Đổi gian nan lấy những mùa vàng

Kiều Thiện Thứ tư, ngày 12/10/2016 14:20 PM (GMT+7)
“Trên đất Mường Lèo có những bản cách xa trung tâm xã tới gần 30km, giao thông rất khó khăn nhưng những cán bộ khuyến nông ở đó luôn nhiệt tình vượt khó, đến với bà con và đưa lại những mùa vàng” – ông Nguyễn Quốc Tuấn- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La, bảo vậy.
Bình luận 0

 “Ông cán bộ biết làm ruộng nước đến rồi”

Ai đã từng đến với Mường Lèo (huyện Sốp Cộp, Sơn La) trong những năm trước đây, hẳn không thể quên được nỗi vất vả, gian truân của cung đường từ huyện đến Mường Lèo. Hơn 10 năm trước, nhà báo Mai Khang của Công an tỉnh Sơn La từng viết ký sự “Mường Lèo – không thể đi một lèo” và được bạn đọc đón nhận, chia sẻ rất nhiều.

Nói vậy, viết vậy bởi lẽ Mường Lèo cách trung tâm huyện tới 70km và chỉ có cách đến an toàn nhất, nhanh nhất là… đi bộ với khoảng thời gian ròng rã 2 ngày trời trên những đoạn đường vừa lầy lội, vừa dốc cao, vừa nhiều muỗi, vắt.

img

Khuyến nông viên Lường Văn Kim (đứng thứ 2 từ bên trái) cùng bà con nông dân xã Mường Lèo trao đổi kinh nghiệm làm lúa ruộng trên đất dốc. Ảnh:  K.T

Đến được với xã đã khó. Nhưng nếu không biết tiếng của dân tộc: Thái, Mông, Khơ Mú, Lào… thì lại càng khó hơn khi muốn xin cơm ăn, ngủ nhờ ở đây.

Trong điều kiện khó khăn như thế, những tiến bộ khoa học kỹ thuật lại càng khó đến với Mường Lèo. Cũng bởi lẽ đó mà “nét văn minh lúa ruộng” dù đã có từ ngàn đời qua nhưng tới năm 2010 mới “theo chân khuyến nông viên”  đến với các hộ dân tộc Mông ở bản Sam Quảng trong xã. Người Mông ở Sam Quảng chỉ biết trồng cây trên nương. Khi được giao hướng dẫn nông dân bản Sam Quảng trồng lúa nước, khuyến nông viên Lường Văn Kim lo lắm. “Em còn trẻ, lại không phải người Mông nên phải tự học thêm tiếng Mông. Khi vào bản, em cứ bám già làng, trưởng bản mà tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, kêu gọi cán bộ, đảng viên gương mẫu làm lúa nước trên ruộng bậc thang” - Kim kể.

Kim cứ kiên trì, miệng nói, tay làm, hướng dẫn người dân từ cách cầm cái cuốc tới cách gieo mạ, cấy, gặt… Thật may là từ vụ lúa đầu tiên, dân bản đã thành công. Lúa ruộng nước vừa ngon mà năng xuất lại cao hơn tới 3-4 lần so với lúa nương. Thế là bà con tin tưởng, cả bản làm theo. Chỉ trong vài năm, từ mấy ngàn m2 lúa nước ban đầu, đến nay bản đã có 13ha lúa ruộng. “Bây giờ mỗi khi em vào, bà con lại reo lên: “Ông cán bộ biết làm lúa nước đến rồi”. Thế rồi bà con lại kéo đến chật cả nhà văn hóa để nghe khuyến nông tuyên truyền, hướng dẫn những kỹ thuật mới. Những lúc như thế, lòng em rất vui” - Kim kể.

Những chuyến đi bộ... cả tuần

Chuyện vui của khuyến nông cơ sở Lường Văn Kim thì có rất nhiều, nhưng cũng có không ít câu chuyện về những nỗi gian truân ở vùng cao mà Kim cùng các đồng nghiệp khác từng phải trải qua. Hơn 10 năm phụ trách địa bàn Mường Lèo, Kim đã có cả ngàn chuyến công tác về với dân, với bản; chuyển giao cho bà con biết bao kinh nghiệm về sản xuất hiệu quả cao: Chăn nuôi bò, dê, gà, lợn; trồng lúa nước, lúa nương, cây ăn quả, cây công nghiệp; đối phó với dịch bệnh hại gia súc, cây trồng; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

“Những chuyến đi xa, em thường nắm cơm mang theo để chủ động lịch trình bởi bà con ở đây thường đi làm nương xa, xin cơm cũng không dễ. Nếu bà con ở nhà thì lại làm phiền bà con bởi người vùng cao rất hiếu khách, nhất là khi thấy cán bộ khuyến nông đến bản là nhất định phải mời rượu cho bằng được. Không say thì mang tiếng là không nhiệt tình với bà con. Mà say thì… có khi hôm sau mới tỉnh” - Kim cho hay.

Tuy đường xá ở Mường Lèo mấy năm gần đây đã được đầu tư làm mới, nâng cấp nhưng vẫn là thách thức với những tay lái vùng cao, nhất là trong mùa mưa lũ thì đi bộ vẫn là “thượng sách”. Ngay như dịp giá rét, mưa tuyết đầu năm nay, cả dãy núi Mường Lèo ngập trắng băng tuyết. Dân bản sau những phút hào hứng đón nhận cảm giác lạ thì quay sang lo lắng cho sức khỏe của mình và cây trồng, gia súc. “Những ngày đó, điện thoại của chúng em đổ chuông liên tục. Chỗ này hỏi cách chống rét cho bò, cách phòng bệnh cho gà; chỗ kia hỏi về cách cưa thân cây khi ngọn cây bị chết… Tuy việc nhà còn đang ngổn ngang, nhưng chúng em vẫn phải đến với dân bản, vào từng hộ, hướng dẫn tận vườn. Chuyến công tác ấy kéo dài tới hơn 10 ngày, nhiều hôm mất bữa trưa bởi bà con còn đang lo lắng công việc, còn chúng em thì cũng bị trách nhiệm thu hút” – Kim chia sẻ.

Gần đây nhất là dịch châu chấu về Mường Lèo, ròng rã mất tháng trời Kim phải cùng đồng nghiệp và người dân theo chân đàn châu chấu di cư để hướng dẫn bà con cách đối phó, xua đuổi, tiêu diệt chúng, bảo vệ mùa màng. Nhờ có quyết tâm của những người như khuyến nông viên Lèo Văn Kim nên sản xuất nông nghiệp ở Mường Lèo không chỉ được bảo vệ trước những thiên tai, dịch bệnh mà còn ngày càng tăng thêm hiệu quả bởi những tiến bộ khoa học kỹ thuật đang về với nơi đây mỗi ngày một nhiều hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem