Đề xuất gói tài chính 100.000 tỷ đồng hỗ trợ nông nghiệp: Cần, nhưng phải rõ mục tiêu

Ngọc Minh - Mai Hương - Thanh Xuân - Văn Ngọc (thực hiện) Thứ năm, ngày 05/11/2015 10:35 AM (GMT+7)
Như Dân Việt đã phản ánh, ông Nguyễn Hoàng Dũng- Giám đốc Nghiên cứu và phát triển, Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM đã đề xuất gói 100.000 tỷ đồng hỗ trợ nông nghiệp. Nhiều chuyên gia, người dân đã bày tỏ sự đồng tình với việc cần lập gói hỗ trợ này. Để làm rõ hơn, PV Dân Việt đã ghi lại ý kiến của ông Dũng và một số chuyên gia.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Hoàng Dũng - Viện Kinh tế  và quản lý TP.HCM: Đã nghiên cứu kỹ lưỡng

Đề xuất trên của tôi không phải ngẫu nhiên, mà tôi đã có những nghiên cứu, khảo sát hết sức kỹ càng, cụ thể. Theo đó, tôi cho rằng, gói 100.000 tỷ đồng (nếu có) nên phân bổ cho các thành phần kinh tế như sau:

img

Nông dân thu hoạch lúa ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Ảnh: Đ.D

Thứ nhất, 50% dành cho đầu tư hạ tầng và kỹ thuật: Bộ NNPTNT cần phối hợp cùng một số doanh nghiệp chủ lực ngành nông nghiệp khảo sát những mô hình kỹ thuật nuôi/trồng từ các quốc gia phát triển và nhận chuyển giao, đầu tư vào các mô hình này. Ví dụ: Mô hình nuôi bò sữa ở Australia, mô hình trồng rau sạch ở Nhật Bản.

 Hình thức đầu tư: Đầu tư theo từng dự án của các doanh nghiệp có phương án và nguồn lực quản lý khả thi.

Thứ hai, 25% dành cho đào tạo, trong đó 1/2 đào tạo chuyên môn kỹ thuật như cách tạo giống, nuôi/trồng, chăm sóc, đóng gói, bao bì, PR và 1/2 cho đào tạo các kỹ năng mềm như: Kỹ năng lập kế hoạch, dự báo, quản trị thời gian, lãnh đạo và quản lý chuỗi, tổ chức sắp xếp công việc, kỹ năng sáng tạo và tạo sự khác biệt, kỹ năng xây dựng và phát triển thương hiệu gia tăng giá trị sản phẩm.

Hình thức đầu tư: Thông qua Sở NNPTNT phối hợp cùng các hiệp hội nông nghiệp địa phương, hoặc các tổ chức đào tạo được chỉ định.

Thứ ba, 25% còn lại dành cho nâng cao năng lực quản lý chuỗi cung ứng nông sản.

 Hình thức đầu tư: Nâng cấp hệ thống quản trị đã có như Sở NNPTNT, Hội Nông dân, cơ quan khuyến nông, thành lập lực lượng “cảnh sát nông nghiệp” nhằm ngăn chặn những vụ làm hàng giả để bảo vệ chuỗi sản suất và cung ứng nông sản chân chính.

Cần thiết T.Ư nên thành lập Ban chỉ đạo quản lý sử dụng gói 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp rút kinh nghiệm từ gói 30.000 tỷ dành cho bất động sản đã có, từ khâu giải ngân đến quản lý sử dụng và đánh giá hiệu quả.

ĐB Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Kêu gọi đầu tư  vào nông nghiệp

Tôi cho rằng, việc đưa ra gói 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ nông nghiệp là đúng. Song, trong bối cảnh ngân sách chúng ta đang có hạn, ngoài phần kinh phí đó ra, cần có chính sách động viên các nhà kinh doanh đầu tư vào nông nghiệp để tạo được những nhà đầu tư lớn trong nông nghiệp, thậm chí “huy động” các nhà đầu tư quốc tế đầu tư vào lĩnh vực này.

Tôi cũng được biết, hiện nay ngành nông nghiệp đang triển khai chủ trương tái cơ cấu ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và những kế hoạch, giải pháp do Bộ NNPTNT đưa ra. Theo tôi, điều đó nâng cao chất lượng một số sản phẩm và chú trọng xuất khẩu một số mặt hàng truyền thống của nước ta.

Ông Lưu Đức Khải - Trưởng Ban Chính sách NNPTNT (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư): Thiếu môi trường kinh doanh tốt

Gói 100.000 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo tôi là cần thiết. Tuy nhiên, tôi cho rằng, không quan trọng gói to hay gói nhỏ mà chúng ta cần tính tới việc cần tăng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như thế nào và vào đâu để thực sự đem lại hiệu quả. Đầu tư ấy phải có tác động lan tỏa, tạo ra các “cú hích” để từ đó huy động được các nguồn vốn khác nhau vào nông nghiệp, nông thôn. Chúng ta mới  dành vài phần trăm ngân sách cho đầu tư nông nghiệp, nông thôn là quá ít, không đủ sức lan tỏa đầu tư cho khu vực này ở các thành phần kinh tế trong xã hội.

Các chính sách ưu đãi nhiều, nhưng chưa hiệu quả hoặc chưa ưu đãi trúng,  tiếp tục là rào cản đầu tư cho nông thôn. Tôi cho rằng, để đầu tư vào nông thôn hiệu quả, trong thời gian tới, ngoài nguồn vốn thích đáng, Nhà nước phải tạo môi trường kinh doanh đầu tư thuận lợi cho nông thôn, như thể chế, cơ sở hạ tầng, thuế, đào tạo nhân lực… Phải tách bạch vấn đề gì do Nhà nước đầu tư, vấn đề nào thu hút doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác đầu tư. Phải như vậy, các gói đầu tư như kiến nghị hiện nay mới có đất để phát triển.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn -  Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn:  Đừng hỗ trợ kiểu xóa đói giảm nghèo

Nết xét về các mục tiêu của gói 100.000 tỷ đồng đưa ra hỗ trợ vào đầu tư kết cấu hạ tầng và quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho nông dân thì không vi phạm các quy định hoặc luật pháp của quốc tế. Tuy nhiên, khi đưa ra gói hỗ trợ cần xác định là chỉ hỗ trợ những nông dân “khoẻ” để giúp họ cạnh tranh và phát triển chứ không hỗ trợ kiểu “xoá đói, giảm nghèo” mang tiền đi cho không người dân. Đặc biệt, phải xác định đầu tư một gói tiền cụ thể đó là nhằm mục đích cạnh tranh với ai và đạt kết quả như thế nào và hỗ trợ một lần hay hỗ trợ hàng năm.

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tính toán hiện Việt Nam đang hỗ trợ cho sản xuất ở mức 7% còn Trung Quốc là 14%, Indonesia là 30%. Nếu đẩy mạnh hỗ trợ KHCN và hạ tầng thì Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy lên mức hỗ trợ 10%. Nếu như Việt Nam có đủ ngân sách nâng mức này lên thành 10% thì tính toán với quy mô GDP của Việt Nam hiện tại là khoảng 180 tỷ USD, tăng trưởng 5% hàng năm thì mỗi năm có thể dành một gói hỗ trợ  khoảng 80.000 tỷ đồng.

GS-TS Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng  Trường Đại học Nam Cần Thơ:  Đừng để TPP thành... công cốc

Tôi hoàn toàn ủng hộ Nhà nước về việc có gói 100.000 tỷ đồng hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông dân và doanh nghiệp ngành nông nghiệp trong giai đoạn đất nước ta đang ngày càng hội nhập sâu vào thế giới. Bởi đó là gói hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho người lao động, được phép và không vi phạm luật chống trợ cấp trong điều luật của TPP hay các hiệp định khác.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm vào các gói hỗ trợ khác, gói 100.000 tỷ đồng này nếu có nên tập trung vào việc tìm được đầu ra, thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp. Bởi dù ta có làm gì mà doanh nghiệp không có thị trường tiêu thụ sản phẩm đó thì cũng thành công cốc.

Sau trọng tâm hỗ trợ tìm thị trường tiêu thụ mới đến khâu tổ chức sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường đó. Trong khâu tổ chức sản xuất hàng hóa này sẽ bao gồm các việc xây dựng nguồn nguyên liệu sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ thích ứng.

Tiếp theo là đào tạo nông dân sản xuất được sản phẩm đó theo yêu cầu tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa, mẫu mã, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm… Từ đó mới xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm và quảng bá, mở rộng thị trường. Tất cả đều phải đảm bảo sản xuất theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn.

Ông Hồ Xuân Hùng -  Chủ tịch Tổng hội NNPTNT Việt Nam: Chú trọng bảo hiểm nông nghiệp

Tôi cho rằng nếu hỗ trợ nông dân thì càng nhiều càng tốt. Bởi nông dân chịu nhiều khó khăn chứ không nhất thiết phải tới lúc gia nhập TPP mới đề xuất gói hỗ trợ 100.000 tỷ. Tuy nhiên, tôi cho rằng hiện có rất nhiều thứ cần hỗ trợ cho nông dân, trong đó phải kể tới bảo hiểm nông nghiệp. Hiện tại, nhiều quốc gia đã hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp nên họ thực hiện rất tốt, nhưng bảo hiểm nông nghiệp ở ta vẫn rất khó khăn khi triển khai.

Nếu nói đề xuất 100.000 tỷ hỗ trợ phát triển hạ tầng kỹ thuật và tập trung vào quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp thì thực chất Chính phủ vẫn đang làm các vấn đề này, kể cả hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ giống, vật tư… chứ không phải bây giờ mới đề cập tới. Quan trọng hơn là khi đưa ra gói hỗ trợ phải có nguồn ở đâu, có cân đối được ngân sách hay không?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem