Dân bản “Say” hào hứng làm trang trại

Nguyễn Hùng Thứ năm, ngày 24/09/2015 06:00 AM (GMT+7)
Vài năm trở lại đây, thanh niên Tân Pun còn có một phong trào khá nổi trội là khai khẩn núi hoang, hào hứng làm trang trại kinh tế tổng hợp. Những trường hợp thanh niên “bạo gan” ấy đa phần đều có học vấn, một số trường hợp còn có cả bằng cử nhân.
Bình luận 0

Theo ngôn ngữ của người Vân Kiều thì chữ “pun” có nghĩa là “say”, thế mới có chuyện, bản Tân Pun (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) còn có tên khác là bản “Say”. Bà con trong bản bảo rằng, say ở đây không phải là say rượu mà là say với cuộc sống mới đang từng ngày, từng giờ đổi thay với bàn tay lao động của lớp trẻ, giúp bản làng thêm no ấm.

img

Đã có một thời địa danh Tân Pun nằm lẩn khuất trong những tán cây thâm u, giữa lớp lớp rừng ma khiến nhiêuều người vì những nỗi lo sợ vô hình mà chẳng bao giờ dám bén mảng tới nơi này. Sau 10 năm dân bản Tân Pun “đánh vật” với đất đá, cỏ hoang, đến năm 2015 này, một số khách miền xuôi lên thăm đã ngợi khen rằng, bản “Say” của bà con Vân Kiều dần mang dáng dấp của một làng ở đồng bằng, với con đường xuyên bản hết gập ghềnh và những mái nhà ngói đỏ.

Có một luật lệ “bất thành văn” ở nơi này đã được duy trì cả chục năm nay mà bà con rất tự hào,  đó là hễ hộ gia đình nào làm nhà mới, chỉ cần báo hiệu bằng một tiếng hú là lập tức sáng hôm sau toàn bộ trai tráng trong bản đều có mặt đông đủ để làm giúp không công, gia chủ chỉ cần bồi dưỡng bằng nước chè, nước mát...

Rồi vài năm trở lại đây, thanh niên Tân Pun còn có một phong trào khá nổi trội là khai khẩn núi hoang để làm trang trại kinh tế tổng hợp. Những trường hợp thanh niên “bạo gan” ấy đa phần đều có học vấn, một số trường hợp còn có cả bằng cử nhân. Tiêu biểu như trường hợp chủ trang trại Phạm Hồng Phong, tuổi gần tứ tuần, là cử nhân truyền thông đa phương tiện, từng có 7 năm làm việc tại một công ty tin học uy tín lớn ở TP.HCM, sau đó vì “chán cuộc sống ở chốn phồn hoa đô hội” cộng với hoàn cảnh gia đình, đã trở về với bản “Say” làm trang trại. Không chỉ Phạm Hồng Phong, theo thời gian những chủ trang trại của bản “Say” xuất hiện ngày càng nhiều như Hồ Xuân Sinh, Cao Văn Giang, Nguyễn Thành Trung, Hồ Thị Thy Sa... với diện tích trang trại cả chục ha, hàng nghìn mét vuông ao nuôi cá nước ngọt cùng hàng trăm con dê, rồi còn diện tích cà phê, tràm...

“Làm kinh tế ai chẳng nghĩ đến chuyện lời lãi. Nhưng nếu ai đó ở vùng xuôi lên đây sống cùng chúng tôi 1 tuần, trải nghiệm núi non, trời xanh, mây biếc; câu cá, bắt gà làm mồi nhắm; nâng chén ngang mày... sẽ cảm nhận được giá trị thật sự của mô hình kinh tế trang trại ở chốn thâm sơn cùng cốc này...” - hầu hết chủ trang trại ở bản “Say” bảo vậy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem