“Cởi trói” tín dụng cho lúa gạo, cà phê

Thanh Xuân Chủ nhật, ngày 12/06/2016 07:00 AM (GMT+7)
Với tổng số vốn vay 238 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (WB), Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) được đánh giá là phương án “cởi trói” tín dụng, giúp nông dân trồng lúa, cà phê có lợi nhuận tăng thêm từ 20-30%.
Bình luận 0

Tác động tới hàng triệu hộ nông dân

TS Cao Thăng Bình -  chuyên gia cao cấp ngành nông nghiệp chia sẻ: “Các cô, bác, chú, dì của tôi có rất nhiều người đang sản xuất lúa ở ĐBSCL nhưng họ làm cả 1ha mỗi vụ cũng chẳng lãi được 10 triệu đồng thì làm sao đủ chi phí cho cuộc sống và nuôi con ăn học. Không chỉ người thân của tôi, khảo sát còn cho thấy có tới 70% nông dân ở ĐBSCL có diện tích dưới 1ha. Vì vậy đang có khoảng 1 triệu nông dân gặp khó khăn nếu chỉ trông chờ vào sản xuất lúa” - ông Bình nói.

img

Sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL sẽ được hỗ trợ tín dụng theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, góp phần tăng thêm lợi nhuận 30%. ảnh:T.L

Theo ông Bình, không chỉ lúa gạo, đối với cà phê, chỉ có 1/3  diện tích ở Tây Nguyên là đảm bảo được nước tưới. Phần còn lại tỷ lệ sử dụng nước ngầm ngày càng nhiều dẫn tới có nơi bị sụt lún sâu 3m. Cùng với việc sản xuất cà phê có năng suất thấp, chất lượng không đồng đều, đặc biệt là khâu bảo quản, chế biến chưa tốt… nên thu nhập của người trồng cà phê  thấp. “Dự án VnSAT sẽ mang đến một sinh kế mới cho đời sống của người dân trồng lúa, cà phê” - ông  Bình khẳng định.

"Dự án VnSAT có mục tiêu góp phần triển khai hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng lúa gạo và cà phê ở ĐBSCL và Tây Nguyên”. 
Ông Lê Quốc Doanh – 
Thứ trưởng Bộ NNPTNT

Đối với khu vực ĐBSCL, VnSAT sẽ hỗ trợ trực tiếp khoảng 140.000 hộ nông dân trồng lúa ở 8 tỉnh (Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng), giúp họ tiếp cận, áp dụng công nghệ tiên tiến và liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, lợi nhuận của nông dân trên mỗi ha dự kiến sẽ tăng thêm 30%.

Tại Tây Nguyên, có khoảng 63.000 hộ nông dân tại 5 tỉnh (Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai và Kon Tum) sẽ được tiếp cận, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững, tái canh cà phê và tăng thu nhập khoảng 20%.

Nhu cầu vốn cho tam nông rất lớn

Ông Phan Đức Tú – Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, BIDV được Chính phủ lựa chọn làm ngân hàng bán buôn, quản lý và cho vay lại số vốn tín dụng tương đương 105 triệu USD trong tổng số vốn vay của dự án. Số tiền này sẽ được BIDV giải ngân, thông qua các ngân hàng được lựa chọn, để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cấp công nghệ và thiết bị chế biến gạo ở ĐBSCL, và nông dân tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên.

Đại diện cho các nhà thầu phụ, bà Nguyễn Thị Phượng – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết: Agribank tiếp tục được lựa chọn là đơn vị tham gia cấu phần tín dụng Dự án VnSAT trị giá 105 triệu USD trong đợt này. “Agribank sẽ nỗ lực triển khai hiệu quả VnSAT, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho các doanh nghiệp và các hộ gia đình ở hai vùng sản xuất lúa gạo, cà phê chủ lực của Việt Nam” - bà Phượng nhấn mạnh.

Đánh giá về dự án này, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn là lĩnh vực rộng và có nhu nhu cầu tài chính rất lớn, dù đã có nhiều chính sách tín dụng cho tam nông nhưng đến nay vẫn chưa đủ. VnSAT thực sự là dự án cần thiết tác động tới hơn 70% đời sống của nông dân ở khu vực nông thôn, giúp họ tiếp cận được tín dụng dễ dàng hơn trong thời gian tới./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem