Giá gia cầm hôm nay 12/3: Gà vịt nằm chuồng, thương lái "kiêu" hẹn lần hẹn lữa

Hải Đăng Thứ năm, ngày 12/03/2020 05:20 AM (GMT+7)
Giá gia cầm hôm nay 12/3 vẫn ở mức thấp. Theo một số chuyên gia chăn nuôi, để thoát cảnh bấp bênh, mất giá, người dân và doanh nghiệp nên bắt tay nhau để cùng đầu tư vào chăn nuôi tập trung theo chuỗi khép kín, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh, vừa hạn chế rủi ro thị trường.
Bình luận 0

img

Giá gia cầm hôm nay 12/3 tại các tỉnh, thành vẫn ở mức thấp, giá gà thịt lông màu ở mức 45.000 đồng đến 50.000 đồng/kg.

Càng nuôi lâu, càng lỗ nặng

Nhiều ngày nay giá gà, vịt liên tục ở mức thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng lên cao khiến người nuôi gia cầm khốn đốn vì thua lỗ. Đã vậy, đến thời điểm này nhiều đàn gà, vịt đã “quá lứa”, người nuôi muốn xuất bán nhưng do thị trường tiêu thụ chậm nên thương lái chẳng màng mua.

Ông Phạm Như Thanh, người có hơn 10 năm nuôi gia cầm số lượng lớn ở Vạn Ninh (Khánh Hòa), ngao ngán nhìn đàn gà, vịt hơn 6.000 con của mình đã đến tuổi xuất chuồng nhưng hiện vẫn chưa bán được. Ông điện thoại mãi cho những thương lái là “bạn hàng ruột” nhưng họ cứ hẹn lần hẹn nữa không đến thu mua. Lý do họ đưa ra là thị trường tiêu thụ khó khăn, nên họ tạm hoãn những chuyến buôn.

“Hiện giá gà ta nuôi chuồng chỉ còn 45.000 - 50.000 đồng/kg, trong khi mấy tháng trước đây hơn 60.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, vịt thịt cũng giảm sâu, chỉ còn 26.000 - 27.000 đồng/kg, mỗi loại gà mất đến mấy chục giá những vẫn khó bán”, ông Thanh than thở.

Nói về nguyên nhân khiến gà, vịt rơi vào thảm cảnh ế ẩm, ông Thanh cho rằng: Do cung vượt cầu. Vừa qua, khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành đàn heo trên cả nước, bây giờ người chăn nuôi chỉ nghĩ đến con heo thôi đã “giật mình” chứ chưa nói đến chuyện thả nuôi lại. Hơn nữa, bà con cũng không còn vốn để mua, vào heo giống, chỉ còn có thể chuyển sang nuôi gia cầm thành ra đàn gà, vịt tăng đột biến là vì thế.

"Thêm nữa là đầu năm nay chúng ta xuất hiện thêm các dịch bệnh mới trên người và gia cầm nên nhiều người tiêu dùng e ngại, các trường học, lễ hội, bếp ăn tập thể, khu công nghiệp ngừng nghỉ đã khiến cho nhu cầu giảm, tiêu thụ khó khăn, người nuôi thua lỗ nặng", ông Thanh khẳng định.

Chị Hoàng Thị Tâm, thương lái chuyên thu mua và kinh doanh gà, vịt ở khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam cho hay: Thông thường theo chu kỳ vào các tháng đầu năm, lượng gia cầm sẽ tăng cao hơn và giá rẻ hơn các tháng trong năm. Tuy nhiên, giá gà, vịt đầu năm nay lại giảm và ở mức thấp quá lâu đang gây khó khăn, thua lỗ cho cả người nuôi và thương lái.

"Nếu trong các tháng tới, dịch bệnh không được không chế, cải thiện thì giá gia cầm và việc tiêu thụ cũng khó mà thoát được thảm cảnh hiện tại", chị Tâm buồn bã nói.

Theo tính toán của chủ trang trại gà Phạm Ngọc Nam ở Hướng Hóa (Quảng Trị), với giá gà như hiện nay, cứ 1.000 con gà nuôi đúng 3 tháng xuất bán thì người nuôi lỗ 7 – 8 triệu đồng; nếu gà không tiêu thụ được, bị “cầm chuồng” đến trên 4 tháng mới bán được thì bà con cấm chắc mức lỗ tăng gấp đôi.

“Trong giai đoạn nuôi từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 3, gà ăn 2,9kg thức ăn thì tăng trọng được 1kg. Nhưng từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 4, gà phải ăn 4kg thức ăn mới cho ra được 1kg gà. Tuy vậy, trong giai đoạn này, dù gà ăn bình thường nhưng mức tăng trọng dừng lại. Thức ăn cứ “ngốn” mà không tăng trọng thêm, nên gà càng “cầm chuồng” càng lâu thì người nuôi càng lỗ nặng”, anh Nam chia sẻ.

img

Giá vịt thịt hôm nay vẫn ở mức giá từ 26.000 đồng đến 30.000 đồng/kg.

Bắt tay nhau để chăn nuôi bền vững hơn

Một lãnh đạo công ty chăn nuôi gia cầm ở Đồng Nai cho biết, hiện nay mỗi ngày công ty giết mổ khoảng 20.000 con gà. Bên cạnh đó, tùy nhu cầu thị trường, công ty cung cấp thêm 10% gà lông trong tổng đàn cho các cơ sở giết mổ. Dù giá gà lông trắng ngoài thị trường rớt giá mạnh nhưng hiện tại giá thu mua của công ty đối với các trang trại, hộ chăn nuôi vẫn đảm bảo ổn định nhờ thực hiện mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra.

"Cụ thể, ngay từ đầu công ty xác định muốn phát triển bền vững thì cần chăn nuôi theo chuỗi khép kín. Vì vậy, công ty liên kết với các trang trại rải khắp cả nước như Đắk Lắk, Nha Trang, Bình Thuận... bằng cách đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi và bao tiêu đầu ra cho các đơn vị liên kết, giá cả được cam kết cả năm. Với mô hình này, khi thị trường có biến động thì các đơn vị liên kết vẫn yên tâm chăn nuôi chứ không bấp bênh", vị này khẳng định..

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem