Đất “giới tuyến” chuyển mình

Phan Phương Thứ bảy, ngày 30/04/2016 06:10 AM (GMT+7)
Suốt 21 năm bị lấy làm giới tuyến chia cắt đất nước, vùng đất đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải (Quảng Trị) đã hứng chịu quá nhiều mất mát, đau thương. 41 năm sau ngày đất nước thống nhất, vùng đất này đã có những bước chuyển mình thần kỳ…
Bình luận 0

Hồi sinh “vùng đất chết”

Dẫn chúng tôi thăm khu Di tích cầu Hiền Lương, ông Đinh Như Quang – Trưởng thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, nguyên Đại đội trưởng Đại đội dân quân bảo vệ cầu Hiền Lương say sưa giới thiệu về mảnh đất quê hương một thời là địa đầu của giới tuyến chia cắt: “Cuộc phân ly tạm thời (theo Hiệp định Genève)  tưởng rằng chỉ kéo dài 2 năm và kết thúc sau khi tổng tuyển cử thống nhất, nhưng nó lại kéo dài tới 21 năm. 21 năm làm giới tuyến, không một mái nhà, một gốc cây, ngọn cỏ nào ở hai bờ Hiền Lương còn nguyên vẹn. Nhiều mảnh làng vốn thanh bình trù phú đã trở thành “đất chết” vì bom đạn…”.

img

Sản xuất nước mắm ở cơ sở Huỳnh Kế, thị trấn Cửa Tùng. Ảnh: Phan Phương

Nghẹn ngào về quá khứ bao nhiêu, giọng ông Quang lại rưng rưng niềm xúc động trước sự đổi thay của quê hương bấy nhiêu.  Đôi bờ Hiền Lương nay đã thay da đổi thịt, đi đến đâu cũng thấy khí thế hăng say sản xuất. Những vùng đất năm xưa vốn được mệnh danh là “vùng đất chết”, “vành đai trắng”, sau chiến tranh loang lổ dấu vết bom cày, đạn xới thì nay đã nhường chỗ cho những đồng lúa, rừng cao su, hồ tiêu… xanh ngút ngàn, những vùng nuôi tôm trù phú...

Đi dọc bờ sông Bến Hải, qua các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Thành, Vĩnh Giang là những vùng nuôi tôm trù phú. Trưởng thôn Hiền Lương Đinh Như Quang kể: “Con tôm được đưa về đây từ những năm đầu thế kỷ 20. Qua nhiều vụ nuôi, có năm được năm mất nhưng xứ này sống được chính là nhờ con tôm. Mỗi vụ có nhà thu được tiền tỷ, còn vài chục triệu hay vài trăm triệu đồng là chuyện bình thường”.

 Cái bình thường mà ông Quang nói cũng như lời của ông Cầu bên làng Hiền Lương: “Nay làng xóm đổi khác lắm. Nhà tranh biến mất, giờ toàn nhà xây. Đó là nhờ con tôm hợp đất đai, con nước dòng sông này”.

Giàu nhờ đồi và biển

Đất nước thống nhất, non sông nối liền, người dân đôi bờ Hiền Lương  bắt tay xây dựng lại quê hương trong hoang tàn, loang lổ dấu vết bom cày, đạn xới. Hơn 40 năm cùng chung lưng đấu cật, chịu thương chịu khó người Hiền Lương đã biến vùng “đất chết” thành những đồng lúa, rừng cao su, hồ tiêu xanh ngút ngàn, những vùng nuôi tôm trù phú nổi tiếng cả nước...

Ngược lên vùng gò đồi phía thượng nguồn Bến Hải là những cánh rừng cao su, hồ tiêu xanh mướt. Theo ông Lê Văn Hiền – Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, những năm trước, khi cao su còn được giá, chỉ tính riêng loại cây này đã đóng góp một nửa tổng thu ngân sách toàn huyện Vĩnh Linh, góp phần quan trọng giúp Vĩnh Linh trở thành huyện Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Cùng với cây cao su, huyện đang khuyến khích bà con nông dân cải tạo vườn, phát triển mạnh cây hồ tiêu. Hiện tại toàn huyện có trên 1.000ha hồ tiêu đang cho thu nhập cao. Ông Nguyễn Đức Hiếu, nông dân xóm Chợ, xã Vĩnh Kim đang trồng 1ha tiêu cho biết, thời điểm này tiêu đang được giá, mỗi vườn tiêu 5 sào từ 5 - 7 tuổi đã cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Xuôi về phía biển, 2 cửa sông chính Cửa Việt và Cửa Tùng đã tạo cho  2 huyện “giới tuyến”  Gio Linh và Vĩnh Linh là “vùng đất vàng” về khai thác và chế biến thủy sản. Chị Lê Thị Huỳnh – Chủ cơ sở chế biến nước mắm Huỳnh Kế thơm ngon nức tiếng cho biết, chị lớn lên trong những ngày đất nước khổ cực, quê hương hoang tàn vì bom đạn. Mảnh làng chị ở, sản vật từ biển ngon ngọt lạ kỳ nhưng không bán chạy bởi cách trở đường xa. Trằn trọc với cuộc sống, chị nghĩ cách làm nước mắm để bán. Cơ sở nước mắm được đặt tên Huỳnh Kế gồm tên chồng và tên của chị từ năm 1989. Thời đó, chị Huỳnh vay mượn từng thúng thóc, từng cân cá bán đi để có vốn làm nước mắm.

Ở vùng hẻo lánh, đi ra đường phải vượt cát, mẻ nước mắm lúc được lúc mất, lắm khi hỏng cả, nhưng cuối cùng chị cũng thành công và có được bí quyết riêng bằng việc đi mua từng chai nước mắm loại ngon về nêm nếm để so sánh hương vị, từ đó tìm ra công thức riêng cho sản phẩm của mình. “Tiếng thơm” truyền miệng mà nước mắm Huỳnh Kế đi Nam ra Bắc, xuất sang Lào, Thái Lan... Nhiều cơ sở sản xuất khác cũng tới học hỏi, đánh giá độ đạm, độ ngọt còn hơn nước mắm Phú Quốc. Những lúc như thế, chị Huỳnh cười: “Nước sông Bến Hải ngọt ngào, lòng người Hiền Lương thiệt thà nên nước mắm cũng chất phác đi vô lòng người dùng”…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem