Hưng Yên: Nơi đầu tiên bị dịch tả lợn châu Phi "phủ kín" toàn tỉnh

Khánh Nguyên (TH) Chủ nhật, ngày 24/03/2019 13:05 PM (GMT+7)
Cho đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 10/10 huyện, thành phố của tỉnh Hưng Yên. Trước diễn biến phức tạp của bệnh, tỉnh đã tăng mức hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh đồng thời yêu cầu các địa phương khắc phục tình trạng thờ ơ trong chống dịch.
Bình luận 0

Theo báo cáo của Chi cục Thú y Hưng Yên, đến ngày 23/3, toàn tỉnh đã có gần 8.000 con lợn với tổng trọng lượng gần 600 tấn phải tiêu hủy. Số lợn bệnh xuất hiện ở hơn 300 hộ dân thuộc 55 xã; tập trung nhiều nhất ở huyện Yên Mỹ với 16/17 xã có lợn mắc bệnh; tiếp đến là các huyện Mỹ Hào 9 xã, Ân Thi 8 xã có lợn bị bệnh phải tiêu hủy. Tỉnh cũng đã công bố dịch ở 39 xã.

Trước thực trạng trên tỉnh vẫn đang nỗ lực khoanh vùng dập dịch; 25.000 lít hóa chất khử trùng, gần 500 tấn vôi bột đã được phun, rắc cho trên 13 triệu lượt mét vuông chuồng trại chăn nuôi và môi trường.

img

Một chốt kiểm dịch ở huyện Yên Mỹ. Ảnh: BHY.

Tỉnh cũng đã thành lập 310 chốt kiểm dịch; trong đó cấp tỉnh thành lập được 10 chốt kiểm dịch động vật liên ngành trên các trục đường giao thông chính tại địa bàn giáp ranh với các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương và thành phố Hà Nội.  

Nhằm hỗ trợ giảm thiệt hại cho người chăn nuôi lợn, ngày 20/3/2019, UBND tỉnh Hưng Yên cũng ban hành Quyết định số 790/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ cho chủ vật nuôi có lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Theo đó, mức hỗ trợ đối với lợn con, lợn thịt các loại là 80% giá thị trường tại thời điểm tiêu hủy và tại địa phương có dịch bệnh. Mức giá thị trường tại thời điểm hiện tại là 40.000 đồng/kg thịt lợn hơi, do đó mức hỗ trợ tại thời điểm hiện tại là 32.000 đồng/kg thịt lợn hơi. 

Đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác sẽ được hỗ trợ với mức bằng 1,5 lần so với mức hỗ trợ các loại lợn khác tại thời điểm tiêu hủy và tại địa phương có dịch bệnh. Mức hỗ trợ tại thời điểm hiện tại là 48.000 đồng/kg thịt lợn hơi. 

Theo quyết định này, mức hỗ trợ trên sẽ được điều chỉnh cho phù hợp khi thị trường có biến động tăng hoặc giảm từ 20% trở lên. Bên cạnh đó, chủ vật nuôi được hỗ trợ khi có lợn buộc phải tiêu hủy không nhất thiết phải đáp ứng điều kiện đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận khi bắt đầu khi nuôi lợn.

Đối với những trường hợp lợn bị mắc bệnh tiêu hủy trên địa bàn tỉnh trước ngày mức hỗ trợ tại Quyết định 790 được áp dụng, sẽ thực hiện hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9.1.2017 của Thủ tướng Chính phủ cho tất cả các loại lợn khi bị tiêu hủy do dịch bệnh là 38.000đồng/kg hơi.

img

Tổ chức tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi ở huyện Yên Mỹ. Ảnh: Nguyễn Quỳnh.

Sau khi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi, đoàn kiểm tra của UBND tỉnh nhận thấy công tác phòng chống dịch còn bộc lộ một số hạn chế, là nguy cơ khiến dịch lây lan. Vẫn còn tư tưởng chủ quan, lơ là ở một số xã. Các chốt kiểm dịch động vật còn mang tính hình thức, giao phó cho cơ quan chuyên môn. Công tác chỉ đạo “nóng, cấp bách ở cấp trên, lạnh, lơ là ở cấp dưới”. 

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành công văn số 585/UBND-KT2 yêu cầu các địa phương quyết liệt triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập các ổ dịch. Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để xảy ra dịch tại các xã, thị trấn, cơ sở chăn nuôi.

Tỉnh yêu cầu các địa phương vùng dịch khi tiêu hủy lợn phải thực hiện đúng quy định, tránh gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Ngành nông nghiệp hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng xung quanh khu vực chuồng nuôi để tránh lây nhiễm dịch. Các hộ, trang trại chăn nuôi lợn trong tỉnh sẽ được tập huấn các biện pháp phòng chống dịch… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem