Dịch tả lợn châu Phi tàn phá trang trại lớn: Thiệt hại khủng khiếp

Anh Thơ Thứ năm, ngày 23/05/2019 20:35 PM (GMT+7)
Không chỉ tàn phá nhiều chuồng nuôi nhỏ lẻ của nông dân, dịch tả lợn châu Phi đã bắt đầu tấn công các trang trại lớn, nơi các điều kiện vệ sinh tiêu độc khử trùng được thực hiện khá nghiêm túc. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường lo ngại, nếu không thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng chống thì tác hại của dịch bệnh này sẽ cực khủng khiếp.
Bình luận 0

Mất 5% tổng đàn

Nếu như ngày 12/5, theo báo cáo của Bộ NNPTNT, dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 29 tỉnh, thành phố với 1,2 triệu con bị tiêu hủy (chiếm 4% tổng đàn) thì đến nay, chỉ sau gần 2 tuần, dịch đã lan ra 34 tỉnh, thành phố, 1,5 triệu con lợn (chiếm 5% tổng đàn) đã chết hoặc buộc phải tiêu hủy do dịch. Và chắc chắn với những diễn biến phức tạp như hiện nay, con số thiệt hại này sẽ không dừng lại.

img

Dịch tả lợn châu Phi đã tấn công trang trại lớn.  Ảnh:  P.V

Có nhiều lý do để lý giải cho việc dịch tả lợn châu Phi lan rộng và đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Ngoài những lý do bất khả kháng như: Không có vaccine, không có thuốc điều trị, virus lại ở giai đoạn đầu phát triển nên có thể nói sức lây lan rất mạnh còn có nguyên nhân đến từ các lỗ hổng trong công tác phòng chống dịch.

Ở rất nhiều địa phương, người dân phải tự vật lộn với việc tiêu hủy lợn, chính quyền địa phương, lực lượng thú y cơ sở với lý do lực lượng mỏng, kinh phí hạn chế đã vào cuộc chưa nghiêm túc. Đây chính là lý do lợn bệnh vẫn bị tuồn ra ngoài đưa đi tiêu thụ, xác lợn chết vẫn nổi lềnh phềnh trên những con sông hay vứt chỏng chơ ngoài bờ ruộng, bốc mùi hôi thối. Ý thức phòng dịch kém, lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở vào cuộc không kịp thời, thông tin về dịch không rõ ràng đã khiến dịch lây lan một cách mất kiểm soát.

Thái Bình là một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất bởi dịch tả lợn châu Phi khi gần như 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều đã xuất hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi, 36% trong tổng đàn lợn 970.000 con của tỉnh đã chết và buộc phải tiêu hủy vì dịch.

Anh Trần Văn Chung – Công an xã Phúc Thành (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cho biết, sau khi dịch quét qua, chỉ trong một thời gian ngắn, 1.500 con lợn trên địa bàn xã đã buộc phải tiêu hủy. “Bây giờ, xã tôi gần như không còn con lợn nào”- anh Chung thừa nhận một thực tế.

Ông Phạm Văn Xuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình thừa nhận một thực tế, dù tỉnh và ngành chức năng đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch ngay từ đầu nhưng không hiểu bằng con đường nào đó, dịch vẫn lây lan với tốc độ khủng khiếp.

“Là một tỉnh nông nghiệp, Thái Bình từng phải đối mặt với nhiều loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi nhưng chưa bao giờ tỉnh phải đề nghị Chính phủ, Bộ NNPTNT, các chuyên gia hướng dẫn tìm ra biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Hiện, chúng tôi đang căng mình đối phó với dịch bệnh này để bảo vệ đàn lợn của tỉnh”- ông Xuyên nói.

Tấn công trang trại lớn

Nếu không làm tốt công tác phòng chống, dịch sẽ tiếp tục lây lan, có thể lên tới 100% địa bàn, kể cả những nơi hết dịch sau 30 ngày thì bệnh vẫn quay trở lại. Không chỉ những hộ nhỏ lẻ, đến nay, cả những hộ chăn nuôi lớn cũng bị ảnh hưởng”.

 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Ngay khi dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu lan rộng, trong cuộc họp với các chủ trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn bàn giải pháp chống dịch, bình ổn thị trường thịt lợn, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đã yêu cầu bằng mọi giá phải bảo vệ được các trang trại chăn nuôi lớn để đảm bảo nguồn cung không bị thiếu hụt khi dịch lắng xuống và có đủ lợn giống để tái đàn. Nhưng diễn biến thời gian gần đây cho thấy, rất nhiều trang trại lớn đã không thoát khỏi “án tử”.

Trong cuộc họp trực tuyến bàn giải pháp phòng chống dịch của Bộ NNPTNT, ông Phạm Văn Xuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng thừa nhận, lo ngại nhất hiện nay của tỉnh là dịch đang có nguy cơ tấn công các trang trại lớn.

“Cho đến thời điểm này đã có 5 trang trại lớn trên địa bàn tỉnh dính dịch tả lợn châu Phi dù những đơn vị này  làm rất tốt biện pháp vệ sinh tiêu độc khử trùng, cách ly với môi trường bên ngoài, nhân công “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Làm sao giữ được những trang trại lớn, tạo niềm tin cho người chăn nuôi đang là câu hỏi khó của chúng tôi” – ông Xuyên nói.

Anh Trần Văn Chung cũng cho biết, trên địa bàn xã Phúc Thành, nhiều trang trại lớn làm rất tốt biện pháp an toàn sinh học vẫn bị dịch, có trại phải tiêu hủy hàng trăm con lợn trong vài ngày.

Một trang trại 1.200 con lợn ở Hải Dương cũng vừa bị xóa sổ dù trang trại này tuân theo nguyên tắc chăn nuôi an toàn sinh học như lắp đặt hệ thống phun khử trùng tự động, mọi thiết bị như điện thoại, ví tiền, laptop... phải khử trùng bằng đèn UV. Nguồn nước giếng khoan đã qua xử lý mới sử dụng cho đàn lợn...

Ông Nguyễn Học (ở thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa, huyện Ninh Giang, Hải Dương), chủ trang trại này cho đến giờ vẫn không hiểu sao lợn bị dính dịch dù các biện pháp an toàn sinh học đã được ông tuân thủ tuyệt đối. Trang trại của ông được xây dựng từ năm 2016 với tổng vốn đầu tư lên đến 11 tỷ đồng, nay lợn bị "xóa sổ", món nợ khổng lồ đang treo lơ lửng trên đầu.

Trang trại của ông Trần Văn Mậu ở thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương (Đông Anh, Hà Nội) cũng vừa phải tiêu hủy 600 con lợn.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thị sát tình hình dịch bệnh của Thủ tướng hôm 19/5, ông Mậu cho biết, ông đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch nhưng sức mạnh của virus, đường truyền lây phức tạp đã khiến ông mất tiền tỷ trong một cái chớp mắt. Đây chính là lý do khiến nhiều doanh nghiệp lớn như Masan, Vissan buộc phải đóng cửa trại để bảo vệ an toàn cho đàn lợn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem