Bà Bùi Thị An: Giữ mãi mảnh ruộng manh mún sẽ chặn đà tái cơ cấu

Minh Huệ (thực hiện) Thứ sáu, ngày 26/10/2018 14:44 PM (GMT+7)
"Phải khẳng định nông nghiệp luôn ở vị trí đóng góp nhiều cho sự tăng trưởng GDP của Việt Nam, là cứu cánh, là bệ đỡ cho nhiều giai đoạn kinh tế của đất nước, với nhiều lĩnh vực phát triển đột phá như gạo, hải sản, trái cây..., tuy nhiên ngành nông nghiệp cũng còn nhiều vấn đề còn tồn tại, phát triển không bền vững".
Bình luận 0

Đó là chia sẻ của PGS.TS Bùi Thị An, nguyên ĐBQH (đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) khi trò chuyện với PV báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt xung quanh việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. 

img

Nguyên ĐBQH Bùi Thị An. 

Liên tục phải áp dụng giải pháp tình thế

Thưa bà, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tính đến nay đã thực hiện được 5 năm. Bà có thể đánh giá về những mặt nổi bật của đề án này? 

- Phải khẳng định nông nghiệp nhiều năm nay luôn ở vị trí đóng góp nhiều cho sự tăng trưởng GDP của đất nước, là cứu cánh, là bệ đỡ cho nhiều giai đoạn kinh tế của đất nước, với nhiều lĩnh vực phát triển đột phá như gạo, hải sản, trái cây...

Thành công rõ rệt nhất trong thời gian gần đây là nông nghiệp thời gian qua đã tăng cường áp dụng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), chất lượng nhiều loại nông sản chủ lực được nâng lên, từ đó tăng sản lượng xuất khẩu, tăng thu ngoại tệ cho đất nước như hải sản, rau quả... 

Nhưng cái chưa được của nông nghiệp là gì?

Đúng là nông nghiệp đã có đóng góp lớn, có đột phá nhưng chưa bền vững, có nơi được chăng hay chớ, không đồng bộ ở tất cả các vùng miền, sản phẩm, nhiều lúc vẫn phải áp dụng giải pháp tình thế để giải quyết khâu đầu ra, lúc thì là con cá tra, lúc là quả dưa hấu… Ngành nông nghiệp vẫn liên tục phải tìm giải pháp tình thế do chưa dự báo được thị trường để có giải pháp ngăn chặn nó, giúp người nông dân bớt lo âu.

Trong khi đó, Việt Nam có nhiều thuận lợi cơ bản, là nước nhiệt đới, có ưu thế hơn các nước khác với nhiều loại nông sản mà nơi khác không có. Một số loại nông sản có thể sản xuất quanh năm nhưng Việt Nam lại chưa đón đầu được lợi thế này.

Nói thật là nông sản Việt Nam sản xuất nhiều nhưng manh mún. Xuất khẩu nhiều nhưng chưa có sản phẩm nào đạt chất lượng đứng đầu thế giới.

Với những tồn tại đó, theo bà cần hoá giải như thế nào?

Một là áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phải được chú trọng. 

Hai là áp dụng luật phải thật sự chặt chẽ trong việc sử dụng sản phẩm liên quan trong nông nghiệp như hoá chất đầu vào, cây - con giống… Vì sao phải quan tâm vấn đề này? Bởi nhiều loại sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu giai đoạn đầu thì rất tốt, nhưng thời gian qua có nhiều lô hàng bị trả về do không đảm bảo chất lượng, còn dư lượng thuốc BVTV như chè, tiêu…

img

Theo bà Bùi Thị An, việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao là một trong những vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp. Ảnh minh hoạ: I.T

Muốn làm được điều này, quản lí nhà nước phải được nâng lên. Trong đó, thứ nhất quy hoạch phải được thực hiện như thế nào? Quy hoạch vùng không cứng nhắc, nhưng phải có. Ví dụ ở Tây Nguyên, quy hoạch cây hồ tiêu phải xây dựng như thế nào? Quy hoạch làm xong phải chăm sóc, phải bám sát và được thực hiện chứ không phải xây dựng quy hoạch rồi bỏ đó.

Ba là, phải có chính sách đặc biệt ưu tiên cho nông nghiệp, trong đó có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển NNCNC, cái này Nhà nước phải làm chứ nông dân không làm được.

Thứ 4 là giám sát chặt chẽ các sản phẩm đầu ra trong nông nghiệp, phải làm chuẩn mới giữ được giá. Nếu không giữ được giá, không đảm bảo an toàn thực phẩm thì rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, an sinh xã hội, tương lai của người dân. Không thể để tình trạng hôm nay thực phẩm đạt chuẩn, mai không ai kiểm tra lại không đạt chuẩn.

Về chính sách, nên có chủ trương huy động xã hội hóa, huy động nhiều lực lượng tham gia đầu tư vào nông nghiệp nhưng Nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ cho đối tượng tham gia: Đất thế nào, thuế ra sao, xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm thế nào?

Cuối cùng là chú ý đặc biệt đến đời sống của người nông dân. Hiện người dân sinh sống ở nông thôn chiếm khoảng 70%, đây cũng là đối tượng chủ yếu của ngành nông nghiệp, tham gia sản xuất trực tiếp. Do đó nhà nước cần hỗ trợ hạ tầng cho khu vực nông thôn miền núi, đảm bảo dân trí, tạo điều kiện cho người dân được nâng cao đời sống, không để mức sống của người dân nông thôn quá cách biệt với thành thị.

Cần chính sách tín dụng đặc thù cho nông dân

Có ý kiến cho rằng, muốn thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp thì phải hướng tới sản xuất lớn, mà làm được điều này thì phải bỏ chính sách hạn điền. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào? 

Một nội dung hết sức quan trọng góp phần thành công đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đó là thúc đẩy sản xuất hàng hoá quy mô lớn. Muốn thế, phải có diện tích đất đai đủ lớn, phải thực hiện dồn điền đổi thửa. Do đó chủ trương tích tụ ruộng đất cần phải được thực hiện, nhưng thực hiện làm sao cho thích hợp với từng vùng, từng đối tượng sử dụng, và thích hợp với từng loại cây trồng... chứ không thể áp dụng máy móc.

Ví dụ, hạn mức đất đai giao cho từng đối tượng sử dụng phải như thế nào? Tôi cho rằng chúng ta phải nghiên cứu rất kĩ chính sách đất đai, nới rộng hạn điền là cần thiết nhưng đối với từng vùng thì nới thế nào? Ví dụ vùng ĐBSCL có thể mở rộng, nhưng ở vùng miền núi phía Bắc đất đai bị chia cắt, manh mún thì sao?

Vấn đề tích tụ ruộng đất phải thực hiện hết sức linh hoạt, phù hợp. Trên thực tế, hiện nay nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao không cần phải có thật nhiều đất vẫn thành công.

Tất nhiên không thể để đất sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như trước được nữa. Cứ giữ mãi những mảnh ruộng manh mún thì chỉ làm kìm hãm sản xuất, dẫn tới nghèo nàn lạc hậu, chặn đà tái cơ cấu.

Điều cuối cùng tôi muốn lưu ý trong vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, đó là phải có chính sách tín dụng ưu tiên đặc thù đối với người nông dân. Chính sách này phải mang tính đặc thù, làm sao người nông dân dễ tiếp cận. Ở ĐBSCL, nông dân có nhiều đất đai, có thể dùng làm tài sản thế chấp, nhưng ở những nơi khác ít đất thì nông dân biết lấy gì thế chấp? Để giải quyết vòng luẩn quẩn đó, tôi đề nghị phải có chính sách tín dụng đặc thù đối với nông dân, ưu tiên các đối tượng là ngư dân, diêm dân.

Xin cảm ơn bà! 

Rừng phải được coi trọng ngang với các vấn đề lớn của đất nước 

Liên quan đến tái cơ cấu nông nghiệp còn một vấn đề hết sức quan trọng, đó là rừng. Hiện Nhà nước đã có chính sách về khuyến khích phát triển lâm nghiệp, thì chúng ta phải có giải pháp thế nào đó nhằm giúp người dân sống được bằng rừng. Có như vậy mới giảm thiểu được tình trạng phá rừng.

Nếu rừng bị phá, diện tích rừng bị suy giảm, hậu quả sẽ vô cùng khó lường, không chỉ liên quan đến phát thải khí nhà kính, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mà tình trạng lũ lụt, lũ quét, lũ ống sẽ xảy ra ngày càng nhiều với những hậu quả vô cùng lớn. Bộ NN&PTNT muốn quản được rừng phải có mục riêng về vấn đề rừng, quản lí thật nghiêm và bảo vệ nó phải ngang với các vấn đề lớn nhất của đất nước.  

Bà Bùi Thị An

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem