Dấu ấn sau 3 năm xây dựng nông thôn mới (Bài 5): Bứt phá trong sản xuất

Thứ sáu, ngày 09/05/2014 11:26 AM (GMT+7)
Cùng với những thành công nổi bật trong việc huy động sức dân đóng góp cho xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua các địa phương đã tích cực đầu tư cho sản xuất, xây dựng những mô hình cho giá trị kinh tế cao.
Bình luận 0
Điều này không chỉ giúp nông dân tăng nhanh thu nhập mà còn góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp hiệu quả.

Động lực cho xây dựng NTM

Theo thống kê, trong hơn 3 năm xây dựng NTM vừa qua, cả nước đã có hơn 9.000 mô hình sản xuất được thực hiện, với khoảng 8.400 tỷ đồng hỗ trợ từ vốn ngân sách. Trong đó, một số địa phương đã gặt hái được nhiều thành công trong dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, như Lâm Đồng, An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh, Lâm Đồng đã có những đột phá trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, giúp nhiều nông dân có thu nhập “khủng”.

Mô hình trồng hoa trong nhà kính đang giúp nông dân có thu nhập cao.
Mô hình trồng hoa trong nhà kính đang giúp nông dân có thu nhập cao.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao tại đây đã đạt gần 35.000ha. Với mỗi ha đất trồng rau trong một năm ở Lâm Đồng, nếu ứng dụng công nghệ cao, thu nhập trên dưới 400 triệu đồng, trồng hoa thì có thể đạt tới 1-1,5 tỷ đồng, trong khi bình quân cả nước mới chỉ đạt 85 triệu đồng/ha/năm. Nhận thấy lợi nhuận lớn từ ứng dụng công nghệ cao, nhiều hộ dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng đã mạnh dạn từ bỏ thói quen canh tác lạc hậu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Mấy năm trước đây, không ai có thể hình dung Ðạ Sar, một xã khó khăn thuộc huyện Lạc Dương, lại có thể trở thành một trung tâm sản xuất rau, hoa chất lượng cao của tỉnh. Lão nông Krajan Yu Ny (65 tuổi, người Cơ Ho, thôn 1) cho hay: “Trước đây nhà tôi có hơn 1ha cà phê, nhưng mỗi năm chỉ thu hoạch 1 lần, giờ được Nhà nước hỗ trợ làm nhà kính, hệ thống tưới nước tự động, giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật... nên tôi đã chuyển hơn 2.000m2 sang trồng rau, hoa.

Hàng năm gia đình tôi thu hoạch luân phiên đến 4-5 lứa rau, hoa, lúc nào cũng rủng rỉnh tiền tiêu”. Được biết, gia đình ông Krajan Yu Ny cũng là một trong những hộ đầu tiên ở Ðạ Sar mạnh dạn phá thế độc canh cà phê và trở thành mô hình điểm tại địa phương. Còn nhà Lơ Mu Ha Diệu (45 tuổi, thôn 1) chỉ có 1.300m2 đất, nhưng nhờ trồng luân canh các loại rau nên mỗi năm cũng thu về 120 - 150 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Ðạ Sar Ya Tiong cho biết: Từ khi triển khai xây dựng NTM, chúng tôi thường xuyên vận động, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phương thức canh tác, phổ biến những mô hình làm ăn hiệu quả nên giờ đây, Đạ Sar đã có hơn 20 hộ dân tộc thiểu số chuyển hướng sang trồng rau, hoa và cơ bản “đuổi” được nghèo, giúp xã dần đạt chỉ tiêu tăng thu nhập.

Còn tại xã Đông Phương (Đông Hưng, Thái Bình), trước đây người dân chỉ quen trồng những giống lúa dài ngày nên không phát huy tốt tiềm năng đất đai, hiệu quả sản xuất thấp. Tới cuối năm 2011, Đông Phương thực hiện xong dồn điền đổi thửa, chia ruộng ngoài thực địa, sẵn có bờ to thửa lớn, lãnh đạo xã đã tiến hành quy hoạch vùng sản xuất ở 7/7 thôn rồi vận động bà con gieo cấy 100% giống lúa ngắn ngày, trong đó hơn 30% diện tích dùng giống lúa chất lượng cao, ứng dụng cơ giới vào sản xuất.

Đặc biệt, HTX dịch vụ nông nghiệp đã đứng ra liên kết với Công ty Lương thực Thái Đan và Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình để bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhờ đó đời sống của người dân được nâng cao.

Làm sao để nhân rộng?

Không thể kể hết những mô hình sản xuất được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua, vấn đề là làm thế nào để duy trì và nhân rộng những mô hình ấy, để chúng thực sự giúp chương trình xây dựng NTM bứt phá?

Theo Văn phòng Điều phối T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong năm 2014 phấn đấu mỗi xã có ít nhất 1-2 dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng KHCN được triển khai; mỗi tỉnh xây dựng 1-2 mô hình HTX theo luật mới và mô hình sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản giữa 4 nhà…

Ông Hồ Xuân Hùng- nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết: Bên cạnh những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, các địa phương vẫn chậm hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi; các hình thức tổ chức sản xuất và dịch vụ ở nông thôn cũng chưa có chuyển biến tích cực. Một số nơi lãnh đạo xã, huyện chưa thực sự quan tâm tới việc tạo vốn hỗ trợ cho xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả để người dân học tập; mới chỉ có khoảng 6-7% tổng số vốn là dành cho phát triển sản xuất.

Tại cuộc họp với Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo về việc phát triển mô hình sản xuất ở nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân làm “điểm tựa” để thúc đẩy thực hiện các tiêu chí khác.

Trong giai đoạn 2014 - 2016, vốn đầu tư cho NTM nhiều gấp 5 lần các năm trước (khoảng 5.000 tỷ đồng/năm), do vậy Bộ KHĐT cần phối hợp với Bộ NNPTNT hướng dẫn việc phân bổ đến các địa phương cho hiệu quả, tập trung vào các tiêu chí có tính dài hạn như quy hoạch, phát triển sản xuất.

“Các bộ, ngành phải sớm tổng kết các mô hình sản xuất để tìm ra mô hình hay, hiệu quả nhằm nhân rộng. Trước hết phải xác định được các dự án tiềm năng, rồi đưa ra thứ tự ưu tiên đầu tư trong 3 năm để việc thực hiện đạt kết quả chắc chắn” – Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Mạnh Hùng - Minh Huệ (Mạnh Hùng - Minh Huệ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem