Chủ tịch VRG Lê Quang Thung đưa "của nợ" cao su ra phía Bắc

Thiên Hương Thứ năm, ngày 14/12/2017 15:39 PM (GMT+7)
Nguyên Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) Lê Quang Thung- người vừa bị Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài tội danh chính thức trên, ông Thung còn được biết đến với vai trò là "tác giả" trong việc đưa cây cao su ra Tây Bắc và đang gây nên những hệ lụy hết sức nặng nề.
Bình luận 0

img

Ông Lê Quang Thung - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn cao su Việt Nam. Ảnh: I.T

“Trồng ồ ạt, bất chấp quy hoạch”

Trao đổi với PV Dân Việt ngày 14.12 về vai trò của ông Lê Quang Thung - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) trong việc đưa cây cao su ra trồng ồ ạt ở các tỉnh miền núi phía Bắc từ 10-11 năm trước, một vị nguyên lãnh đạo Bộ NNPTNT đề nghị giấu tên cho biết: Thời đó trồng cao su lãi quá khủng nên Tập đoàn VRG – lúc đó ông Lê Quang Thung là Tổng Giám đốc đã bất chấp quy hoạch, quyết tâm trồng ồ ạt cả ở miền Nam, miền Trung lẫn miền Bắc, khiến tổng diện tích cao su đạt hơn 1 triệu ha, vượt xa so với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020 là 800.000ha.

Thậm chí Tập đoàn này còn để các công ty thành viên triển khai hàng loạt dự án trồng cao su ở Campuchia, Lào, ngốn hàng nghìn tỷ đồng (trong đó một số dự án chưa được cấp phép).

“Về cây cao su ở miền núi phía Bắc, chúng tôi cũng tự nhận thấy sẽ cho hiệu quả thấp, lẽ ra phải lên tiếng phản đối mạnh mẽ hơn. Tiền trồng cao su nói là của Nhà nước, nhưng thực chất là tiền thuế của dân. Trước tình hình giá mủ cao su xuống sâu, nông dân lỗ nặng, từ năm 2015 Bộ NNPTNT và Chính phủ cũng đã yêu cầu ngừng trồng mới cây cao su” – vị lãnh đạo này nói.

Theo tìm hiểu của PV, trước khi được bổ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VRG (tháng 3.2010), ông Lê Quang Thung là Tổng giám đốc tập đoàn này. Điều đáng nói, thời kỳ ông Thung làm Tổng giám đốc, rồi Chủ tịch VRG cũng là thời “hoàng kim” của ngành cao su khi giá mủ xuất khẩu lên cao kỷ lục. Lợi nhuận thu được dễ dàng nên VRG đã rót tiền liên tiếp để mở rộng diện tích trồng cao su từ miền Nam ra miền Trung, rồi cả những nơi không thực sự phù hợp như miền núi phía Bắc...

img

Cây cao su từng được ví là "vàng trắng" khi giá mủ xuất khẩu lên tới 2.500 - 3.100 USD/tấn, khiến Tập đoàn Cao su Việt Nam vội vã mở rộng diện tích trồng ở khắp nơi. Tuy nhiên hiện nay, giá mủ rớt xuống chỉ còn khoảng 1.000 - 1.400 USD/tấn. (Ảnh minh họa)

Đây chính là giai đoạn diện tích cao su tăng vọt, phá vỡ quy hoạch Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đến năm 2020. Tiền lãi từ cao su sau đó được Tập đoàn này đổ sang đầu tư nhiều lĩnh vực ngoài ngành như tài chính, bất động sản, ngân hàng,...

Khi PV hỏi về trách nhiệm, vai trò của ông Lê Quang Thung đối với việc đưa cao su ra phía Bắc trồng ồ ạt, khiến bây giờ bà con nông dân bỏ không được, giữ thì “chết đói”, vị nguyên lãnh đạo Bộ NNPTNT nói: “Lúc đó, thực hiện chủ trương chung của Đảng và Nhà nước là tìm cây gì để xóa đói giảm nghèo cho miền núi phía Bắc, người ta đã chọn cây cao su. Xung quanh việc này, đến giờ cũng còn nhiều quan điểm khác nhau, nhưng thực tế là ngay bên kia biên giới, Trung Quốc trồng rất nhiều, cao su lên xanh tốt”.  

"Sau nhiều năm, bây giờ diện tích cao su đã cho thu hoạch. Chỉ có điều lại đúng thời điểm giá cao su xuống thấp quá, nếu giá lên thì sẽ khác. Chỉ cần giá cao su tốt, năng suất từ 1,2 – 1,3 tấn/ha là đã thắng lợi, trong khi một số nơi phía Bắc đã đạt 1,4 tấn/ha. Vì vậy nếu quy hết trách nhiệm cho ông Thung thì sẽ không khách quan” – vị này cho hay.

“Đã cảnh báo nhưng không ai nghe”

Còn nhớ thời điểm năm 2006, khi cây cao su mới được đưa ra trồng thử ở Tây Bắc, các chuyên gia nông nghiệp đã liên tục cảnh báo rằng trồng cao su ở đây không phù hợp, do cây cao su chỉ thích nghi ở nhiệt độ thấp nhất là 16 độ, còn nền khí hậu trung bình ở Tây Bắc là 12 độ.

img

Sau gần 10 năm "Bắc tiến", cây cao su vẫn chưa chứng minh được hiệu quả kinh tế như kỳ vọng. Trong ảnh: Người dân chăm sóc cây cao su tại xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Báo Giao thông)

Ông Lường Văn Chúng – Trưởng đội 10, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên cho biết: Trước đây gia đình tôi làm ruộng, cấy lúa cũng đủ ăn, năm 2009 nhà tôi góp đất cho công ty trồng cao su, nhưng từ ngày góp đất đến nay nhà tôi chưa nhận được đồng nào, cũng không được nhận vào làm công nhân, vì vậy có năm bị thiếu ăn 1 – 2 tháng. 

Đội 10 có khoảng 100 hộ, trong đó nhiều hộ đã góp đất cho công ty trồng cao su. Vì không có thu nhập thường xuyên nên một số hộ lâm vào cảnh khó khăn, bị thiếu gạo ăn… “Chúng tôi rất thất vọng vì đợi mãi cao su mới cho ít mủ, giá thì bèo bọt. Bà con phải đi kiếm việc làm thuê, muốn đòi đất lại cũng không được vì hạn hợp đồng là 50 năm” – ông Chúng nói.

Ngoài ra, cao su không thể trồng ở độ cao trên 500m, nếu trồng ở độ cao dưới 500m thì sẽ xảy ra 2 khả năng: Một là cây sẽ chết, hai là không chết nhưng thời gian sinh trưởng kéo dài. Bình thường cao su ở Đông Nam Bộ 5-6 năm đã cho mủ, nay phải mất 8-9 năm.

Thực tế là trải qua đợt rét đậm, rét hại năm 2010 - 2011, đã có 1.544ha cao su bị chết, chiếm 87,4% diện tích cao su toàn vùng Đông Bắc. Đặc biệt là hồi tháng 6.2015, Công ty CP Cao su Sơn La đã phải chặt bỏ hơn 53ha cây cao su 6-7 năm tuổi tại xã Mường Bú, huyện Mường La và 16ha xã Chiềng La, huyện Thuận Châu.

Theo tìm hiểu của PV, việc chặt cây cao su này là do cây phát triển rất chậm, khả năng không cho mủ. Công ty CP Cao su Sơn La đã chặt đi để trồng lại bằng giống khác. Có nghĩa là người nông dân lại tiếp tục đợi thêm 9 năm nữa cao su mới đến kỳ thu hoạch, mà cũng không ai dám chắc chắn mủ nhiều hay ít.

Là người từng phản đối việc đưa cao su ra trồng ở miền núi phía Bắc, ông Nguyễn Văn Chinh – nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NNPTNT) chia sẻ với PV Dân Việt: “Một số diện tích cao su ở miền núi phía Bắc đã cho khai thác, nhưng giá mủ giảm quá sâu nên nhiều người không dám cạo. Sau khi chạm đáy khoảng 1.000 USD/tấn vào đầu năm 2016, giá cao su hiện đạt 1.400 USD/tấn nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 10 năm trước là 2.500 USD/tấn”.

Về câu hỏi tại sao đã được cảnh báo, nhưng các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn lao vào trồng cao su, ông Chinh cho biết, tất cả là do giá. Khi cao su bắt đầu được trồng thí điểm ở miền núi phía Bắc (năm 2005), giá mủ trên thị trường bình quân đạt 2.000 – 3.000 USD/tấn. Thậm chí vào năm 2011, giá cao su đạt tới 3.900 USD/tấn, kỷ lục là 5.000 USD/tấn.

“Người trồng cao su và các doanh nghiệp thu lãi cao ngất ngưởng, ai cũng nóng lòng muốn mở rộng diện tích. Do quỹ đất ở các tỉnh phía Nam không còn nên người ta mới tính chuyện đưa cây cao su ra trồng ở miền Bắc, ở đây vai trò chính là Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG). Chúng tôi đã cảnh báo nhưng không ai nghe” – ông Chinh nói.

Trước đó, ngày 7.12, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật đối với 5 bị can gồm: Ông Lê Quang Thung - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam; Nguyễn Thành Châu - nguyên Giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai; Nguyễn Văn Minh - nguyên Kế toán trưởng Công ty Cao su Đồng Nai; Nguyễn Hồng Phú - nguyên Giám đốc Công ty Cao su Phú Riềng; Hoàng Văn Sơn - Kế toán trưởng Công ty Cao su Phú Riềng.

5 bị can bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại điều 165 - bộ luật Hình sự. Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), giai đoạn 2006-2011 VRG có tổng số tiền sai phạm lên đến 8.300 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem