Cựu tù quyết trả nợ quê hương bằng mô hình trang trại tổng hợp tiền tỷ

Linh Nhi Thứ năm, ngày 11/12/2014 08:21 AM (GMT+7)
Từng là kỹ sư công nghệ thông tin, đang thăng tiến tốt trong công việc thì Nguyễn Thanh Tuấn phạm sai lầm, phải ăn “cơm cân” trong tù. Ngày được trả tự do, nơi đầu tiên anh nghĩ đến là quê hương. Quê hương đã cho anh tất cả, giờ là lúc anh phải trả nợ cho quê hương... Và rồi anh đã thành công với mô hình trang trại tổng hợp, thu tiền tỷ mỗi năm. 
Bình luận 0

Trang trại của anh Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1977) nằm sâu trong thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành (Quảng Nam). Sau mười mấy năm kiên trì vun trồng, mồ hôi Tuấn đổ xuống đã làm hồi sinh vùng đất khô cằn sỏi đá này.

Những ngày “một mình một ngựa”

Tuấn sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo Tam Hiệp. Dù nhà nghèo, đông anh em nhưng bố mẹ vẫn chắt chiu lo cho Tuấn học đại học. Năm 2002, Tuấn tốt nghiệp khoa Tin học (Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.Hồ Chí Minh). Với tấm bằng loại giỏi, Tuấn được một công ty bất động sản mời làm việc và chỉ sau một thời gian ngắn, Tuấn đã được đề bạt lên vị trí trưởng phòng kinh doanh. Công việc đang suôn sẻ thì sóng gió ập đến. Do cấp trên buông lỏng quản lý, Tuấn đã ký hồ sơ liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sự việc sau đó vỡ lở, Tuấn hối hận thì đã muộn. Anh về quê xin bố mẹ bán hết tài sản, lợn gà... để có tiền khắc phục hậu quả.

img

Nguyễn Thanh Tuấn đang dự kiến sẽ nhân rộng đàn gà Đông Tảo trên đất Quảng. 
 
Khoảng năm 2006, Tuấn vay mượn tiền để mở trang trại chăn nuôi ở quê. Cũng trong thời gian này, anh gặp và nên duyên với cô giáo Phạm Thị Thùy Trang. Sau lễ cưới không lâu thì tin dữ ập đến: Nguyễn Thanh Tuấn bị Công an TP.Hồ Chí Minh khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tuyên phạt Tuấn 3 năm tù giam.

“Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại, các cụ nói không sai. Tôi buồn lắm, tự hứa phải cải tạo tốt để sau này ra tù làm lại cuộc đời” - Tuấn kể. Những ngày ở trại giam, Tuấn nhiệt tình tham gia phụ trách lớp xóa mù chữ cho phạm nhân, ngoài ra anh còn giúp trại giam những việc liên quan đến công nghệ thông tin. Nhờ đó mà Tuấn được ân xá, ra tù trước 1 năm.

Trở về quê một thời gian thì Khu công nghiệp Chu Lai triển khai, gia đình Tuấn bị thu hồi hết đất sản xuất, Tuấn rơi vào bế tắc.

Sau những đêm trằn trọc không ngủ, Tuấn quyết định mua mảnh đất ở phía tây bạt ngàn cây dại để làm lại từ đầu. Biết chuyện, cả nhà kịch liệt phản đối, ai cũng bảo chỉ có kẻ điên mới đâm đầu vào mua khu đất đó. Không nao núng tinh thần, Tuấn quyết làm bằng được. “Tôi thì nghĩ khác, tôi sẽ cải tạo khu đất này thành một trang trại đầy sức sống. Không ai ủng hộ, tiền trong túi không còn một xu, tôi tự mình phát cây, dọn cỏ và từng bước khai hoang vùng đất này” – Tuấn kể lại.

Tuấn dựng tạm một căn lều và bắt đầu hành trình biến sỏi đá thành cơm. Đêm đầu một thân một bóng nơi đồi hoang, nghe tiếng muông thú gọi bầy, tiếng muỗi kêu vo ve, Tuấn mới thấm thía sự cô độc, nhưng vẫn tự động viên mình “có công mài sắt có ngày nên kim”. Cả những ngày nắng cháy da người, anh vẫn không ngơi nghỉ mà kiên trì dọn từng bụi cỏ để biến thành khu chăn nuôi lợn, gà. Trong khu đất này có một cái ao, Tuấn liền thử nuôi cá lóc. Vốn liếng chẳng có, làm cái gì cũng phải “giật gấu vá vai”, thiếu thốn trăm đường. Thời gian dần trôi, từ một anh chàng thư sinh, Tuấn đã trở thành một nông dân thực thụ...

Bắt sỏi đá “nhả vàng”

Được cái trời thương, suốt cả năm dầm mình trong nắng gió mà Tuấn vẫn luôn khỏe mạnh, không bị ốm đau gì. Vui nhất là vụ cá lóc đầu tiên, Tuấn thu được cả chục triệu đồng tiền lãi. Có vốn, anh tiếp tục mở rộng sản xuất, bắt đất khô cằn cũng phải sinh sôi nảy nở. Và chỉ sau 2 năm, anh đã có thể tự tin vươn lên làm giàu từ chăn nuôi. Hồi đó, thấy kỳ đà, kỳ nhông đang được giá trên thị trường, anh gom góp, vay mượn khắp nơi được 30 triệu đồng để mua giống kỳ đà về nuôi thử.

Vốn thông thạo công nghệ nên làm gì Tuấn cũng lên mạng Internet tìm hiểu cặn kẽ. Tuy nhiên, giữa lý thuyết và thực hành là một khoảng cách lớn. Vụ đầu nuôi kỳ đà, chúng lăn đùng ra chết gần hết. Tuấn không nản, tiếp tục tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân rồi mua giống về nuôi tiếp. Sang vụ thứ hai anh đã nuôi thành công, thậm chí còn nhân được giống. Tuấn bảo, cái giống bò sát này phàm ăn, nhưng thức ăn phải đảm bảo sạch sẽ, chuồng nuôi phải có hầm tránh nắng... Sau mỗi lứa kỳ đà, Tuấn lại rút ra được vô số kinh nghiệm.

img

Nghe tin chàng thanh niên hoàn lương, phá đất hoang làm trang trại, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã tổ chức một đoàn đến trang trại của Tuấn tìm hiểu sự tình. Một vị lãnh đạo tỉnh rất tâm đắc trước quyết tâm của chàng trai trẻ, đã chỉ đạo ngân hàng nên cho những mô hình làm ăn thật sự như thế này vay vốn. Sau chuyến đó, Tuấn vay được vốn ngân hàng.

Từ ngày chuyển sang nuôi kỳ đà, trang trại của Tuấn phất lên trông thấy vì đã kết nối được với chuỗi cửa hàng ăn ở Đà Nẵng và các tỉnh phía Nam miền Trung. Chỉ trong thời gian ngắn, Tuấn đã trở thành đầu mối cung cấp thịt kỳ đà uy tín cho họ với giá hợp lý. Để có đủ hàng bán thường xuyên, Tuấn còn mở rộng mạng lưới nuôi kỳ đà ra các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hải Phòng… Theo đó, Tuấn cung cấp kỹ thuật, con giống cho người nuôi và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Năm 2010, Tuấn thành lập Công ty TNHH một thành viên Ân Cát, vừa là để cảm ơn quê hương đã nuôi anh khôn lớn và tạo cơ hội làm giàu, vừa để phát triển kinh doanh thuận lợi. Hiện bình quân mỗi năm, công ty của Tuấn thu về cả tỷ đồng. Vui hơn nữa là trên 400 hộ dân đã ký kết hợp đồng nuôi kỳ đà, kỳ nhông với Tuấn.

Bây giờ ngày nào Tuấn cũng bận tối mắt tối mũi trong trang trại có diện tích trên 3.000m2, với hàng nghìn con kỳ nhông, kỳ đà. Sau mấy năm ra tù, Tuấn đã có khoảng 10.000 con nhông cát, 100 con kỳ đà, 500 con kỳ tôm, 5.000 con rắn mối, 200 con gà Đông Tảo, 7.000 con gà thịt, 200 con lợn và nhiều cây ăn quả các loại.

Với con lợn, anh cũng áp dụng “tuyệt chiêu” là tìm nơi tiêu thụ sản phẩm trước rồi mới mở rộng sản xuất. Tuấn phân tích: “Ở vùng Nam miền Trung rất thiếu thịt lợn, giá bao giờ cũng cao hơn miền Bắc, vì vậy mà hàng ngày rất nhiều ô tô chở lợn từ miền Bắc vào. Chi phí vận chuyển cao, cộng với qua tay nhiều đầu mối nên giá thịt lợn ở đây luôn cao hơn tới chục giá so với nơi sản xuất. Vì thế tôi kiên trì tìm các mối hàng lớn để thuyết phục họ và cam kết cung cấp sản lượng ổn định cho họ”.

Giờ đây, ngoài trang trại lợn của mình, Tuấn còn liên kết với hàng trăm hộ nông dân hình thành một chuỗi cung cấp thịt lợn lớn trong vùng. Và tất nhiên, anh lại đứng mũi chịu sào trong việc hướng dẫn kỹ thuật, lo con giống và kiêm luôn khâu tiêu thụ. Vì vậy mà ai cũng yên tâm khi làm ăn với anh.

Với những thành tích đó, Nguyễn Thanh Tuấn đã được nhiều cấp, ngành khen thưởng như: Giải thưởng Lương Định Của năm 2010; giải thưởng Gương mặt trẻ triển vọng Việt Nam tiêu biểu năm 2011... Anh cũng là một trong những điển hình tiên tiến vừa được Công an tỉnh Quảng Nam khen thưởng tại hội nghị biểu dương mô hình, cá nhân điển hình thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

   Theo phân tích của Tuấn, làm ăn manh mún gặp nhiều rủi ro. Muốn sản xuất bền vững phải có sự liên kết và minh bạch trong tài chính. Tuấn cũng nhắn nhủ với những thanh niên cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học mà không xin được việc rằng: Đại học chỉ là bước đệm vào đời, đừng nghĩ làm nông nghiệp không giàu có. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem