Chuyện của những nông dân “cổ cồn”: Cần có chính sách đột phá

Thứ năm, ngày 29/05/2014 06:36 AM (GMT+7)
Phát triển nông nghiệp đô thị, rộng hơn là nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Bình luận 0
Nông nghiệp đô thị, rộng hơn nữa là nông nghiệp công nghệ cao gắn liền với hình ảnh người ND được đào tạo chuyên sâu, có tri thức.

Nhưng cho tới nay, ở tầm quốc gia, Việt Nam vẫn chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh, đầu tư tập trung để sớm hình thành nhanh lớp ND tri thức. Lớp ND có tay nghề, chất xám này là cơ sở cho việc hình thành và phát triển bền vững các mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Nhiều tiềm năng phát triển


Nông nghiệp (NN) đô thị đang được nhiều địa phương trong cả nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng; Lâm Đồng; Bình Dương; TP.HCM… xác định là hướng phát triển thích hợp trong hiện tại và tương lai. Tiêu biểu hơn cả là TP.HCM. Tuy là trung tâm hàng đầu về kinh tế, thương mại và du lịch của cả nước, nhưng những năm qua TP.HCM rất quan tâm đầu tư phát triển NN với việc xác định lấy mô hình NN đô thị là trọng tâm. Đây là hướng đi rất sát với thực tế.

NN đô thị có đặc trưng là chuyển đổi cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất lương thực, tăng tỷ trọng sản xuất ngành rau, hoa, cây cảnh, cá cảnh và thủy sinh; chăn nuôi gia súc, gia cầm lấy thịt, sữa, trứng… đáp ứng nhu cầu của đô thị. NN đô thị phải dần được chuyên môn hóa; dưới nhiều hình thức, người ND phải dần được đào tạo chuyên sâu để phục vụ ngày càng chuyên nghiệp hơn chức năng của đô thị.

Công nhân cấy mô tại một nhà vườn ở TP. HCM.
Công nhân cấy mô tại một nhà vườn ở TP. HCM.

Không chỉ phục vụ nhu cầu ăn sạch, NN đô thị còn mở ra nhiều hướng kinh doanh khác như NN du lịch, NN nghỉ dưỡng cho cư dân đô thị. Vì thế, NN đô thị vừa là tiềm năng, cơ hội đầu tư nhưng cũng là thách thức. NN là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro, nhưng không có nghĩa là không có cơ hội tìm lợi nhuận. NN đô thị chính là hướng đầu tư tìm kiếm lợi nhuận của không ít nhà đầu tư, trong đó có những ND năng động, sáng tạo và hiểu biết chuyên sâu về một hoặc nhiều ngành hàng. Những ND “cổ cồn” mà Báo Nông Thôn Ngày Nay vừa đề cập là một ví dụ.

Làm NN đô thị ở TP.HCM không chỉ là ND mà có cả những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp không phải là ND nhưng hiểu biết về nông nghiệp, xác định đầu tư vào NN. Đây cũng là bức tranh chủ thể trong sản xuất NN đô thị, rộng hơn là NN công nghệ cao đang ngày càng xuất hiện nhiều tại các địa phương có tiềm năng, thế mạnh như Mộc Châu (Sơn La); Sa Pa (Lào Cai); Đà Lạt (Lâm Đồng); Bình Dương, TP.HCM… TP.HCM là địa phương mạnh dạn đi đầu trong việc ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển NN đô thị, NN công nghệ cao, trong đó có việc đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đề án đưa ND đi học kinh nghiệm ở nước ngoài được thực hiện từ năm 2006-2010 và tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2013-2018. Nhiều người, trong đó có không ít ND tự bỏ tiền túi đi nước ngoài tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển NN đô thị, NN công nghệ cao ở nước ngoài…

Không để ND “tự bơi”

Tuy là xu hướng tất yếu và có triển vọng kinh tế cũng như khả năng cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng NN đô thị, NN công nghệ cao đang thiếu hẳn tầm chỉ đạo tập trung, sát sao ở cấp vĩ mô. Đề án phát triển NN ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn, chưa đưa ra được chính sách khuyến khích cụ thể về hỗ trợ đất đai, vốn, đào tạo... Về nguồn vốn vay, vừa qua Ngân hàng Nhà nước mới phối hợp với Bộ NNPTNT, Khoa học - Công nghệ tổ chức khảo sát, nghiên cứu để xây dựng cơ chế vốn ưu đãi cho các mô hình liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản hàng hóa, trong đó có sản xuất NN công nghệ cao.

"Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tái cơ cấu ngành NN, nhất là trong không gian của Hiệp định TPP, ND đơn lẻ khó có thể thành công trong NN đô thị, NN công nghệ cao. Chính vì vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích giúp ND liên kết, liên doanh trong sản xuất…”.

TS Nguyễn Duy Lượng

Có thể nói, phát triển NN đô thị cũng như NN công nghệ cao ở Việt Nam vừa qua là sự nỗ lực tìm tòi, năng động, dám nghĩ, dám đầu tư của ND, doanh nghiệp. Hầu hết ở các địa phương, việc phát triển NN đô thị, NN công nghệ cao chủ yếu vẫn do ND, tổ chức, doanh nghiệp “tự bơi”.

Ngay như TP.HCM là địa phương mạnh dạn xây dựng cơ chế, chính sách phát triển NN đô thị thì hình ảnh, đặc điểm người nông dân đô thị, tính chất sản xuất NN đô thị vẫn chưa rõ nét. Kỹ năng cấy mô trong sản xuất giống ND nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản đã biết và làm giỏi hơn ND Việt Nam từ lâu…

Để khuyến khích phát triển nhanh NN đô thị, NN công nghệ cao, các bộ, ngành sớm tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ ND, tổ chức, doanh nghiệp về vốn đầu tư, đất đai, ưu đãi thuế, nhất là về đào tạo nguồn nhân lực… Điều này rất quan trọng, bởi nếu trong trường hợp Hiệp định

Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sớm được ký kết, thông qua thì NN đô thị, NN công nghệ cao chính là hướng đi để NN Việt Nam cạnh tranh tốt hơn trên thị trường thế giới. NN đô thị, NN công nghệ cao (tập trung vào ngành lương thực, hoa, rau quả, thực phẩm) cũng chính là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là từ Nhật Bản, một khi Hiệp định TPP được thông qua.

TS Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN

Phương Đông (ghi) (Phương Đông (ghi))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem