Gia Lai: Chấn động vụ vỡ nợ nông sản vì... đại lý hết tiền

Lê Kiến Thứ tư, ngày 07/02/2018 09:30 AM (GMT+7)
Những ngày áp tết, khắp nơi đang rộn ràng sắm sửa thì nhiều hộ dân tại xã Hải Yang (huyện Đăk Đoa, Gia Lai) lại đứng trước nguy cơ trắng tay vì đến chốt giá nông sản ký gửi, đại lý bảo “chưa có tiền trả”.
Bình luận 0

“Lên đại lý thì không còn đồng nào”

Nhiều ngày qua, người dân ở xã Hải Yang liên tục bàn tán, xôn xao trước thông tin chủ cơ sở thu mua, nhận ký gửi nông sản của vợ chồng ông Phạm Quốc Trung (45 tuổi, thôn 1) “vỡ nợ”. Nhiều người trót ký gửi cà phê, hồ tiêu hay tin liền tìm đến nhà ông Trung chốt giá bán, lấy tiền đều ra về tay không.

Ngay sau đó, Hội Nông dân tỉnh Gia Lai đã có báo cáo nhanh sự việc lên Ban Tuyên huấn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận, Thường trực HĐND tỉnh, rằng: “Tại xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa xảy ra một vụ vỡ nợ”, số tiền nợ khoảng 20 tỷ đồng, hộ ký gửi nhiều nhất 5 tỷ đồng, hộ ít nhất 10 triệu đồng. Theo báo cáo, trong số những người ký gửi có 5 người là cán bộ, đảng viên của xã Hải Yang.

img

 Chị Nguyễn Thị Hiên buồn rầu bên giấy cho mượn 1,65 tỷ đồng. Ảnh: Lê Kiến

Trong số những người tham gia ký gửi nông sản, hộ ông Đ.Đ.L (thôn 3, xã Hải Yang) là bị thiệt hại nặng nhất. Ông L cho biết, ông cho vợ chồng ông Trung vay 4 tỷ đồng để đáo hạn ngân hàng và đang ký gửi 20 tấn cà phê, 2,6 tấn hồ tiêu chưa chốt giá.

“Giờ để qua tết rồi tính, trước hết chỉ muốn giải quyết tình cảm, nếu đường cùng không giải quyết được mới làm đơn nhờ pháp luật can thiệp. Chỗ ông Trung hứa trả nhưng chưa biết khi nào, tính đến nay thời gian nợ đã được 10 tháng. Giờ cận tết rồi tôi không biết làm sao cả, ông Trung có đưa tôi 10 triệu gọi là tiền ăn tết”- ông L nói.

Nói về vụ “vỡ nợ”, bà Kim Thị Lanh (57 tuổi, thôn 3, xã Hải Yang) buồn rầu cho biết nhắc đến chuyện này, hai vợ chồng cứ muốn chảy nước mắt. Gom góp mấy năm trời tiền lương, nuôi lợn gà, bán cà phê rồi cho ông Trung mượn gấp gần 200 triệu đồng giải quyết chuyện làm ăn nhưng giờ họ nói không có tiền trả. Không chỉ mượn tiền 2 vợ chồng bà, số tiền chị em Chi hội Phụ nữ gom góp hỗ trợ nhau làm ăn cũng bị ông Trung mượn hơn 100 triệu đồng. “Mấy ngày nay nghe tin ông Trung bán máy múc trả bớt cho bà con, tôi chạy lên thì không còn đồng nào. Nhiều lúc tôi buồn quá khóc một mình, sự việc ông Trung mượn tiền rồi vỡ nợ giống như sao chổi quét khiến hàng chục hộ rơi vào thảm cảnh, bao nhiêu người phải khổ sở”- bà Lanh nói.

img

Giấy cho mượn tiền viết tay của chị Hiên. Ảnh: L.K

Tiếp xúc với PV NTNN, chị Nguyễn Thị Hiên (thôn 3, xã Hải Yang), người đã cho vợ chồng ông Trung vay mượn hơn 1,6 tỷ đồng, cố tỏ ra vui vẻ đón khách nhưng khuôn mặt thất thểu như người mất hồn. Sau vài câu chuyện về vụ “vỡ nợ”, nước mắt chị lưng tròng, nói không ra lời. Chị Hiên cho biết, chị với bà Nguyễn Thị Nguyệt (vợ ông Trung) lâu nay quen biết nhau nên rất tin tưởng giao tiền. Qua nhiều lần không đòi được, chị đã làm đơn khởi kiện nhờ tòa án can thiệp.

“Chị Nguyệt nói cho mượn tiền để đáo hạn ngân hàng, sau vài ngày sẽ trả nên tôi đồng ý, hai bên chỉ viết giấy tay cho mượn tiền. Lâu không thấy trả, tôi mới đi đòi nhưng vẫn không được. Số tiền này tôi mượn từ người thân, nếu không đòi nợ được thì đành phải bán vườn để trả thôi, hiện tôi còn nợ ngân hàng 500 triệu chưa trả. Do tôi cho mượn tiền không báo cho chồng biết nên sau khi sự việc đổ bể, vợ chồng liền nảy sinh mâu thuẫn rất dữ dội. Năm nay coi như là mất tết”- chị Hiên chia sẻ.

“Khi nào có thì trả…”

Ngày 5.2, PV Báo NTNN đã làm việc với lãnh đạo UBND xã Hải Yang để tìm hiểu sự việc. Ông Cao Văn Nông - Chủ tịch UBND - xác nhận, có biết thông tin liên quan đến vụ “vỡ nợ”. Chủ nợ là vợ chồng ông Phạm Quốc Trung, nợ của người dân khoảng hơn 20 tỷ đồng, có người đã làm đơn khởi kiện. Sợ ảnh hưởng đến an ninh trật tự, UBND xã đã mời chủ nợ và nhiều hộ dân lên làm việc để tránh xảy ra việc đáng tiếc.

 “Qua làm việc, chủ đại lý nói không chạy nợ, hứa khi nào có tiền sẽ trả. Lâu nay vợ chồng ông Trung làm ăn rất uy tín, kinh doanh nghề đúc trụ tiêu, thu mua và nhận ký gửi nông sản. Sự việc này đã được cơ quan công an vào cuộc làm rõ”- ông Nông nói.

Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Hưởng - Trưởng Công an xã Hải Yang, cho biết thông tin nói ông Trung vỡ nợ là chưa đúng, bởi vợ chồng ông Trung chưa có tuyên bố vỡ nợ. Bước đầu xác định số tiền nợ khoảng 17 tỷ đồng. Đồng thời ông Hưởng cũng khẳng định, thông tin có nhiều cán bộ, đảng viên của xã tham gia ký gửi, cho mượn tiền là chưa đúng sự thật. Cán bộ xã không tham gia ký gửi nhưng có một số người thân của cán bộ xã tham gia ký gửi.

Khi PV đến nhà ông Phạm Quốc Trung (ở thôn 1, xã Hải Yang) thì cửa vẫn đóng chặt. Khoảng 2 phút sau, vợ chồng ông Trung đang ở nhà gần đó lại hỏi “đến nhà tôi có việc gì không?”. Khi chúng tôi giới thiệu là phóng viên đến làm việc liên quan đến vụ vỡ nợ thì cả hai vợ chồng đều nói chuyện rất dè dặt, thái độ khó chịu: “Sự việc có gì đâu mà báo chí đến làm việc, tôi có nợ nhưng có chạy nợ đâu và cũng chưa tuyên bố vỡ nợ bao giờ”. Đồng thời khẳng định, chưa có cơ quan chức năng nào làm việc hay có người dân kiện tụng gì.

Ông Lê Trung Nguyên – Giám đốc Công ty Cà phê 706 Việc ký gửi tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thường bà con không có kho bãi nên mới đi ký gửi, nhưng việc ký gửi này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trước tiên, mọi người nên tự chủ động về sân bãi, kho chứa. Nếu không có thì nên chọn những doanh nghiệp có uy tín, có thương hiệu để gửi.

Đối với các đơn vị tư nhân, nhỏ lẻ thì độ tin cậy không cao. Thậm chí, các đơn vị nhỏ vì sức cạnh tranh kém nên “giở chiêu trò” để thu hút người dân. Để tránh rủi ro xảy ra, trước tiên người dân nên tự bảo vệ mình, nếu ký gửi thì phải xác định được doanh nghiệp đáng tin cậy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem