Chuyện vượt khó ở Hạ Hòa

Hoàng Tính (TTV) Chủ nhật, ngày 16/10/2016 14:50 PM (GMT+7)
Là huyện miền núi còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhưng Hạ Hòa (Phú Thọ) đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong XDNTM, tạo bước chuyển biến tích cực trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội.
Bình luận 0

Để đưa nghị quyết của chương trình XDNTM vào cuộc sống, ngoài việc triển khai cho các đảng viên trên địa bàn học tập Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, UBND huyện Hạ Hoà còn chỉ đạo đài truyền thanh của huyện, xã liên tục tuyên truyền các nội dung cơ bản của nghị quyết đến với người dân, nhờ đó đã tạo được sự đồng thuận từ huyện, xã đến thôn để toàn dân chung sức, quyết tâm thực hiện.

Đến nay, huyện đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu như: Quy hoạch, thủy lợi, chợ nông thôn, bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, hệ thống tổ chức chính trị - xã hội, an ninh trật tự xã hội, hệ thống trường học và văn hóa cũng đã cơ bản hoàn thành.

Bà Lê Thị Thu Hương (ảnh trên) - Phó Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa cho biết: “Có thể nhận thấy rất rõ, sau 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết về XDNTM, bộ mặt nông thôn và đời sống của đồng bào nhân dân các dân tộc trong huyện đã có bước chuyển biến đáng kể. Cái được lớn nhất, đó là nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân có nhiều thay đổi để cùng thống nhất và hành động với mục tiêu: XDNTM là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm và quyền lợi thiết thực của mỗi người dân, phục vụ lợi ích của chính người dân, qua đó người dân thể hiện vai trò chủ thể của mình”.

img

Sản xuất đũa gỗ tăm tre hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại xã Hà Lương. ảnh: Hoàng Tính

5 năm qua, hưởng ứng chương trình XDNTM, toàn huyện đã có 3.597 hộ gia đình hiến 563.634m2 đất cùng 650.828 ngày công lao động để làm đường giao thông, kênh mương, nhà văn hóa, khu dân cư... Cùng với sự đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong huyện đã chủ động xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, nâng cấp cải tạo nhà ở với hàng nghìn căn nhà được chỉnh trang, xây mới. Huyện cũng tạo điều kiện cho người nghèo được học nghề để tham gia xuất khẩu lao động; lập kế hoạch hỗ trợ đầu tư mới và sửa chữa, nâng cấp các công trình thiết yếu. Trong đó, ưu tiên các công trình thuỷ lợi, giao thông nông thôn, chợ, phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các xã nghèo. Công tác vệ sinh môi trường cũng được quan tâm với việc xây dựng 1.368 hầm biogas; 2.368 nhà vệ sinh công cộng…, giúp cho diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp.

“Giai đoạn 2016-2020, Đảng bộ huyện Hạ Hòa sẽ tiếp tục đề ra những giải pháp, mục tiêu phù hợp với thực tế địa phương. Trong đó, huyện sẽ huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Khuyến khích đầu tư phát triển các ngành nông nghiệp có lợi thế kết hợp với du lịch sinh thái tại các xã có diện tích đất đai phù hợp như khu vực Đồng Phì xã Lâm Lợi, Xuân Áng, khu vực Đầm Ao Châu. Tạo thế và lực để Hạ Hòa ngày càng phát triển bền vững”.
Bà Lê Thị Thu Hương

Đi đôi với đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện Hạ Hòa còn triển khai các giải pháp hiệu quả để xóa đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Theo đó, huyện chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, cán bộ tín dụng, cán bộ khuyến nông... hướng dẫn hộ nghèo lập dự án, tổ chức thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh và giám sát các hộ nghèo việc sử dụng vốn vay. Huyện cũng xây dựng các mô hình trình diễn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để người dân học tập, áp dụng. Các mô hình đã góp phần khuyến khích người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Qua các hoạt động tư vấn, hỗ trợ đã giúp cho hộ nghèo chủ động trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Với những nỗ lực đó, chương trình XDNTM của Hạ Hòa đã có những bước tiến vững chắc. Đến hết năm 2015, huyện đã có 2 xã đạt chuẩn NTM, 4 xã đạt 15-18 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 11,75 tiêu chí… Dấu ấn trong sản xuất nông nghiệp cũng được khẳng định với sự xuất hiện của nhiều vùng sản xuất chuyên canh như: vùng lúa và rau màu tại các xã Văn Lang, Động Lâm, Hiền Lương, Liên Phương, Hậu Bổng…; vùng chè tại Yên Kỳ, Cao Điền, Gia Điền, Phương Viên; vùng trồng cây lâm nghiệp tại Đại Phạm, Hà Lương, Quân Khê… Giá trị sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của huyện đạt 80 triệu đồng/ha/năm, tăng 20 triệu đồng so với mục tiêu đề ra. /.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem