Dịch tả lợn châu Phi: Băn khoăn mức hỗ trợ bằng 80% giá thị trường

Nhóm P.V Thứ năm, ngày 07/03/2019 18:30 PM (GMT+7)
Liên quan đến phí hỗ trợ tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, bà con nông dân, người chăn nuôi cho rằng, mức hỗ trợ lợn con, lợn thịt bằng 80% giá thị trường có thể khiến nông dân bị thiệt thòi so với mức quy định hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn hơi hiện nay.
Bình luận 0

Nếu giá lợn xuống thấp, dân sẽ thiệt

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN về vấn đề phí hỗ trợ tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi, ông Phạm Thành Nhương - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Bình cho rằng, việc không đánh đồng các loại lợn vào cùng một mức giá hỗ trợ sẽ giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi vì giá trị của từng loại lợn khác nhau. Theo đó, quy định giá hỗ trợ lợn nái, lợn giống tăng gấp 1,5 - 1,8 lần sẽ giúp người chăn nuôi bớt khó khăn.

img

 Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại Thái Bình.  Ảnh: Trần Quang

Từ ngày 1.2 - 3.3, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương); tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn. Hiện, một ổ dịch tiếp tục được phát hiện ở Hòa Bình.

"Việc này sẽ giúp người chăn nuôi hạn chế phần nào thiệt hại vì giá trị của lợn nái, lợn giống rất cao, nhưng phía cán bộ cơ sở sẽ vất vả hơn trong công tác kiểm đếm, phân loại từng loại lợn sao cho chính xác, minh bạch, không ảnh hưởng đến tiền hỗ trợ của dân" - ông Nhương nói.

Tuy nhiên, ông Nhương cũng tỏ ra băn khoăn về quy định hỗ trợ tiêu hủy lợn con, lợn thịt bằng 80% giá thị trường, bởi nếu giá thị trường xuống quá thấp thì người dân sẽ không được lợi bằng quy định hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn hơi như hiện nay.

Đây cũng là băn khoăn của nhiều nông dân. Phần lớn bà con đồng tình, phấn khởi với sự vào cuộc, chính sách hỗ trợ kịp thời của các ban ngành và Chính phủ, nhưng điều họ băn khoăn là nếu giá xuống quá thấp thì bà con sẽ bị thiệt thòi nhiều hơn. 

Anh Nguyễn Công Bắc – một trong những chủ trang trại lợn có quy mô lớn nhất ở TP.Sơn La, tỉnh Sơn La, cho biết: “Từ sau khi Bộ NNPTNT công bố ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên, giá lợn hơi liên tục giảm tại nhiều nơi. Cụ thể, từ đầu tháng 2.2018 đến nay, giá lợn hơi đang từ 49.000 – 50.000 đồng/kg giảm 6.000 – 7.000 đồng, còn 44.000 – 45.000 đồng/kg".

Về mức giá hỗ trợ tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi, anh Bắc cho rằng: "Mức hỗ trợ đối với lợn nái, lợn đực bằng 1,5 -1,8 lần so với lợn thịt, tôi thấy điều này hợp lý. Tuy nhiên, nếu với mức hỗ trợ lợn thịt bằng 80% giá thị trường, tính ra nông dân bị thiệt. Ví dụ, bây giờ giá lợn hơi bình quân 45.000 đồng/kg thì nông dân chỉ được hỗ trợ 36.000 đồng/kg, thấp hơn mức hỗ trợ cũ 2.000 đồng/kg. Nông dân bị thiệt, thua lỗ nhiều sẽ tìm mọi cách bán lợn bệnh nhằm gỡ gạc, khiến bệnh dịch càng khó kiểm soát”. 

Anh Bắc cũng bày tỏ, Chính phủ cần phải làm rõ đối tượng được hưởng mức giá hỗ trợ lợn bị dịch tả lợn châu Phi. Thủ tục và thời gian giải ngân tiền hỗ trợ phải nhanh chóng, kịp thời. “Hầu hết các hộ chăn nuôi chúng tôi đều rất cần vốn, do đó, nếu thủ tục rườm rà, tiền hỗ trợ đến chậm cũng là nguyên nhân khiến các hộ e dè không khai báo dịch" - anh Bắc nêu ý kiến.

Hỗ trợ chứ không phải đền bù

Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, căn cứ vào cơ sở thực tế và đề xuất của một số địa phương, tại buổi họp trực tuyến tìm giải pháp cấp bách phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với mức hỗ trợ tối thiểu bằng 80% giá thị trường với lợn thịt. Còn con số hỗ trợ cụ thể sẽ tùy vào địa phương.

img

Dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát ở Hà Nội. Ảnh: IT

"Ví dụ như Hải Phòng, họ đề nghị mức hỗ trợ tiêu hủy lợn nái, lợn đực giống bị nhiễm dịch bệnh tăng gấp 2 lần thì trong văn bản đề xuất, chúng tôi sẽ kiến nghị nâng mức hỗ trợ lên từ 1,5 – 2 lần. Bà con cần hiểu là Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, chứ không phải đền bù. Với mức hỗ trợ tối thiểu 80% đã thể hiện sự quan tâm kịp thời của Nhà nước. Lúc này chúng ta cần nhìn vào lợi ích cộng đồng, với 2,5 triệu hộ nông dân, nếu để xảy ra dịch bệnh thì thiệt hại kinh tế là vô cùng lớn" - Thứ trưởng Tiến nói.

Cũng theo Thứ trưởng  Tiến, ngay sau khi Thủ tướng có ý kiến, Bộ NNPTNT và các bộ ngành liên quan sẽ xây dựng đề án, xin ý kiến Chính phủ ra nghị quyết. Thời gian triển khai mức hỗ trợ mới sẽ làm nhanh nhất có thể để bà con nông dân yên tâm chăn nuôi và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Còn về lâu dài, sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị định 02/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai, dịch bệnh.

Đảm bảo cách ly để phòng dịch

Chia sẻ về kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh, anh Nguyễn Công Bắc cho biết: Các phương tiện như xe tải bắt lợn, xe chuyển cám, xe 2 bánh... đều được phun xịt sát trùng thật kỹ trước khi vào trại. Bên cạnh đó, hạn chế nhân viên ra khỏi trại khi không cần thiết.

Hạn chế tối đa người ngoài vào trại, khi vào phải qua nhà sát trùng, tắm xà phòng và có thời gian cách ly ít nhất 24 giờ mới được xuống trại. Trại cũng hạn chế nhập thực phẩm như thịt lợn, gà, cá… từ bên ngoài vào, thay vào đó là dùng lợn, gà, cá… mà nhà nuôi được.

Một biện pháp quan trọng nữa để phòng dịch tả lợn châu Phi, theo anh Bắc là cần tăng cường chăm sóc đàn lợn chu đáo, phòng bệnh bằng vaccine đối với các bệnh do virus như: Dịch tả, tai xanh (PRRS), lở mồm long móng…; tăng cường sức đề kháng cho lợn, có thể bổ sung thêm vitamin C, vitamin nhóm B…

“Phòng chống dịch tốt nên năm 2018, dịch lở mồm long móng bùng phát nhưng gia đình tôi không bị ảnh hưởng và đã gỡ được 80% số nợ” – anh Bắc cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem