Công ty “lật kèo”, nông dân lỗ nặng

Thứ sáu, ngày 28/09/2012 07:33 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng chục hộ nông dân xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, An Giang đã hợp tác sản xuất lúa giống với một công ty. Hậu quả, bà con tốn nhiều tiền bạc, nhưng đến khi thu hoạch thì công ty không thu mua nên nhà nông lỗ nặng.
Bình luận 0

Nông dân lỗ nặng

Vụ hè thu vừa qua, hơn chục nông dân ở tuyến đê Nhà Lầu, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành ký hợp đồng sản xuất, cung ứng lúa giống cho Công ty TNHH một thành viên QBC (Công ty QBC), địa chỉ đăng ký tại ấp Trung Phú 4 (xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), do ông Phạm Anh Vũ làm đại diện.

img
Nông dân Nguyễn Công Khanh bức xúc vì hợp đồng được ký kết nhưng Công ty QBC không thực hiện.

Toàn bộ lúa dùng để sản xuất giống do Công ty QBC cung cấp, nông dân có nhiệm vụ sản xuất theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Đến cuối vụ thu hoạch, Công ty sẽ thu mua lại toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn 800 đồng/kg (lúa tươi) và 1.000 đồng/kg (lúa khô) so với giá thị trường…

Ông Nguyễn Công Khanh ở ấp Phú An I (xã Bình Hòa) phản ánh, theo thỏa thuận trong hợp đồng, ông nhận sản xuất 20 công tầm cắt lúa giống OM7347 cho ông Phạm Anh Vũ (1 công tầm cắt gần 1.300m2). Giống lúa nguyên chủng do ông Vũ cung cấp và hỗ trợ cấy lúa 300.000 đồng/công (thực tế chi phí cấy lúa 470.000 đồng/công).

Ông Khanh thuê người nhổ bỏ lúa cỏ và các loại lúa khác với giống sản xuất hết 141 ngày công, tốn gần 11,3 triệu đồng (80.000 đồng/ngày công khử lẫn).

"So với canh tác lúa hàng hóa, chi phí sản xuất giống vụ hè thu này cao hơn 1 triệu đồng/công" - ông Khanh nói. Đến ngày thu hoạch, ông Khanh nhiều lần gọi điện thoại báo nhưng phía ông Vũ cứ hẹn mà không xuống thu mua.

"Chờ suốt một tuần lễ, thấy lúa trên đồng đã chín khô, tôi buộc phải thuê máy cắt để mang lúa vào, bán cho thương lái. Theo hợp đồng, trong vòng 7 ngày trước khi thu hoạch, phía công ty phải xuống thỏa thuận giá thu mua nhưng họ cứ viện lý do này, lý do khác không xuống. Vậy mà sau khi bán lúa xong, họ lại xuống đòi tiền hỗ trợ cấy lúa" - ông Khanh bực bội. Vụ hè thu này, ông Khanh lỗ hơn 40 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Long (ấp Phú An II, xã Bình Hòa), hợp đồng sản xuất 3,5 công lúa giống OM6976 cho Công ty QBC, cũng gặp tình trạng công ty "bỏ chạy" không mua. Do giống lúa OM6976 khá lạ, thương lái chỉ mua giá 4.300 đồng/kg lúa tươi, thấp hơn sản xuất lúa IR50404 gần 1,5 triệu đồng/công.

Đỏ mắt tìm… trụ sở công ty

Theo địa chỉ Công ty QBC quảng cáo, chúng tôi đến xã Vĩnh Phú (huyện Thoại Sơn, An Giang) tìm. Cán bộ UBND xã và người dân ấp Trung Phú 4 không ai biết trụ sở công ty nằm ở đâu và ông Phạm Anh Vũ là ai. Văn phòng Ban nhân dân ấp Trung Phú 4 cho biết, công ty này có đăng ký hoạt động từ đầu năm 2012 ở địa phương, nhưng hiện tại chưa có trụ sở và không treo biển hiệu. Bản thân ông Phạm Anh Vũ cũng ít khi có mặt ở địa phương.

Nhiều hộ dân lỗ nặng nhưng do ông Phạm Anh Vũ ở nơi khác đến nên chính quyền xã Bình Hòa bất lực trong việc giúp dân đòi quyền lợi.

Ông Nguyễn Văn Bé Năm - Tổ trưởng Tổ lúa giống xã Vĩnh Phú cho biết, ông hợp tác sản xuất 5ha lúa giống cho Công ty QBC và được thu mua hết sản phẩm làm ra. Ngoài huyện Thoại Sơn, ông Vũ còn đặt hàng sản xuất lúa giống ở nhiều địa phương trong tỉnh An Giang nhưng chuyện thu mua thế nào thì ông không rõ.

Trong khi vụ hè thu vừa qua, nhiều nông dân ở xã Bình Hòa thua lỗ vì tin Công ty QBC thì vụ thu đông này, ông Phạm Anh Vũ lại tiếp tục đặt hàng sản xuất lúa giống với nông dân ở các xã An Bình, Tây Phú, Vĩnh Phú (huyện Thoại Sơn) và một số huyện lân cận với diện tích khá lớn. Vậy chính quyền địa phương có biết ông Vũ ở đâu, địa chỉ trụ sở Công ty để thông tin cho người dân khi tham gia sản xuất, mua bán giống?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem