Chung sức xây dựng nông thôn đáng sống ở thành phố mang tên Bác

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 06/09/2019 13:52 PM (GMT+7)
Để tạo nguồn lực mạnh mẽ hơn nữa, cũng như sự tham gia của toàn xã hội nhằm phát triển nhanh kinh tế nông thôn, TP.HCM đã phát động phong trào “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)” với sự tham gia của các quận, các tổng công ty, các Đảng ủy cấp trên cơ sở, Đảng ủy lực lượng vũ trang, các hộ dân, hội đoàn thể...
Bình luận 0

Chung sức làm NTM…

Đại diện Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) - đơn vị đang “chung sức” cho biết, từ năm 2010 - 2016, EVNHCMC đã cơ bản hoàn thành tiêu chí 4 về điện nông thôn cho tất cả 56 xã thuộc 5 huyện trên địa bàn thành phố.

Theo ông Đặng Văn Cư - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Duyên Hải (thuộc EVNHCMC), riêng huyện Cần Giờ, năm 2016, nhằm giúp ngư dân ở xã đảo Thạnh An bám biển và bảo vệ biển, đảo, Công ty Điện lực Duyên Hải đã tổ chức khánh thành và đóng điện công trình xây dựng lưới điện 22kV xuyên rừng cấp điện cho ấp Thiềng Liềng. Đây là ấp cuối cùng của TP.HCM hòa lưới điện quốc gia. Công trình có tổng mức đầu tư trên 51 tỷ đồng, phủ kín 100% lưới điện quốc gia trên địa bàn.

img

  Cán bộ Hội ND TP.HCM chung sức vệ sinh môi trường nông thôn thành phố.  Ảnh: T.Đ

Theo Ban chỉ đạo của Thành ủy về chương trình xây dựng NTM, thành phố có 48 đơn vị được giao nhiệm vụ “Chung sức xây dựng NTM”, gồm: 19 quận, 11 tổng công ty, 14 Đảng ủy cấp trên cơ sở, 4 Đảng ủy lực lượng vũ trang thành phố với 5 huyện đang làm NTM (Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè).

Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết, trước khi thực hiện chương trình NTM, trên địa bàn huyện tỷ lệ hộ dân sử dụng điện thường xuyên chỉ có 88%. Đặc biệt, người dân xã đảo Thạnh An không có điện lưới quốc gia, phải dùng máy phát điện. Hiện, hệ thống điện được đầu tư đến tận vùng sâu, vùng xa của huyện, đảm bảo phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Cũng chung sức hỗ trợ huyện Cần Giờ nhằm giảm nghèo bền vững, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đã ký cam kết hỗ trợ kinh phí hơn 9,6 tỷ đồng làm nhà tình nghĩa, tình thương, vốn sản xuất, học bổng…

Tại huyện Củ Chi, theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Chủ tịch UBND huyện, địa phương đang được sự hỗ trợ từ các quận: Quận 2, quận 3, Tân Bình, Thủ Đức và Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn… nên hoàn thành sớm chương trình NTM giai đoạn 2010 - 2015. Hiện nay, các đơn vị này vẫn tiếp tục chung sức với Củ Chi để nâng chất các tiêu chí NTM.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, huyện này đã được các đơn vị chung sức hỗ trợ hơn 26 tỷ đồng (giai đoạn 2010 - 2020) để thực hiện chương trình NTM. Ngoài ra, các xã còn tuyên truyền người dân, đơn vị trên địa bàn đóng góp hàng 100 tỷ đồng để làm đường giao thông, xóa nhà dột nát…

Dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng…

Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2010 – 2020, ông Thái Quốc Dân - Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM thành phố cho biết, các đơn vị đã ký kết hỗ trợ các xã xây dựng NTM hỗ trợ các huyện thực hiện xóa nhà tạm, dột nát và các nội dung phục vụ an sinh - xã hội hơn 98,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng kinh phí đã thỏa thuận ký kết hỗ trợ của 48 đơn vị chung sức NTM với 5 huyện là gần 95 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ an sinh - xã hội, sản xuất, hoạt động văn hóa, làm đường giao thông đối với các tuyến đường có quy mô dưới 500m. Đến nay, các huyện đã tiếp nhận kinh phí hỗ trợ là 42,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ việc phát động phong trào “Cả thành phố chung sức NTM”, thành phố đã huy động được đơn vị ngoài các đơn vị ký kết (như Hội đoàn thể, cộng đồng, doanh nghiệp...) đã thực hiện hỗ trợ cho các xã xây dựng NTM 511,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, qua phong trào đã huy động được 26.052 hộ dân hiến đất, vật kiến trúc làm đường với diện tích 2.972.304m2 ước tính tổng cộng hơn 2.243 tỷ đồng. 

Theo ông Dân, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện phong trào “Chung sức xây dựng NTM” theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Trên cơ sở các thỏa thuận đã ký kết với các đơn vị hỗ trợ, Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM các huyện cần thường xuyên liên hệ với các đơn vị để nhận được sự hỗ trợ theo thỏa thuận đã ký kết, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM các huyện cần chỉ đạo Ban quản lý xây dựng NTM các xã vận động người dân và cộng đồng cùng chung sức xây dựng các công trình đường giao thông nông thôn dưới 500m, các công trình cơ sở hạ tầng đơn giản nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem