Đẩy dân vào đói khát

Thứ hai, ngày 01/08/2011 13:28 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Chỉ dùng nước hồ B để phục vụ tưới tiêu, ngăn hồ A để ưu tiên nước sinh hoạt” – kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đang khiến trên 1.000 hộ trồng cà phê đứng trước câu hỏi: Làm gì để sống?
Bình luận 0

Công trình thủy lợi Biển Hồ (TP.Pleiku) được khởi công xây dựng năm 1979. Trên cơ sở hồ tự nhiên (hồ A), người ta ngăn đập tạo thêm một hồ nhân tạo (hồ B) để điều tiết nước cho nhau. Từ những ngày cuối tháng 4.2011 khi khu vực tưới nước Biển Hồ xảy ra hạn hán nặng, sau khi kiểm tra thực tế mực nước, UBND tỉnh Gia Lai đã ra thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh này – ông Phạm Thế Dũng.

img
Những vườn cà phê xanh tốt như thế này sắp tới sẽ thành củi đun.

Theo đó, UBND tỉnh sẽ giao Công ty cấp nước thành phố xây một con đập ngăn không cho nước hồ B chảy sang hồ A. Hồ A sẽ chỉ đảm nhận việc cấp nước cho thành phố. Như vậy, với trữ lượng nước còn lại của hồ B, trên 1.200ha cà phê của 6 công ty, xí nghiệp và nhân dân trong khu vực tưới sẽ bị loại ra khỏi danh sách cấp nước. Ngày 10.6, Xí nghiệp Thủy nông Pleiku – Mang Yang đã chính thức gửi thông báo ngừng cung cấp nước cho toàn bộ diện tích này…

Hàng trăm tỷ đồng thành… củi đun

Tin vụ mùa tới, thủy nông sẽ cắt nước tưới khiến chị Nguyễn Thị Đào ở xã Ia Yok như ngồi trên đống lửa. Theo nghiệp cà phê từ những năm 1985, chị đã cùng hàng trăm con người đương đầu với bệnh tật, đói rét cả chục năm trời mới có được cuộc sống tương đối ổn định. Vậy mà không thể tin được điều phi lý là nguồn sống của gia đình chị bỗng dưng bị chặt đứt.

Không riêng chị Đào, hơn 1.000 hộ trồng cà phê - từ các công ty, xí nghiệp Nhà nước đến cá thể cũng đang trong tâm trạng “ngồi trên đống lửa”.

Theo thống kê của Sở NNPTNT Gia Lai thì sẽ có hơn 1.200ha cà phê không nước tưới nếu thực hiện kết luận của ông Chủ tịch UBND tỉnh. Điều này cũng có nghĩa là từ niên vụ 2012 trở đi, tỉnh này sẽ mất mỗi năm gần 4.000 tấn cà phê xuất khẩu.

Ông Lê Đình Hoàng – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cà phê 706 cho biết: Công ty ông có 110ha cà phê thì 409ha do nguồn nước tưới Biển Hồ cung cấp. Cắt nước, công ty sẽ mất hơn 1.000 tấn cà phê/năm. Số diện tích còn lại tuy có thể sử dụng nước ao đập tại chỗ, nhưng nếu không có nguồn Biển Hồ sinh thủy thì trữ lượng nước tưới không những bị giảm sút mà cả nước sinh hoạt cũng sẽ bị ảnh hưởng… Tuy nhiên so với Công ty 706 thì Công ty Cà phê Ia Sao I bi đát hơn nhiều.

Ông Trần Duy Cường - Phó Giám đốc Công ty này cho biết: Do không có khả năng khai thác nguồn nước tại chỗ, gần 400ha cà phê của công ty và hơn 100ha cà phê hộ cá thể chỉ có… chặt làm củi đun… Tương tự là các Công ty Cà phê tỉnh Gia Lai (gần 220ha), Công ty Chè Biển Hồ, Tam Ba (gần 95ha); cà phê nhân dân các xã Ia sao, Ia Yok, Ia Hrung…

Nhưng không chỉ có vậy. Chỉ thị này còn “giáng” cho các công ty Nhà nước lẫn các hộ trồng cà phê cá thể thêm một đòn thiệt kép: Với thời giá từ 300 – 350 triệu đồng/ha cà phê hiện nay, họ sẽ phải mất hàng trăm tỷ giá trị tài sản cố định. Một số đơn vị và nhân dân thời gian qua đã bỏ vốn để tái canh hàng trăm ha cà phê (Bình quân 100 triệu đồng/ha) nay cũng “chết đứng” theo nguồn nước Biển Hồ…

Về phía Công ty Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai, không kể kinh phí đầu tư vào hệ thống kênh mương trước đây, nếu cắt giảm diện tích tưới nói trên, 7km kênh mương bê tông và hơn 2km đường ống dẫn nước trị giá 10 tỷ đồng mới đầu tư năm 2010 sẽ vô dụng. Ngoài ra, để triệt thông nước giữa 2 hồ, phải xây dựng tràn mới để xả lũ tốn khoảng 12 tỷ đồng – chưa tính để nạo vét hồ B nhằm tăng lượng trữ nước phải ngốn một nguồn kinh phí không hề nhỏ…

Dân làm gì để sống?

Nâng cao chất lượng nước sinh hoạt cho cư dân thành phố trước thực trạng nguồn nước Biển Hồ đang có dấu hiệu ô nhiễm là việc phải làm. Tuy nhiên vấn đề là phải lựa chọn một phương án vừa khả thi về kỹ thuật, vừa đảm bảo an sinh xã hội. Phương án đắp đập ngăn hồ, chính Sở NNPTNT Gia Lai cũng tỏ ra hoài nghi: Xây đập tại kênh thông hồ đến cao trình 745m chỉ có tác dụng ngăn nước hồ A không chảy sang hồ B vào mùa khô. Về mùa lũ, nước vẫn tràn từ hồ B sang.

Mặt khác, gây ô nhiễm hồ A không chỉ đổ lỗi cho nước hồ B. Hàng chục năm nay, người ta vẫn để dân canh tác ngay bên mép lòng hồ. Thuốc bảo vệ thực vật, rác sau mỗi vụ thu hoạch từ hàng chục ha cây trồng là tác nhân gây ô nhiễm có thể còn hơn thế. Việc nạo vét lòng hồ B để đảm bảo nguồn nước tưới cho số diện tích cây trồng gần 9.500ha còn lại sẽ rất tốn kém mà ít hiệu quả…

Có người đặt ra câu hỏi: Chủ trương đắp đập ngăn hồ thiệt hại, tốn kém hàng trăm tỷ đồng. Tại sao không đầu tư một công trình xử lý nước sạch, vừa rẻ hơn rất nhiều lại đảm bảo được sinh kế cho cả ngàn hộ dân?

Ông Lê Đình Hoàng - Chủ tịch Công đoàn Công ty Cà phê 706: Cắt nước tưới không thể ráo hoảnh, mặc người trồng cà phê tự sống. Phải có chính sách cho vay và hỗ trợ vốn; phải có đề án chuyển đổi cây trồng thích hợp, chính sách đối với lao động dôi dư... Thế nhưng cho đến thời điểm này chưa thấy ai đoái hoài đến vấn đề này. Người trồng cà phê sẽ sống ra sao khi chỉ 4 tháng nữa vụ thu hoạch cà phê cuối cùng đã bắt đầu?

Ông Võ Thông (Đội 1, xã Ia Yok): Dân xã Ia Yok chúng tôi 100% sống nhờ cây cà phê. Cắt nước tưới, dân chúng tôi không những lâm vào cảnh đói, mà còn khát. Chỉ đợt nắng hạn đầu năm nay, chúng tôi phải 3 lần đào giếng. Đến khi có nước Biển Hồ về sinh thủy mới có nước uống. Cắt nước Biển Hồ, chỉ nói riêng nước để sinh hoạt, dân cũng đủ lao đao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem