"Chiến sĩ" nông dân bảo vệ môi trường, "tố" công ty gây ô nhiễm

Trần Đáng Chủ nhật, ngày 29/03/2020 18:30 PM (GMT+7)
Không chỉ có hiến đất làm đường giao thông nông thôn, nhiều nông dân ở ngoại thành TP.HCM còn tự thân đi bảo vệ môi trường, giúp vùng nông thôn thành nơi đáng sống.
Bình luận 0

Trong số này, ông Hai Cường (Hồ Chí Cường) ở ấp 1, xã Bình Chánh, là một trong những tấm gương điển hình trong việc thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.

Cho những con kênh xanh xanh…

img

Ông Lại Văn Đức đi nhặt từng bọc rác của người dân bỏ vào thùng rác trên tuyến đường kênh A.  Ảnh: T.Đ

Ông Tư Đức cũng rất cứng rắn với chuyện người dân thiếu ý thức bảo vệ môi trường. Từ khi địa phương triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, với tư cách trưởng tổ 4, ông Tư Đức thấy rác trước sân nhà ai là cứ thế gõ cửa mà “vận động” bảo vệ môi trường.

Hiện nay, nhiều tuyến đường, tuyến kênh trên địa bàn xã Bình Chánh dần trở nên xanh - sạch - đẹp. Trong đó, điển hình như các tuyến đường: Huỳnh Văn Trí, Trịnh Như Khuê, Giao thông Hào, Bình Trường, tuyến đường Tổ 4 - 5 và các tuyến kênh Ông Đồ, rạch Ngọn Đình…

Đây chính là thành quả của tập thể Ban công tác Mặt trận ấp 1, đặc biệt là nhờ vào “tinh thần tự nguyện” đi dọn rác của ông Hai Cường. Ông Hai Cường đã gần 70 tuổi nhưng vẫn  nhanh nhẹn và khỏe khoắn. Ngoài đi nhặt rác, ông còn tích cực tham gia bảo vệ an ninh trật tự địa phương.

Ông Hai Cường chia sẻ, trước đây, dọc các tuyến đường, tuyến kênh trên địa bàn tràn ngập rác thải với chai nhựa, túi nylon, hộp xốp... Thấy cảnh quan, môi trường sống quá ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống người dân trong khu dân cư, ông đã vận động các thành viên trong Ban công tác Mặt trận ấp đi thu gom, vớt rác.

Như thường lệ, mỗi ngày ngoài những giờ đưa rước cháu đi học, ông Hai Cường thường tới công viên xã, các tuyến đường, tuyến rạch có trồng hoa để nhổ cỏ, tỉa cành, quét dọn và vớt rác. Có ngày ông đi lại nhiều lần trên tuyến rạch Ông Đồ, rạch Ngọn Đình để vớt rác và lục bình nhằm khơi thông dòng chảy.

Nhằm tạo điều kiện thuận tiện trong công việc vớt rác trên các tuyến kênh, rạch, UBND xã Bình Chánh đã trang bị cho ông Cường cùng các thành viên một chiếc xuồng. Từ ngày có chiếc xuồng, ông Cường đi bất kể giờ giấc, hễ chỗ nào thấy rác là ông lập tức bắt tay vào thu gom.

Theo bà Đặng Thị Ánh Loan - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Bình Chánh: “Nhờ có những người nhiệt tình, trách nhiệm như ông Cường mà một số tuyến đường, tuyến rạch của xã dần xanh và sạch hơn”.

Ông Hai Cường chia sẻ, mặc dù ông và một số thành viên khác thường xuyên đi vớt rác nhưng tình trạng bỏ rác vẫn tái diễn. Ông kêu gọi người dân sống trên địa bàn cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và cùng mình chung tay dọn dẹp rác trên địa bàn để xã Bình Chánh có thêm nhiều tuyến đường, tuyến kênh, rạch xanh - sạch - đẹp hơn.

“Chiến sĩ” diệt công ty gây ô nhiễm…

Ông Tư Đức (ấp 4, Lê Minh Xuân, Bình Chánh) từ lâu đã nổi tiếng với biệt danh “dũng sĩ” diệt công ty gây ô nhiễm trên địa bàn. Ông Tư Cường kể, địa bàn ông ở trước đây là một vùng nông thôn yên bình. Rồi khi thành phố quyết định di dời các cơ sở sản xuất nguy cơ gây ô nhiễm trong nội thành ra ngoại thành, khá nhiều doanh nghiệp này đã đổ dồn về đây. “Tình hình ô nhiễm môi trường ở đây từ đó ngày càng tệ hơn, nhất là ô nhiễm mùi. Bà con cô bác vô cùng bức bối” - ông cho hay,

Thế là ông Tư Đức ra tay. 3 năm trước, câu chuyện lão nông Tư Đức dứt khoát “cấm cửa” một doanh nghiệp sản xuất bột cá gây ô nhiễm đóng trên địa bàn gây sửng sốt cho chính quyền địa phương và nức lòng người dân. Nhắc lại chuyện này, ông khá bực bội: “Tôi đã nhắc nhở chủ doanh nghiệp nhiều lần, làm gì thì mặc nhưng đừng để ảnh hưởng đến bà con xung quanh. Công ty đã không lưu ý, vẫn để mùi tanh tưởi, hôi thối phát tán khắp nơi, làm các hộ dân ở xung quanh không thể ăn cơm, tối ngủ phải đeo khẩu trang…” - ông bức xúc.

Nói mãi không được, cùng với kỳ vọng từ phía bà con chòm xóm, lão nông Tư Đức quyết định mời ban môi trường xã và công ty điện lực đến công ty sản xuất bột để cắt điện. Sau đó, trước sự phản ứng mạnh mẽ của người dân, doanh nghiệp này phải đóng cửa, dời đi.

Gần đây, một doanh nghiệp tái chế nhựa định đến ấp 4 định làm cơ sở cũng bị lão nông Tư Đức “đuổi thẳng cổ”. Hôm đó, khi doanh nghiệp đưa xe chở thiết bị sản xuất đến định lắp ráp, ông đến bảo, đây là ngành nghề nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, người dân ở đây không muốn có cơ sở này trên địa bàn nên không được lắp ráp máy móc nữa. Thế là, doanh nghiệp ngừng thi công và sau đó “biến” luôn.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Chánh Mai Ngươn Khánh, ông Tư Đức là một nông dân rất cương trực, quyết liệt với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Nhờ ông Đức mà môi trường tại địa phương ngày càng tốt hơn.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem