Đừng đổ lỗi cho lúa IR 50404

Thứ năm, ngày 19/04/2012 19:21 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dù giá lúa đã giảm tới 1.000 đồng/kg, trong khi các giống lúa thơm từ 5.000-7.200 đồng/kg thì lúa IR 50404 chỉ còn 4.000-4.200 đồng/kg (lúa tươi) nhưng vẫn không có người mua. GS-TS Võ Tòng Xuân trao đổi về vấn đề này...
Bình luận 0

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), mặc dù đã nhiều lần khuyến cáo chỉ trồng tối đa 20% diện tích giống IR 50404 thì nhiều nơi có trên 50% diện tích sản xuất lúa IR 50404, có tỉnh sản xuất tới 70% diện tích. Vì sao nông dân cứ "bám" giống lúa này, thưa GS?

- Trước tiên, đây là giống lúa không kén đất và thích nghi với điều kiện canh tác còn lạc hậu như Việt Nam. Giống lúa này không tốn nhiều phân thuốc và lại ít sâu bệnh. Trong khi các giống lúa thơm năng suất chỉ trên dưới 6 tấn/ha thì IR 50404 cho năng suất khoảng 8 tấn/ha, cá biệt có người đẩy năng suất lên 9 - 10 tấn/ha. Dù lúa IR 50404 bị đánh giá là cấp thấp, giá luôn thấp hơn các giống khác nhưng nông dân vẫn có thể bù lại bằng sản lượng nên nhiều năm nay họ thường chọn IR 50404 để trồng.

img
 

Đã rất nhiều lần giống lúa này dội đồng vì cung vượt cầu nhưng tại sao người dân vẫn không sợ?

- Suốt 10 năm nay, chuyện IR 50404 hút hàng và xuống giá diễn ra theo chu kỳ, vụ thu đông giá cao, qua đông xuân thì rớt giá. Nhiều lần Nhà nước và Hiệp hội lương thực VN (VFA) cảnh báo không được trồng nhiều, nhưng dân trồng vẫn bán được giá cao nên họ coi thường cảnh báo. Ngay vụ thu đông năm 2011, thương lái đổ xô đi mua lúa IR 50404 nên năm nay nông dân trồng quá nhiều là điều đương nhiên.

Các doanh nghiệp lại đổ lỗi giá lúa gạo xuống thấp là do nông dân trồng quá nhiều IR 50404 trong khi thị trường tiêu thụ đã bị co hẹp?

- Đừng đổ lỗi cho IR 50404. Hiện nay nhu cầu thị trường lúa gạo thế giới khoảng 30 triệu tấn/năm thì lúa thơm chỉ chiếm dưới 10%, nghĩa là chỉ khoảng chừng 2-3 triệu tấn.. Cho đến nay, các thị trường chính của Việt Nam vẫn là Philippines, Indonesia và các nước châu Phi - và họ chủ yếu ăn gạo cấp thấp.

Thực tế là các doanh nghiệp trong nước vẫn mua lúa IR 50404 để xuất khẩu, có lúc lượng mua tăng cao đến cháy hàng. Vậy mà ở ta, dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ lãi suất thu mua tạm trữ nhưng nông dân vẫn thiệt. Ngay cạnh ta, nông dân Thái Lan không phải lo nghĩ nhiều chuyện giá cả. Dù thị trường cũng có lúc lên xuống thất thường nhưng giá thu mua vẫn xoay quanh trục giá an toàn cho nông dân của họ.

img
Nông dân ĐBSCL vẫn chuộng giống lúa IR 50404.

Theo GS, Việt Nam có thể làm theo cách của Thái Lan để bảo vệ nông dân không? Tại sao nông dân hay làm ngược với khuyến cáo?

- Trong thực tế, người nông dân sản xuất tự phát, muốn trồng giống lúa gì thì trồng, muốn bón phân thế nào thì bón. Họ trồng lúa mà không biết ai sẽ mua, bán ở đâu, bán giá bao nhiêu. Nhà nước từ Trung ương đến địa phương khuyến cáo nông dân sản xuất giống này, giống kia nhưng không ai dám chỉ cụ thể là ai sẽ mua sản phẩm của họ.

Dù lúa IR 50404 bị đánh giá là cấp thấp, giá luôn thấp hơn các giống khác nhưng nông dân vẫn có thể bù lại bằng sản lượng nên nhiều năm nay họ thường chọn IR 50404 để trồng.

Chuyện tiêu thụ lúa gạo chỉ giao cho doanh nghiệp một cách chung chung, không chỉ đích danh đơn vị nào. Trong khi đó, doanh nghiệp làm ăn là phải có lãi, và họ tìm mọi cách để thu lãi cho mình, họ không có trách nhiệm phải lo cho nông dân. Người trồng lúa vì vậy thường tự phán đoán rồi làm theo suy nghĩ của họ. Kết quả là trên cùng một cánh đồng có đến hàng chục giống lúa, hàng chục kiểu canh tác và hậu quả nông dân phải gánh chịu...

Xin cảm ơn GS!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem