Chuyện của những nông dân “cổ cồn”: Nhà nông lập phòng cấy mô

Thứ hai, ngày 26/05/2014 06:20 AM (GMT+7)
Xuất thân từ nhà nông, nhưng thay vì “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, họ chuyển vào làm công việc phòng kín khi nhìn thấy tiềm năng kinh tế từ căn phòng lạnh này.
Bình luận 0
“Đây là lớp ND tiến bộ, giỏi… Họ bắt nhịp với khoa học kỹ thật rất nhanh. Cấy mô lâu nay là công việc của các nhà khoa học nhưng bây giờ một số ND thành phố cũng làm được. Cái chính là do họ nhận thấy thị trường giống ở Việt Nam, nhất là giống lan, còn khá rộng mở để đầu tư tài chính, chất xám” - một giảng viên chuyên dạy cấy mô ở TP.HCM nhận định.

500 triệu đồng đầu tư phòng cấy mô


Như đã hẹn, chúng tôi tìm đến phòng cấy mô của ông Ba Xê (Trần Văn Xê), ở xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn. Năm 2008, ông bỏ ra 500 triệu đồng để đầu tư cho phòng cấy mô rộng 150m2 này.

Anh Lại Văn Lợi thao tác cấy mô trong phòng kín.
Anh Lại Văn Lợi thao tác cấy mô trong phòng kín.

Tiếp chúng tôi trong phòng cấy mô, ông Ba Xê cười hãnh diện: “Thật không uổng phí công sức đầu tư, giờ tui đã cấy được đỉnh sinh trưởng rồi” (đỉnh cao trong ngành cấy mô). Khi chúng tôi hỏi vì sao đang là một ND trồng lan “tay lấm, chân bùn” lại chuyển sang làm cấy mô, ông Ba Xê cho biết, năm 2006, trong một chuyến đi thăm các trại lan ở Thái Lan và được nhìn tận mắt phòng cấy mô của ND Thái nên đã nảy sinh ý định về nước phải lập phòng cấy mô.

“Tui thấy mình có thừa sức lập phòng cấy mô để nhân giống. Lâu nay thị trường giống lan trong nước rất thiếu. Bà con trồng lan phải mua giống trôi nổi của Thái Lan. Vậy tại sao không lập phòng cấy mô để chủ động giống và chấm dứt cảnh mua giống lan trôi nổi”- ông lý giải.

Nói là làm. Về nước ông đi tầm sư học… cấy mô, rồi thuê người dựng phòng cấy. “Lúc đầu công việc này khiến tui “lên bờ, xuống ruộng”: Pha môi trường không đạt, hấp không đúng độ, thao tác không đúng cách… khiến cây giống bị nhiễm khá nhiều. Giờ khốn khó đã qua rồi, tui cấy đẹp như trường, viện”- ông Ba Xê nói, đoạn cười khà khà.

Khác với một số nhà cấy mô ở thành phố, ông Ba Xê không thiết tha lắm với việc làm giống lan mokara hay dendro (những giống lan đang được thị trường Việt Nam ưa chuộng). Ông đang quyết tâm cấy cho được các giống lan rừng của Việt Nam như: Ngọc điểm, hải yến, thủy tiên. Theo ông, mấy loại lan này là giống lan quý, giờ sắp tuyệt chủng nên phải gìn giữ chúng.

Trong giới làm giống lan thị trường ở thành phố phải kể đến ND trẻ Lại Phước Lợi (quận Gò Vấp). Chỉ mới tham gia lĩnh vực cấy mô khoảng 1 năm nay nhưng các giống lan Lợi cấy không đủ cung cấp cho nhu cầu thị trường bởi chất lượng khá tốt.

Lợi xuất thân là dân sư phạm kỹ thuật. Năm 2007, anh chuyển sang trồng lan. “Đất vườn ít quá, trồng lan chẳng thu nhập được bao nên tôi chuyển sang làm giống lan” - Lợi nói. Sau khi đi học cấy mô, Lợi cải tạo căn phòng rộng 20m2 để làm phòng cấy mô và làm một nhà sáng 70m2 để chứa chai mô và cây post. Hiện, Lợi chủ yếu làm giống lan dendro và hồ điệp để cung cấp cho thị trường với giá chỉ bằng 1/3 giá giống lan cùng loại của Thái Lan.

Theo Lợi, cấy mô là một lĩnh vực khá mới đối với nông dân. Để theo lĩnh vực này nông dân cần phải có một kiến thức nhất định nhưng nếu theo được đây sẽ là một cái nghề hấp dẫn cho nhà nông đô thị bởi thị trường giống ở Việt Nam còn khá rộng mở. Lợi cho biết, anh đang định mở rộng quy mô phòng cấy để nâng số lượng giống bán ra. Hiện nay, mỗi năm anh bán ra thị trường khoảng 200.000 cây giống dendro/năm.

Liên kết và thống nhất giá

Vài năm gần đây, tại TP.HCM đã xuất hiện phong trào ND học cấy mô. Mỗi khóa học có giá từ chục triệu đến vài chục triệu đồng. Hiện ở thành phố có đến chục ND lập phòng cấy mô. Có người đầu tư 7-8 tủ cấy với vài chục công nhân và sản xuất cả triệu cây giống/năm.

"Việc một số ND thành phố đi học cấy mô rồi mở phòng cấy nhân giống là một tín hiệu vui cho nền nông nghiệp TP.HCM. Họ là những người có tâm huyết và niềm đam mê làm nông. Việc họ liên kết nhau để tạo ra sản phẩm mạnh và định giá sản phẩm làm ra là xu hướng của nền kinh tế nông nghiệp đô thị mà chúng tôi đang xây dựng sắp tới”.

Ông Trần Trường Sơn -
Phó Chủ tịch Hội ND TP.HCM

Ông Phạm Công Bình – một giảng viên dạy cấy mô ở TP.HCM cho biết, 3 năm qua ông đã dạy cho khoảng 20 ND phương pháp cấy mô. Hiện tại ông Bình vẫn đang hướng dẫn cho 2 người đang học cấy mô tại phòng cấy mô của mình.

“Đây là lớp nông dân cấp tiến. Họ tiếp nhận khoa học- kỹ thuật rất nhanh. Họ nhìn thấy được hướng đi của một nền nông nghiệp đô thị và nhìn thấy khả năng thị trường giống ở Việt Nam còn khá rộng mở. Họ khá nhạy bén và tiếp nhận nhanh chóng những giống nhập mới”- ông Bình nhận xét.

Theo nhiều nhà vườn trồng lan ở TP.HCM, chất lượng giống lan từ các phòng cấy mô tư nhân ở thành phố không thua kém gì so với giống lan nhập từ Thái Lan mà giá cả chỉ bằng 1/3 giống nhập ngoại.

Hiện, sản lượng giống lan từ các phòng cấy mô này chiếm đến 40% giống trên thị trường. Các phòng cấy mô này đang liên kết, phân công nhau để nâng cao năng lực sản xuất giống, cũng như thống nhất giá cả tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với nhau.

Trần Đáng (Trần Đáng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem