Đổ về Sài thành kiếm tiền tiêu Tết

Trần Đáng Thứ tư, ngày 25/01/2017 19:30 PM (GMT+7)
Những ngày giáp tết, hàng trăm nhân công gặt hái miền Tây Nam Bộ đổ về Sài thành “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mong kiếm vài triệu đồng trang trải cho một cái tết đoàn viên.
Bình luận 0

Cuối năm tha phương cầu thực

Trời còn tối mờ, trong chiếc lều tạm cạnh ruộng lúa bà Bảy Ánh (Nguyễn Thị Bảy, xã Tân Nhựt, Bình Chánh), anh Hai Bình (quê ở Càng Long, Trà Vinh) cùng 20 nhân công gặt gầy gò, đen nhẻm lỉnh kỉnh đòn xóc, liềm, bao ra đồng gặt lúa. “Đại bản doanh” dã chiến này là nơi ăn, ngủ của 20 nhân công gặt từ miền Tây mới chân ướt chân ráo tới. Anh Hai Bình bảo, cứ đến cuối năm, đội quân gặt thuê này lại quy tụ rồi kéo về TP.HCM, ngược lên Đồng Nai tìm ruộng gặt thuê kiếm tiền ăn tết.

img

Chị Trần Thị Thi đang cặm cụi cột lại những cây ớt đổ ngã sau cơn mưa. Ảnh: Trần Đáng

Theo Hai Bình, nghề gặt lúa đã cực nhưng không có gì cực cho bằng “đụng” phải lúa đổ. Cả ngày anh “cày” trên đồng cũng chỉ cắt được nửa công lúa. Cứ cắt xong 1ha lúa thơm, bà Bảy trả công 4,2 triệu đồng. 

Xã Tân Nhựt từ lâu đã trở thành “vựa lúa” của TP.HCM. Chỉ có nơi đây là còn nhiều đất trồng lúa nhất thành phố. Và cũng chỉ có nhà bà Bảy còn cảnh thuê nhân công còng lưng dùng liềm cắt lúa như thuở cha ông đi khẩn hoang. Ném cái liềm lên bờ ruộng rồi thả mình ngồi bệt xuống đất nhìn vạt lúa đổ sập, Hai Bình lắc đầu: “Với cái kiểu trồng lúa thơm chín ngả rạp trên đồng, không dùng người gặt thì máy gặt đập liên hợp cũng chào thua”.

Theo Hai Bình, nghề gặt lúa đã cực nhưng không có gì cực cho bằng “đụng” phải lúa đổ. Cả ngày anh “cày” trên đồng cũng chỉ cắt được nửa công lúa. Cứ cắt xong 1ha lúa thơm, bà Bảy trả công 4,2 triệu đồng. “Gia đình tui mấy đời cắt lúa mướn. Ai cũng nghĩ cố làm để có tiền lo cho sau này đỡ khổ, nhưng nghề cắt mướn nào có dư dả gì. Quần quật suốt mùa may ra dư được vài triệu đồng, về nhà ăn không ngồi rồi một, hai tháng là sạch túi, tới mùa lại xách lưỡi hái đi kiếm miếng ăn”- Hai Bình thổ lộ.

Tuy nhiên, Hai Bình cũng cho rằng, vào tháng cuối năm, nếu không ai thuê gặt lúa thì “đội quân” gặt lúa thuê “treo mỏ” ba ngày tết. “Ở quê quanh năm thiếu việc làm. Thanh niên, trai tráng bỏ nhà đi tìm miếng ăn nơi khác. Cũng may, những ngày cuối năm còn có người gọi đi cắt lúa thuê mà tụi tôi mới có tiền lo cho cái tết”- Hai Bình kể. Hai Bình tính, sau khi “dứt đồng” của bà Bảy Ánh, mỗi người trong đoàn gặt thuê của anh cũng được chia 4 – 5 triệu đồng. Với 20 ngày cày ải trên đồng lúa, số tiền ấy đủ trang trải cho một cái tết nhà quê.

 Cách đó khoảng 50km, trong nông trại rau, quả rộng cả chục ha của ông Tư Trãi (Nguyễn Văn Trãi, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi), mấy chục nhân công quê miền Tây đang miệt mài thu hoạch ớt chuẩn bị cho vụ Tết Đinh Dậu.

Trong cơn mưa bụi lất phất, chị Tăng Thị Hương cột lại từng cây ớt đang cho trái ngả quặt quẹo trước những cơn gió cuộn. Chị kể, quê ở Sóc Trăng, năm 2008, một lần nghe người cậu nói trên TP.HCM có một nông trại cần người làm thuê vào vụ tết, thế là vợ chồng chị dắt díu con cái đi tìm việc. “Ở quê đất ít lắm, làm nông chẳng đủ ăn nên phải đi”- chị nói.

Theo chị Hương, làm việc ở đây không cực, nhưng cứ luôn tay hết gieo hạt, bón phân, lặt lá… Sau vụ tết, chị được trả công hơn 3 triệu đồng. Cộng với tiền mà chồng, con cũng đang làm tại nông trại này, gia đình chị mỗi tháng cũng kiếm được chục triệu.

Ở một luống ớt khác, chị Trần Thị Thi đang cúi gập lưng cột lại cây ớt đang ngả xấp dưới mặt luống đất. Ngoài hai vợ chồng, chị còn có 4 người con đang làm việc ở nông trại này. “Cả nhà kiếm mỗi tháng cũng được hơn chục triệu đồng, đủ tiền mua sắm cho cái tết rồi”- chị chia sẻ.

Chút tình ngày tết

img

Khu lều trại của “đội quân” gặt thuê trên đất bà Bảy Ánh. Ảnh:Trần Đáng

Bà Bảy Ánh ngồi gác chân trên chiếc ghế gỗ. Bà bảo đã chuẩn bị bao lì xì cho mỗi người trong đoàn gặt lúa thuê. “Chẳng đáng bao nhiêu tiền nhưng cái tình là chính. Tội nghiệp, gia cảnh của họ ở dưới quê nghèo quá, thiếu trước, hụt sau do không có việc làm. Thậm chí, khi tui kêu họ lên gặt lúa nhiều người không có tiền đi xe. Tui phải ứng trước tiền xe, tiền cho họ mua gạo để ở nhà cho vợ con ăn. Có chút quà tết cho họ về cũng ấm lòng”- bà Bảy chia sẻ.

Tết này, như bao cái tết, bà Bảy lại nấu bánh tét bán. Bà bảo, sẽ gởi mỗi thành viên đội quân gặt lúa thuê một đòn bánh tét coi như “ăn lấy thảo” ngày tết.

Trong khi đó ông Tư Trãi cho biết, mỗi dịp tết đến, ông lại lo lắng, tính toán thưởng tết cho nhân công làm thuê trong nông trại. Ngoài những bánh, trái… mỗi nhân công còn nhận được trung bình một tháng lương và những ngày nghỉ phép về quê đón tết cho những nhân công làm thường xuyên. “Ở dưới quê họ chịu thương chịu khó quen rồi, thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu, nên khi về làm nhân công trong nông trại tui cố gắng hỗ trợ họ, nhất là vào dịp lễ tết”-ông Tư nói.

Theo đó, khi đến nông trại làm, nhân công được chủ nông trại hỗ trợ nhà ở, điện, nước. “Hằng ngày ở đây tụi tui chỉ bỏ công làm, ông Tư đã lo hết rồi”- chị Thi cho biết. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem