủ đã chính thức chọn Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng) và Xuân Thủy (Nam Định) để triển khai thí điểm chương trình chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng.
Bình luận 0

Trao đổi với phóng viên NTNN, bà Hà Thị Tuyết Nga - chuyên viên chính Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết: Trong nhiều năm qua, các nhà hoạch định chính sách về quản lý rừng đã không ngừng tìm kiếm và áp dụng các phương thức khác nhau nhằm quản lý, khai thác bền vững các giá trị của rừng.

img
Người dân cần được hưởng lợi từ rừng để bảo vệ rừng.

Cụ thể là, cách thức khoán bảo vệ rừng như có một phần người dân nhận khoán bảo vệ rừng có được hưởng lợi một số sản phẩm lâm sản dưới tán rừng. Những chia sẽ đó chỉ được thực hiện dưới rừng phòng hộ, còn rừng đặc dụng thì hoàn toàn không có. Gần đây, chúng tôi có tính đến phương án mới là chia sẻ lợi ích trong rừng đặc dụng.

Trước đó, Chính phủ cũng đã có Quyết định 126 về cơ chế chia sẻ lợi ích trong hệ thống rừng đặc dụng, nhằm tiến tới bảo vệ và phát triển bền vững cái lợi ích của hệ thống rừng này. Các giá trị có thể chia sẻ, là lâm sản ngoài gỗ; tiếp cận nguồn gen nguồn giống có giá trị kinh tế theo nguyên tắc đảm bảo sự thỏa thuận trực tiếp và tự nguyện giữa ban quản lý khu rừng đặc dụng với cộng đồng dân cư thôn, thông qua đại diện hợp pháp là hội đồng quản lý; công khai minh bạch trong toàn bộ quá trình tổ chức thực hiện; gắn trách nhiệm của các bên với lợi ích được chia sẻ. Việc khai thác, sử dụng lợi ích được chia sẻ không làm ảnh hưởng tới mục tiêu bảo tồn của rừng đặc dụng.

Việc triển khai chính sách này còn khá chậm chạp. Nguyên nhân do đâu, thưa bà?

- Đây là cách tiếp cận rất mới nên khó khăn đối với hội đồng quản lý, đặc biệt là UBND cấp huyện. Bởi vì, trong việc ra quyết định cho phép khai thác số lượng, chủng loại và thời điểm như thế nào, đòi hỏi hội đồng quản lý phải là những người am hiểu về sinh học, có chuyên môn tương đối sâu. Để có được những cán bộ như thế không phải dễ dàng tìm kiếm ở huyện.

Theo bà, nếu thực hiện tốt chương trình thí điểm này, sẽ mang lại những lợi ích gì?

- Như tôi đã nói cái được lớn nhất là, người dân sống trong và cận kề khu rừng đặc dụng được hưởng lợi từ rừng và chúng ta đã tăng thu nhập bền vững cho người dân, nâng cao đời sống cho người dân. Thực tế cho thấy, dù chúng ta có chính sách hay không có chính sách thì người dân sống gần rừng vẫn phải sống dựa vào rừng và việc khai thác sẽ là không có kiểm soát. Như vậy việc đưa ra cơ chế chia sẻ lợi ích này chúng ta đã tiến tới một cách đó là quản lý việc khai thác có kiểm soát và theo hướng bền vững. Chắc chắn chính sách này sẽ có tác động to lớn, bởi vì khi người dân nhận thức được cái giá trị bền vững mà rừng mang lại thì cái tác động tiêu cực của người dân đối với rừng sẽ được hạn chế rất nhiều.

Xin cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem