Cùng trồng ớt, bầu Đức cười vì thu được 93 tỷ, nông dân khóc vì ớt

Anh Thơ Thứ năm, ngày 03/05/2018 11:20 AM (GMT+7)
Gần như cùng thời điểm báo cáo tài chính hợp nhất quý I.2018 của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai được công bố với thông tin doanh thu từ ớt của công ty đạt xấp xỉ 93 tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận gộp lên đến 60% thì trên nhiều diễn đàn và mạng xã hội, nông dân đồng loạt kêu trời vì giá ớt giảm thê thảm.
Bình luận 0

Kẻ cười

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I của Công ty cổ phần Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico), doanh thu thuần của công ty đạt 558 tỷ đồng, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vườn trái cây của HAGL Agrico  đóng góp hơn 354 tỷ đồng nhờ mở rộng diện tích đến thời điểm thu hoạch.

img

Sơ chế ớt tại nhà máy của Hoàng Anh Gia Lai Agrico. Ảnh: HAGL Group.

Chỉ tính riêng vườn ớt HAGL Agrico trồng từ cuối năm ngoái cũng mang về doanh thu xấp xỉ 93 tỷ đồng. Cho đến nay, sản lượng ớt của doanh nghiệp chủ yếu xuất sang Trung Quốc với tỷ suất lợi nhuận gộp lên đến 60%. HAGL Agrico đang có tham vọng tiếp tục mở rộng vùng trồng ớt ở những nơi có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp như Rattanakiri (Campuchia), Hàm Rồng, Lơ Pang (Gia Lai)… với diện tích lên đến 1.000ha. Theo đó, bên cạnh chanh dây, thanh long và chuối, HAGL sẽ có thêm nguồn thu đáng kể từ ớt, xoài và mít.

Với tỷ suất lợi nhuận rất cao, vượt xa các loại cây ăn trái khác, ớt được coi là “chiến binh” mới của HAGL Agrico. Công ty dự kiến nâng sản lượng ớt trong năm 2018 lên 27.075 tấn so với con số ít ỏi 525 tấn của năm 2017, tức tăng hơn 50 lần. HAGL Agrico cũng đặt mục tiêu đưa ớt trở thành 1 trong 4 cây trồng “nghìn tỷ” với doanh thu năm 2018 dự kiến đạt 1.083 tỷ đồng (năm 2017, doanh thu từ ớt của công ty mới đạt 21 tỷ đồng); diện tích ớt cũng sẽ tăng tương ứng ở mức 1.800ha.

Ở thời điểm công bố, có nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại xung quanh tham vọng này của HAGL. Bởi để đạt được doanh thu nghìn tỷ trên quy mô hơn 27.075 tấn nghĩa là giá ớt của tập đoàn lúc nào cũng phải ở mức ngất ngưởng 40.000 đồng/kg. Thực tế, tại các vùng chuyên canh ớt của Việt Nam rất ít khi đạt được ngưỡng đỉnh cao này, bởi chỉ cần được giá trung bình bằng nửa con số này là nông dân đã thu lãi lớn, còn cảnh giá rẻ bèo, bán như cho vẫn thường xuyên diễn ra trên khắp các vùng chuyên canh ớt cả nước, từ Quảng Nam đến Bình Định,…

Đó là chưa kể, thị trường tiêu thụ lớn nhất mà HAGL Agrico nhắm đến cũng là Trung Quốc, mà sự đỏng đảnh của thị trường này thì rất nhiều người nếm trải, sáng giá có thể trên trời nhưng chiều có thể chạm đáy ngay tức khắc.

Người khóc

Gần như cùng đồng thời với thời điểm HAGL Agrico công bố báo cáo tài chính với khoản lợi nhuận khủng từ ớt, trên khắp các diễn đàn và mạng xã hội, nông dân nhiều nơi than trời vì ớt giảm giá không phanh.

img

Giá ớt ở nhiều tỉnh miền Bắc đang giảm mạnh.

Mấy ngày nay anh Dương Văn Dương, cán bộ Trạm Khuyến nông thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) như ngồi trên đống lửa vì giá ớt rớt từng ngày. Gia đình anh ở xóm Núi, xã Xuân Phương (huyện Phú Bình) cũng tham gia trồng 0,5ha ớt, vài tuần trước, giá ớt từ các tỉnh Tây Nguyên ra miền Bắc còn đạt 13.000 – 15.000 đồng/kg, sau cứ giảm dần, giờ xuống mức 7.000 – 8.000 đồng/kg (loại đẹp), còn ớt xấu chỉ có giá 5.000 – 6.000 đồng/kg. Theo anh Dương, với mức giá này, nông dân chỉ từ hòa đến lỗ.

Cũng theo anh Dương, hiện trên địa bàn Thái Nguyên, Bắc Giang, diện tích trồng ớt tương đối lớn, lên đến hàng nghìn hecta. Điều đáng nói là, việc tiêu thụ vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thương lái và thị trường là xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc nên đầu ra vô cùng bấp bênh. “Trước cũng đã có những doanh nghiệp ký bao tiêu sản phẩm cho nông dân nhưng do bà con hay phá vỡ hợp đồng, lúc đắt bán ra ngoài, lúc rẻ mới kêu doanh nghiệp nên không còn ai cam kết bao tiêu sản phẩm”, anh Dương cho biết thêm.

Tại huyện Đại Lộc (Quảng Nam), nếu như đầu vụ ớt còn có giá 8.000 đồng/kg thì đến nay cho còn 4.000 – 5.000 đồng/kg, trong khi mọi năm mức giá này phải tăng gấp 4. Theo tính toán, muốn có lãi, giá ớt phải đạt từ 10.000 đồng/kg trở lên. Thậm chí, ở xã Mỹ Tài, Phù Mỹ (Bình Định), theo chia sẻ của một số nông dân, giá ớt chỉ còn… 2.000 đồng/kg.

Nguyên nhân giá ớt giảm được các thương lái ở Quảng Nam lý giải là do Trung Quốc tiêu thụ chậm nên họ không dám thu mua ồ ạt, chỉ thu mua cầm chừng để nghe ngóng diễn biến thị trường.

Tại Yên Lạc (Vĩnh Phúc), Kim Thành (Hải Dương), … rất nhiều nông dân cho biết, họ đang phải nếm “vị đắng” của ớt vì sản phẩm đã đến kỳ thu hoạch nhưng bán chẳng ai mua, hoặc có mua cũng rất chậm và với giá rẻ. Anh Vũ Văn Hưng, ở xã Kim Đính, huyện Kim Thành cho biết, gia đình anh trồng gần 1 mẫu ớt Gold nhưng đang không có nơi tiêu thụ, giá rớt thê thảm, chỉ còn 7.000 – 8.000 đồng/kg. “Năm trước, đuổi thương lái đi không hết, họ tranh nhau mua, còn năm nay chạy theo van nài họ thu mua giúp mà chẳng được”, anh Hưng chua chát bày tỏ.

Từ sự đối lập nhau giữa HAGL Agrico và nhiều vùng trồng ớt trên cả nước cho thấy, đã đến lúc nông dân phải bỏ kiểu canh tác tự phát mà hướng đến xây dựng mối liên kết bền vững với doanh nghiệp thì mới không lo canh cánh câu chuyện tiêu thụ ở đâu.

Trước thông tin Hoàng Anh Gia Lai thu lợi nhuận khủng từ trái ớt, anh Dương cho rằng, nhu cầu ớt khô để chế biến trên thị trường là tương đối lớn, ngoài Trung Quốc còn có Hàn Quốc, Malaysia,… cũng muốn nhập ớt của Việt Nam. “Hoàng Anh Gia Lai là một tập đoàn lớn, họ hoàn toàn có khả năng xây dựng vùng chuyên canh để phục vụ xuất khẩu nhưng để họ thu mua của nông dân thì chắc là không bao giờ”, anh Dương quả quyết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem