Con em ngư dân Bãi ngang Quảng Bình điêu đứng vì... Formosa

Phan Phương Thứ sáu, ngày 29/07/2016 06:40 AM (GMT+7)
Từ khi xảy ra sự cố môi trường biển do Formosa xả thải độc hại, cuộc sống ngư dân xã biển bãi ngang Hải Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) đã phải lay lắt qua ngày vì mất nguồn thu chính từ biển. Năm học mới cận kề, người dân nơi đây lại đứng trước nỗi lo không biết lấy đâu ra tiền cho con đến trường…
Bình luận 0

Chị nghỉ học nhường em đến trường

Cuối tháng 7, nắng hè vẫn như lửa đốt nhưng trong lòng những người mẹ, người cha ở xã biển bãi ngang Hải Ninh có lẽ còn nóng hơn lửa. Hơn 3 tháng nay, biển bị nhiễm độc, những ngư dân bãi ngang phải úp thuyền vì cá đánh bắt về bán không có ai mua, cuộc sống của họ trở nên khó khăn, lay lắt hơn bao giờ hết. Biển không đưa lại nguồn thu, lo toan cuộc sống hàng ngày đã khó, thời điểm này lại bắt đầu vào năm học mới, bao khoản đóng góp cho con tựu trường, quả thật phần lớn ngư dân bây giờ không biết lấy đâu ra.

img

Chị Trần Thị Hiếu bên tập sách vừa mới được người làng bên cho, chị cùng các con sửa soạn, chuẩn bị sách vở cho năm học mới.  Ảnh: P.P

Do là xã biển bãi ngang, điều kiện khó khăn nên những năm trước đây học sinh cũng lác đác bỏ học. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm đặc biệt của các cấp ngành, tình trạng bỏ học giữa chừng của Hải Ninh đã giảm hẳn. Nhưng năm nay, biển bị sự cố do Formosa xả thải như vậy, chúng tôi đang rất lo số lượng học sinh bỏ học sẽ tăng đột biến”. 

Ông Phan Quốc Khánh -  
Phó Chủ tịch UBND xã Hải Ninh

Trong ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp, chị Trương Thị Hiếu ở thôn Cửa Thôn đang cùng các con sửa soạn lại mấy trang sách vừa xin được của người bà con ở trên thị trấn.  “Năm học mới sắp đến rồi, mà mới xin được sách cho thằng cu Phin học lớp 6, còn sách của bé Hoa học lớp 8, bé Hậu học lớp 2 vẫn chưa có. Còn vở, quần áo… nhiều thứ khác cần chuẩn bị cho con mà hiện vẫn chưa có tiền” -  chị Hiếu buồn bã.

Ngày trước biển chưa nhiễm độc, mỗi đêm chồng chị là anh Nguyễn Phong đánh bắt trên biển cũng thu được gần 10kg cá các loại. Mỗi sớm mai, khi con thuyền nhỏ của chồng cập bến, chị Hiếu  lấy cá chạy nhanh về chợ Đồng Hới để bán cho được giá. Con cá bãi ngang vì đánh bắt gần bờ nên tươi ngon, về đến chợ là chị bán hết ngay. Số tiền kiếm được sau chuyến biển của anh và chuyến chợ của chị tuy chưa thể làm giàu nhưng cũng đủ cho anh chị nuôi 4 đứa con ăn học. Nay biển nhiễm độc, anh Phong đi làm về, cá không ai mua, chị Hiền cũng phải nghỉ chợ. Nhu cầu ăn uống, học hành cho 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn thì không thể không lo. Biển bãi ngang không còn đi được, anh Phong về Đồng Hới đi bạn cho một tàu cá đánh bắt xa bờ. Nhưng chuyến biển đi hết 21 ngày vừa qua, tàu cá anh đi bạn bị thất thu do cá đánh bắt về bán không được giá, chỉ được chủ trả công cho 2 triệu đồng. Họa vô đơn chí, ở thời điểm khó khăn này, chị Hiền lại bị u nang, vết thương nhiễm trùng nên phải mổ lần 2, lại phải đi vay tiền mà trả viện phí.

Ở cái tuổi  mới ngoài 30, nhưng trên đôi vai của người phụ nữ nhỏ bé này không chỉ gánh nỗi lo cơm áo gạo tiền, mà tương lai trước mắt của chị và các con đầy một màu xám xịt. Sức khoẻ chưa kịp phục hồi sau 2 lần mổ, chị tất tả đi xin sách vở cho các con, chuẩn bị cho ngày tựu trường sắp tới. “Bé Hoa năm nay đã lên lớp 8 nhưng chắc là nó phải nghỉ học để nhường các em nó đã. Hai tháng nghỉ hè vừa qua, hắn đã đi ở thuê, bồng con cho một gia đình trên Đồng Hới, mỗi tháng họ trả công cho 2 triệu đồng, cháu đều gửi về cho mẹ nói là để sắm sách vở, áo quần cho các em đi học. Nghĩ thương nó lắm nhưng lực bất tòng tâm…” - chị Hiếu ngậm ngùi.

Mong miễn giảm các khoản đóng góp

Tình cảnh của gia đình chị Hiếu chắc chắn không phải là cá biệt ở xã Hải Ninh nói riêng và các xã vùng biển bãi ngang Quảng Bình nói chung.  Mặt trời đã đứng bóng nhưng bà Lê Thị Nghiết (51 tuổi) vẫn chưa ngơi đôi tay. Hết xắt rau nấu cám cho lợn ăn, bà lại tất tả băm rổ khoai mầm cho đàn gà đang đói…  Từ ngày chồng bị tai nạn, gánh nặng kinh tế sang qua đôi vai bà. “Ngày trước có cá, tui làm nghề  “chạy chợ” cũng  có đồng ra đồng vô, đồng ra, nay cá không còn, tui phải nuôi thêm con lợn, con gà kiếm thêm ít đồng lo sách vở cho con vào năm học mới” – bà Nghiết cho biết.

Bà Nghiết có 5 người con, những đứa con lớn đều đã nghỉ học, năm nay chỉ còn bé Hoàng Thị Hồng Tâm học lớp 8. Chỉ còn 1 người con đi học nhưng do chồng bị tai nạn không làm việc được, nên một mình bà cũng chạy bở hơi tai. “Mọi năm, sáng tôi xuống biển mua cá của các thuyền gần bờ, rồi về các chợ bán kiếm lời. Trưa về tui làm ruốc, nước mắm, khoai deo, kiếm tiền trang trải cho cuộc sống, nuôi con ăn học, chữa bệnh cho chồng. Nay biển như thế….” – bà Nghiết bỏ lửng câu nói.

Ông Phan Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết, theo thống kê sơ bộ năm nay ở xã Hải Ninh sẽ có khoảng 2.000 học sinh đến trường nhưng với tình hình này con số sẽ không như dự kiến vì chắc sẽ có nhiều gia đình vì quá khó khăn mà không thể cho con đến trường. Hiện nay, UBND xã cũng đã làm tờ trình gửi lên các cấp kiến nghị miễn giảm các khoản đóng góp cho học sinh Hải Ninh để các em được tiếp tục đến trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem