Doanh nghiệp, nhà nông thiệt vì thuế phân bón: 2 năm kiến nghị sửa mấy chữ

Quốc Hải Thứ tư, ngày 02/11/2016 10:51 AM (GMT+7)
Cùng với tự lên tiếng, nhiều cá nhân và doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón đã phải nhờ đến Bộ NNPTNT và các tổ chức như T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, T.Ư Hiệp hội Phân bón Việt Nam… lên tiếng về việc sửa Luật số 71/2014/QH13. Thế nhưng, việc chỉ sửa dòng chữ “không chịu thuế GTGT” thành “thuế suất 0%” đối với mặt hàng phân bón dường như không dễ...
Bình luận 0

Tận dụng mọi cơ hội để “kiến nghị”

Ngày 28.9, tại Hà Nội, T.Ư Hiệp hội Phân bón Việt Nam phối hợp Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tổ chức hội thảo “Lập lại thị trường phân bón Việt Nam". Tại hội thảo, ngoài việc đề cập đến những bất cập trong quản lý phân bón hiện nay, khá nhiều ý kiến đã phân tích những khó khăn, bất lợi mà Luật 71 đã ảnh hưởng đến các DN phân bón làm ăn chân chính hiện nay, đồng thời kiến nghị Chính phủ sớm điều chỉnh luật này để tránh tình trạng DN phân bón trong nước “thua ngay trên sân nhà”.

img

Liên tục thời gian qua, nhiều doanh nghiệp và tổ chức đã kiến nghị sửa Luật 71 về thuế giá trị gia tăng. Ảnh: Q.H

Cần có đơn vị đứng ra làm đầu mối đánh giá tác động của Luật 71 ảnh hưởng đến DN sản xuất khó khăn như thế nào, và người nông dân đã thực sự hưởng lợi bằng việc giảm 5% thuế VAT từ luật này chưa?”.

Ông Nguyễn Như Cường - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT)

Trước đó, từ khi Luật 71 có hiệu lực từ 1.1.2015, rất nhiều cuộc hội thảo của T.Ư Hiệp hội Phân bón Việt Nam, của các DN phân bón phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT, các cơ quan truyền thông báo chí… đã đồng loạt nêu lên những bức xúc, kiến nghị về khó khăn của DN ngành phân bón, về những hệ lụy trực tiếp mà người nông dân phải gánh… Tuy nhiên, sau gần 2 năm, việc chỉnh sửa dòng chữ “không chịu thuế GTGT” thành “thuế suất 0%” vẫn còn rất xa vời.

Về vấn đề này, giám đốc marketing một DN phân bón lớn ở khu vực phía Nam nói: “Ở nhiều hội thảo về chống tác hại của phân bón giả, phân bón kém chất lượng, chúng tôi liên tục tranh thủ kiến nghị điều chỉnh luật. Thậm chí chúng tôi còn cảnh báo Luật 71 đang là “kẽ hở” cho các DN “cuốc xẻng”, các tổ chức làm phân bón giả, kém chất lượng có… “đất diễn”. Thế nhưng đến nay cũng chưa thấy các ban ngành chức năng có động thái chỉnh sửa luật, khiến các DN ngành phân bón chúng tôi phải chịu ảnh hưởng rất lớn”.

Đồng quan điểm, tổng giám đốc một doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực phân bón của cả nước nói: “Thực tế thời gian qua, ngay cả Luật Hình sự có một số điểm chưa phù hợp thì Quốc hội, Chính phủ cũng mạnh dạn sửa đổ. Còn Luật 71/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế, trong đó có mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) hiện nay đã chứng minh được đang gây bất lợi cho DN phân bón làm ăn chân chính, gây thiệt hại trực tiếp cho người nông dân thì sao chúng ta cứ lừng khừng chưa sửa đổi?”

Chính phủ đã vào cuộc?

Trước kiến nghị của DN cùng các cơ quan, hiệp hội liên quan đến việc sửa đổi Luật 71/2014/QH13, ngày 14.10, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8722/VPCP-KTTH, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Thuế GTGT đối với phân bón và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với đầu tư công nghệ mới, thay thế máy móc cũ sản xuất phân bón thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Bộ Tài chính ghi nhận ý kiến của các cơ quan để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT...

Đồng thời, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao Bộ Công Thương xử lý, hướng dẫn thực hiện theo đúng thẩm quyền và quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu về thuế tự vệ đối với phân bón.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) Dương Trí Hội phân tích, Luật 71/2014/QH13 về sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế có hiệu lực từ ngày 1.1.2015, nông dân được giảm thuế VAT 5% khi mua phân bón; còn DN khi mua các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón thuế VAT là 10% nên phần chênh lệch do không được khấu trừ DN phải chịu. Để bù lại chi phí này, các DN buộc phải tăng giá bán. Riêng PVFCCo, chi phí tăng thêm cho chính sách này khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm.

Trong một diễn biến khác, T.Ư Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu việc Bộ Công Thương có báo cáo lên Thủ tướng (Văn bản số 9440/BCT-HC ngày 5.10.2016) có một số điểm không đúng.

Cụ thể là một số điểm đáng chú ý như: Về sản xuất phân bón NPK ở Việt Nam, hiện nay những nhà máy lớn như Công ty Bình Điền, Công ty Phân bón miền Nam… (chiếm khoảng trên 30% số cơ sở, nhà máy sản xuất phân bón NPK) đều sử dụng công nghệ hiện đại như công nghệ hơi nước, công nghệ tháp cao, công nghệ ure hóa lỏng… Tuy nhiên, Báo cáo số 9440 của Bộ Công Thương lại nêu là trang thiết bị đơn giản, phối trộn cơ học.

Đặc biệt, Bộ Công Thương báo cáo lên Thủ tướng rằng một số phòng thí nghiệm chứng nhận hợp quy phân bón coi thường quy định của pháp luật, tiếp tay cho gian thương. Tuy nhiên, T.Ư Hiệp hội Phân bón Việt Nam khẳng định, không phải “một số” mà là đại đa số phòng thí nghiệm, trung tâm vi phạm kỷ luật, quy định về chứng nhận hợp quy…

Ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, Hiệp hội đã đề nghị Chính Phủ sớm sửa đổi Luật 71/2014/QH13 cho phù hợp với tình hình thực tế, kịp thời bù đắp thiệt thòi của nông dân và giảm thiểu thiệt hại cho DN sản xuất phân bón, thuế VAT 0% hoặc được khấu trừ đầu vào. Đồng thời, Hiệp hội Phân bón cũng đề nghị Chính phủ nên khẩn trương cho áp dụng thực hiện Pháp lệnh số 2042/2002/PL-UBTVQH ngày 25.5.2002 về chính sách tự vệ trong nhập khẩu phân bón và hàng hóa ngoài vào Việt Nam đối với DN bị thiệt hại bởi Luật 71. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem