Đón đầu cơ hội phát triển ngành mắc ca

Lam Giang Thứ ba, ngày 26/05/2015 14:57 PM (GMT+7)
Trong khi nhiều nông dân, doanh nghiệp lo ngại về chất lượng giống mắc ca, hoặc lúng túng trong khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, hoặc còn phân vân về giá trị thực sự của mắc ca –  “nữ hoàng của các loại hạt khô” thì Công ty CP Đầu tư và Phát triển Maccadamia quốc tế (IDMA) đã đón đầu cơ hội với 30 sản phẩm mắc ca chế biến bán ra thị trường.
Bình luận 0

“Chúng tôi đã xuất phá từ 5 năm trước”

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Hoàng Phương - Tổng Giám đốc Công ty IDMA cho biết: Hầu hết mọi người bắt đầu quan tâm đến “cây tỷ đô” này từ cuối năm 2014 – khi mắc ca trở thành hiện tượng cuốn hút đặc biệt. Còn với chúng tôi, sớm nhận thấy tiềm năng phát triển và giá trị to lớn mà mắc ca mang lại, ngay từ năm 2010, chúng tôi đã thành lập Công ty IDMA để từng bước đầu tư vào lĩnh vực này”.

img
Mắc ca được trồng xen với cà phê tại Tuần Giáo (Điện Biên). Ảnh:  Đức Hào
Trong số các công ty tham gia sản xuất và kinh doanh mắc ca, IDMA được coi là doanh nghiệp tiên phong trong việc đầu tư phát triển mắc ca ở Việt Nam. IDMA cũng đã có những liên kết hợp tác với doanh nghiệp của nhiều nước trên thế giới như Úc, Nam Phi để nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm đầu tư sản xuất – kinh doanh theo chuỗi giá trị của ngành mắc ca. Bao gồm các khâu giống, trồng cây, chế biến và thương mại...

 

Theo lý giải của ông Lê Tùng Anh - Giám đốc sản xuất, phát triển sản phẩm và thương mại - thương hiệu DELIX (thuộc Công ty IDMA), việc xây dựng một thương hiệu riêng biệt cho sản phẩm hạt mắc ca chế biến sâu là bước đón đầu cơ hội, có tính toán lâu dài, hướng tới thị trường trong nước và quốc tế. Nếu chỉ chú ý đầu tư trồng cây hay thu mua sơ chế, không đầu tư chế biến sâu và có những sản phẩm cao cấp, doanh nghiệp sẽ chỉ thu được phần giá trị lợi nhuận thấp, lặp lại cách làm “gia công” như nhiều ngành khác đã từng mắc phải. Vì vậy, IDMA tập trung vào những yếu tố then chốt quyết định trực tiếp đến hiệu quả của việc trồng và phát triển loại cây khá mới mẻ này như giống, trồng, thu hoạch, sơ chế, tinh chế, thị trường…

Về chất lượng giống mắc ca, TS Nguyễn Trí Ngọc (nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT) từng nhận định, trong số hơn 2.000ha mắc ca hiện có trong cả nước, có đến phân nửa diện tích trồng bằng cây thực sinh và rất có thể sau từ 3-5 năm nữa, những cây mắc ca này sẽ phải loại bỏ vì không ra quả hoặc ít quả. Nhận diện vấn đề này, IDMA đã hợp tác với Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây và nhiều đối tác khác để nghiên cứu, tạo ra những bộ giống cây mắc ca phù hợp với chất đất, khí hậu thổ nhưỡng cho từng vùng như Điện Biên, Sơn La và Tây Nguyên. Các giống mắc ca được công ty đưa vào trồng đến nay đều đạt tỷ lệ sống trên 95% và sai quả.

Sẵn sàng bao tiêu mắc ca cho nông dân

Trao đổi về hướng liên kết, hỗ trợ người nông dân trong việc phát triển cây mắc ca, ông Vũ Hoàng Phương cho biết: “Việc xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung và mô hình thị phạm (trồng mẫu) có ý nghĩa rất quan trọng vì sẽ giúp nông dân xác định được những vùng trồng mắc ca phù hợp. Hiện nay, nhiều nông dân trồng mắc ca theo phong trào mà chưa tìm hiểu kỹ về từng loại cây giống, nên khi gặp luồng thông tin trái chiều dễ bị tâm lý hoang mang, lo sợ. Những mô hình trồng mẫu này sẽ giúp người trồng trang bị thêm kiến thức, kỹ năng trồng và chăm sóc cây, mang lại hiệu quả cao hơn”.

Bên cạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, IDMA đã đầu tư vào các doanh nghiệp như Công ty CP Mắc ca Điện Biên, Công ty CP Mắc ca Sơn La, Công ty CP Nông lâm nghiệp tại Tây Nguyên để tạo ra những vùng nguyên liệu trồng mắc ca tập trung tại Tây Bắc, Tây Nguyên. Cụ thể, tại Điện Biên, công ty đầu tư vườn cây giống có khả năng sản xuất 120.000 cây giống/năm để cung cấp cho vùng dự án trồng rừng 4.000ha tại huyện Tuần Giáo (trong đó cây mắc ca chiếm 29,4% diện tích) và nhu cầu giống của các đối tác khác tại địa phương.

Tại Sơn La, IDMA đầu tư mở vùng nguyên liệu 1.000ha tại 2 huyện Mai Sơn và Thuận Châu; hợp tác với Trung tâm Giáo dục lao động của tỉnh Sơn La để tạo vườn ươm cây đầu dòng và thành lập trung tâm sản xuất giống mắc ca với công suất 150.000 cây/năm. IDMA cũng xây dựng thêm các mô hình trồng mẫu ở các vùng nguyên liệu, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng mắc ca hiệu quả cho nông dân thông qua các chương trình đào tạo, hội thảo đầu bờ, nhằm thúc đẩy mở rộng thêm các vùng trồng mắc ca có chất lượng, hiệu quả.

Hướng tới hợp tác phát triển với Nga, Mỹ

Về vấn đề xây dựng nhà máy chế biến, mở rộng thị trường, ông Phương cho biết thêm: Công ty đang khảo sát để xây dựng mạng lưới thu mua và sơ chế tại các vùng nguyên liệu trồng mắc ca, xây dựng nhà máy chế biến các loại sản phẩm mắc ca cao cấp.

Quan điểm

Ông Vũ Hoàng Phương - Tổng Giám đốc Công ty IDMA
  Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và hỗ trợ nông dân, thậm chí sẽ bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch nếu người dân cam kết trồng và chăm sóc theo đúng kỹ thuật, sản phẩm hạt đạt tiêu chuẩn. 
Sau 3 năm nữa, công ty sẽ đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến tại các vùng nguyên liệu để phục vụ công tác thu mua, chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Về vấn đề thị trường, IDMA hướng đến cả thị trường trong nước và quốc tế. IDMA đã có văn phòng đại diện đặt tại Australia. Các văn phòng này có vai trò kết hợp với doanh nghiệp trồng mắc ca lâu năm ở nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm, kiến thức trồng, chăm sóc, bảo quản mắc ca, đồng thời nắm bắt nhu cầu và những biến động của thị trường để có những hướng đi đúng, tạo hiệu quả bền vững.

 

Trong thời gian tới, IDMA đang và sẽ triển khai các chương trình hợp tác mang tính bền vững với các tổ chức, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực trồng và chế biến mắc ca trên thế giới như: Ký kết hợp tác với các công ty tại Australia nhằm chuyển giao công nghệ sản xuất và chế biến sản phẩm mắc ca về Việt Nam, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu lớn tại Australia, đầu tư sản xuất các sản phẩm mắc ca chế biến tại Nga…

Có thể khẳng định, cho đến thời điểm này ở Việt Nam chưa có nhiều những công ty đầu tư chuyên sâu vào mắc ca với quy mô lớn. IDMA là công ty đi tiên phong trong việc đầu tư vào ngành mắc ca một cách bài bản nhất.

“Dưới con mắt của những người làm doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng nếu chúng ta giải quyết được những khó khăn đặt ra hiện nay cho ngành mắc ca thì cơ hội phát triển sẽ là rất lớn. Chúng tôi tin tưởng với tầm nhìn chiến lược dài hạn cộng với việc nắm bắt cơ hội kịp thời và tận dụng triệt để các nguồn lực, ưu thế cạnh tranh sản phẩm, IDMA sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng, phát triển lớn mạnh ngành mắc ca tại Việt Nam, góp phần đưa mắc ca của Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới” – ông Vũ Hoàng Phương tự tin nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem