Đề xuất lập ngân hàng đất: Nghe ý tưởng rất hào hứng, nhưng...

Thanh Xuân Thứ năm, ngày 10/11/2016 10:00 AM (GMT+7)
Ghi nhận của phóng viên Dân Việt ở một số địa phương cho thấy, từ khi chưa có ý tưởng thành lập ngân hàng đất, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đi tìm đất thuê, gom để đầu tư sản xuất lớn, nhưng vướng quá nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Nghe ý tưởng thấy... rất hào hứng

Sáng 9.11, ông Nguyễn Hồng Hà - Chủ trang trại lợn ở Văn Giang (Hưng Yên) chia sẻ với phóng viên: Để tổ chức sản xuất nông nghiệp, hiện nay đất đai là vấn đề khó khăn nhất. Bản thân ông đã có hơn 5ha nhưng nhu cầu xây dựng và mở rộng trang trại rất cần có đất quy mô rộng hơn. “Kế hoạch của chúng tôi phát triển trong 20 năm tới cần khoảng 20 -30ha để mở rộng các trang trại chăn nuôi. Mỗi khi chúng tôi đi tìm kiếm đất để thuê, xây dựng trang trại gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục, giấy tờ làm tốn chi phí, lãng phí thời gian và có thời điểm mất luôn cả cơ hội kinh doanh. Điển hình như năm 2014 - 2015, khi giá lợn tăng mạnh, muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng lại không thuê được đất đủ rộng để xây dựng trang trại” - ông Hà nói.

img

Công ty Tân Nông (Bắc Giang) thuê đất và liên kết nông dân để sản xuất  khoai tây tại Bắc Giang. Ảnh: T.X

Tôi cho rằng, nên quyết tâm thực hiện nhưng nên làm thí điểm ở một số vùng có dôi dư quỹ đất trong người dân thì mới có tác dụng. Còn không dôi dư đất, thì có thực hiện cũng không có tác dụng gì”.

Ông Hồ Xuân Hùng

Ông Hà cũng cho rằng, hiện ở Việt Nam  có diện tích đất nông, lâm trường quốc doanh rất lớn nhưng khai thác không hiệu quả, thậm chí có nhiều nơi bỏ không. Nếu giải quyết ngay được các diện tích đất này gửi vào ngân hàng đất cũng là cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thuê lại. Ngoài ra, ở một số địa phương, đất bỏ hoang hóa cũng rất nhiều nên ý tưởng thành lập ngân hàng đất nông nghiệp có thể thành công nếu có chính sách đủ mạnh và quyết tâm triển khai.

Đồng quan điểm trên, ông Hà Văn Hiền – Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại Tân Nông (Bắc Giang) chia sẻ: Để cung cấp các mặt hàng khoai tây, cà chua, rau, củ quả cho các đối tác, hàng năm công ty thường xuyên liên kết với nông dân để có diện tích 200ha đất nông nghiệp. Dù đã ký hợp đồng cung cấp giống, vật tư, và cam kết bao tiêu sản phẩm với mức giá hợp lý nhưng đến cuối vụ, nếu giá thấp, doanh nghiệp dễ thu mua, còn giá thị trường cao thì nhiều nông dân tìm cách bán sản phẩm ra ngoài. “Để sản xuất ổn định, nhu cầu được thuê đất, sau đó tổ chức sản xuất, thuê nông dân làm công nhân cho mình là mong mỏi của rất nhiều doanh nghiệp như chúng tôi. Tuy nhiên, cái khó là chẳng biết đi tìm và thuê đất ở đâu” - ông Hiền nói.

Ông Hiện cũng cho biết, vừa qua cán bộ công ty của ông đã bỏ thời gian đi khảo sát ở một xã của huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), lúc đầu thấy đa phần người nông dân nói sẵn sàng cho thuê đất, vì hiện tại nhiều người cũng bỏ không hoặc cho đấu thầu 60kg thóc/ha/năm. Với mong muốn thuê được khoảng 20ha đất ở xã này, công ty của ông Hiền đã tổ chức họp với người dân và đưa ra chính sách thuê cao hơn giá cho thuê của người dân hiện tại, lên tới 100kg thóc/ha/năm. “Ban đầu, có rất nhiều người ủng hộ, nhưng cuối cùng lại có một số hộ phản đối nên không thành công. Để thuê được đất của người dân không đơn giản, nếu có được ngân hàng đất thì chắc chắn chúng tôi sẽ nhàn hơn nhiều, sẵn sàng thuê lại đất của ngân hàng, dù chi phí có thể cao hơn thuê của người dân” - ông Hiền nói.

Khó cũng phải làm

Trao đổi với NTNN, ông Đoàn Xuân Trúc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết: Ý tưởng thành lập ngân hàng đất nông nghiệp là ý tưởng rất hay, nhưng để triển khai thành công là không đơn giản, Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm ở các nước đã triển khai trước. “Hiện nay, đất nông nghiệp ở Việt Nam có nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản. Tuy nhiên, tất cả các lĩnh vực này đều nhỏ lẻ, manh mún, muốn nâng cao năng suất chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, và đủ sức cạnh tranh trên thị trường thì phải sản xuất theo quy mô lớn, có kiểm soát theo chuỗi. Muốn triển khai được cần có sự tham gia của doanh nghiệp, đầu tư  khoa học công nghệ, nhưng quan trọng nhất vẫn phải có quỹ đất rộng, nếu thành lập được ngân hàng đất nông nghiệp sẽ rất thuận lợi” - ông Trúc nói.

Theo ông Trúc, ý tưởng thành lập ngân hàng đất nông nghiệp là đúng nhưng cần có nghiên cứu cụ thể hơn về cách làm để triển khai được thành công.

Cùng chung nhận định trên, ông Hồ Xuân Hùng – nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết ông rất  ủng hộ ý tưởng này. Việc có ngân hàng đất nông nghiệp sẽ giúp những người có quỹ đất dư thừa gửi vào ngân hàng, tránh lãng phí xã hội. Mặt khác, ngân hàng đất nông nghiệp cũng là kênh thông tin, cung cấp cho người dân, doanh nghiệp biết có đất dư thừa với diện tích lớn để người cần thuê đất tìm đến thuê... Còn hiện tại, doanh nghiệp có nhu cầu phải mất nhiều thời gian mà vẫn khó tím được những nơi có đất để thuê, và đặc biệt là rất khó có được quỹ đất lớn để sản xuất nông nghiệp ở quy mô lớn.

Để thành lập ngân hàng đất, ông Hồ Xuân Hùng cho rằng, cần phải giải quyết được dứt điểm các yếu tố như: Về mặt pháp lý, phải được Quốc hội cho phép; về mặt triển khai, cần làm rõ đơn vị nào sẽ trả kinh phí cho bộ máy của ngân hàng đất nông nghiệp hoạt động, nếu là Nhà nước thì sẽ dẫn tới tình trạng “bao cấp”, làm tăng bộ máy công chức là không cần thiết. Một vấn đề quan trọng nữa là phải đảm bảo an toàn cho quỹ đất của người gửi, giống như bảo hiểm tiền gửi, phải có cơ chế giải quyết mối quan hệ giữa ngân hàng đất với người gửi như thế nào. “Việc thành lập ngân hàng đất nông nghiệp là ý tưởng tốt nhưng nếu không giải quyết triệt để các vấn đề trên, tôi cho rằng mâu thuẫn xảy ra sẽ còn phức tạp hơn là không có ngân hàng đất” - ông Hùng nhấn mạnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem