Di tích của Hội xuống cấp trầm trọng

Trương Hồng Thứ ba, ngày 27/01/2015 13:03 PM (GMT+7)
LTS: Hiện nay, một số di tích lịch sử quan trọng của tổ chức Hội Nông dân (ND) tại các tỉnh đang xuống cấp khá trầm trọng, nhưng chưa được đầu tư tu bổ, sửa chữa. Trong khi Hội ND và giai cấp ND chưa có một bảo tàng riêng đúng nghĩa, thì đây là những công trình quan trọng ghi dấu các hoạt động của Hội để các thế hệ sau biết đến, nên việc gìn giữ, bảo vệ là hết sức cấp thiết.
Bình luận 0

Đến thăm khu tưởng niệm Bia di tích lịch sử Hội Nông dân (ND) giải phóng Miền Trung - Tây Nguyên tại thôn Nước Oa, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, thật xót lòng khi nhìn biểu tượng đấu tranh bất khuất của Hội đang tàn tạ từng ngày.

Hoang phế, đổ nát...

img
Cổng ngõ, tường rào khuôn viên Bia di tích Hội Nông dân giải phóng Miền Trung - Tây Nguyên đã hư hại, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Vĩnh Lộc

Những ngày cuối tháng 1 này, phóng viên có mặt tại khu tưởng niệm Bia di tích lịch sử Hội ND giải phóng Miền Trung - Tây Nguyên, và chứng kiến cảnh tượng hoang phế, cỏ um tùm đang bao phủ. Tường rào, cổng ngõ của khu tưởng niệm mục nát, sạt lở, rêu phong; các khung cửa bị mối mọt; la phông, trần nhà thấm nước, sơn tường rêu mốc, bong tróc; các tượng vật bị sứt vỡ, bị vẽ bậy...

 

Được biết, Bia di tích lịch sử Hội ND giải phóng Miền Trung - Tây Nguyên được T.Ư Hội ND Việt Nam và các tỉnh, thành trong khu vực đầu tư xây dựng, khánh thành năm 2006, trên diện tích 15.000m2, trong đó diện tích khuôn viên nhà bia 11,1m2, nhà truyền thống 55m2, cùng hệ thống tường rào, cổng... Đây là một công trình mang ý nghĩa văn hóa-lịch sử, có giá trị giáo dục truyền thống sâu sắc, cũng là nơi gặp gỡ, ôn lại truyền thống một thời của cán bộ, hội viên ND thuộc Hội ND giải phóng Miền Trung - Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ông Trần Văn Dũng – Hội viên ND xã Trà Tân tâm sự: “Nhìn bia di tích lịch sử Hội hoang phế, xuống cấp, hư hỏng mà thấy xót lòng quá. Theo tôi, nguyên nhân chính dẫn đến công trình hư hỏng, ngoài yếu tố chất lượng công trình, thì khí hậu miền núi mưa gió, độ ẩm nhiều đã làm sắt bị hoen gỉ, tường cổng ngõ bị bong tróc. Ngoài ra, công trình không có người bảo vệ chăm sóc thường xuyên nên dẫn đến hư hại ngày càng nặng. Hội ta còn nghèo nên chưa có đủ kinh phí để tu bổ di tích, nên công trình mỗi ngày mỗi xuống cấp. Tôi mong cấp trên có phương án để tu bổ lại di tích khang trang, sạch đẹp hơn…”.

Ông Trịnh Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Bắc Trà My than phiền: “Không riêng cá nhân tôi hay cán bộ Hội ND, mà cả người dân trên địa bàn cũng thấy đau lòng trước sự xuống cấp của khu tưởng niệm. Nhiều đoàn khách từ T.Ư, tỉnh về thăm viếng, dâng hương cũng thấy xót xa. Hội ND huyện Bắc Trà My nhiều lần kiến nghị trực tiếp, nhưng đến nay vẫn chưa thể tu bổ. Tôi mong rằng các cấp, các ngành, các địa phương mà đặc biệt là T.Ư Hội NDVN có kế hoạch tu bổ, bảo quản gìn giữ công trình để khắc ghi công lao và tưởng nhớ các cán bộ Hội ND miền Trung - Tây Nguyên đã một thời chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do bảo vệ Tổ quốc, đồng thời là địa chỉ để giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ hội viên ND nói riêng, thế hệ trẻ hôm nay nói chung”.

Kêu gọi hội viên đóng góp

Để tôn tạo bia di tích, nhiều năm qua từ Hội ND cơ sở đến huyện và tỉnh Quảng Nam đã có nhiều tờ trình, đề xuất, công văn lên cấp trên. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - ông Nguyễn Đức Hải cũng đã có cuộc làm việc và đề nghị với T.Ư Hội NDVN có kế hoạch tu sửa lại bia di tích. Đáp lại lòng mong mỏi này, T.Ư Hội NDVN vừa có công văn kêu gọi cán bộ, hội viên ND ủng hộ kinh phí tôn tạo, tu sửa các di tích lịch sử của Hội đang xuống cấp. Ngày 20.1, ông Lại Xuân Môn - Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN đã về khu tưởng niệm khảo sát chuẩn bị cho việc tu bổ công trình.

Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Nam cho biết, từ năm 2014, Tỉnh hội đã nhiều lần tổ chức kiểm tra, khảo sát công trình hư hỏng và đã có tờ trình đề xuất T.Ư Hội NDVN với 3 phương án đầu tư sửa chữa. Một là T.Ư Hội đầu tư kinh phí để sửa chữa bia di tích; hai là vận động các tỉnh, thành trong khu vực đóng góp 1.000 đồng/hội viên; ba là T.Ư Hội cho phép giữ lại nguồn hội phí năm 2015 của các tỉnh, thành trong khu vực để trùng tu, sửa chữa.

Về giải pháp quản lý hiệu quả hơn đối với di tích này, ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam đề xuất: “Công tác quản lý, cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể đối với khu tưởng niệm nên gom về một đầu mối quản lý chung là huyện Bắc Trà My. Mới đây, giữa UBND huyện Bắc Trà My và các ngành, đoàn thể đã ký kết một quy chế phối hợp về quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích, bia tưởng niệm. Quy chế được ký kết sẽ tạo ra cơ chế rõ ràng với chức năng, nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, đoàn thể liên quan nhằm quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các công trình, di tích tốt hơn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem