Gia Lai: Sâu keo mùa thu bùng phát dữ dội, vựa ngô bị phá tơi tả

Lê Kiến Thứ ba, ngày 09/07/2019 08:00 AM (GMT+7)
Sau thời gian nắng ấm, sâu keo mùa thu bùng phát và gây hại ngô trên diện rộng ở tỉnh Gia Lai, trong khi công tác phòng trừ đang gặp không ít khó khăn.
Bình luận 0

Bùng phát trên diện rộng

Đầu tháng 5/2016, một số xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai bắt đầu xuất hiện sâu keo mùa thu phá hại trên cây ngô và được chính quyền báo cáo lên cấp trên để có giải pháp, hướng dẫn phòng trừ.

Chỉ trong một thời gian ngắn, thời tiết ở Gia Lai nóng ấm tạo điều kiện thích hợp khiến loại sâu ăn lá này bùng phát dữ dội và lan rộng. Nhiều vườn cây ngày hôm trước xanh tốt, nhưng chỉ sau một đêm đã bị sâu tấn công, lá bị ăn rách nát tả tơi.

img

img

 Hơn 5.500ha ngô ở Gia Lai bị sâu keo mùa thu ăn lá.   Ảnh: L.K

 Theo báo cáo mới nhất của Sở NNPTNT Gia Lai, sâu keo mùa thu trên cây ngô đã xuất hiện ở 11 huyện với diện tích hơn 5.517ha. Dự báo trong thời gian tới, sâu keo tiếp tục phát triển và gây hại ở nhiều địa phương nếu không có biện pháp khống chế kịp thời. Đây là loại sâu đa thực, có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ, có thể gây hại trên 300 loài thực vật, đặc biệt là tập tính di trú xa hàng trăm km nhờ gió và quá trình vận chuyển.

Tại huyện Chư Prông, từ khi sâu keo xuất hiện đã khiến hàng trăm hộ dân trồng ngô đứng ngồi không yên, đây là 1 trong 3 huyện có diện tích bị sâu nhiều nhất tỉnh. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai, thời điểm bùng phát cao nhất, huyện Chư Prông có đến 2.500ha ngô bị bệnh. Hiện tại đã khống chế vùng bị bệnh còn 115ha.

Nông dân Nguyễn Văn Mão (thôn Ninh Hòa, xã Ia Boòng) cho biết: “Ban đầu phát hiện vườn ngô bị sâu ăn lá, tôi phát hoảng, nhìn vườn cây trụi lá cứ tưởng là hỏng hết rồi. Sau đó tôi đi mua thuốc về phun và rắc vào đọt ngô thì thấy sâu chết, mới đỡ lo phần nào”.

Tại huyện Kông Chro, đã có hơn 1.400ha bị sâu phá, nhiều nông dân lâm cảnh khốn khó.

Với 15 năm kinh nghiệm trồng ngô, đây là lần đầu tiên gia đình ông Nguyễn Biên Thuỳ (thôn 1, xã Chơ Long) gặp phải “đại dịch” như thế này. Gia đình ông Thuỳ trồng 6ha ngô trong vụ này, phải phá bỏ 1,3ha do bị sâu keo phá, ông bỏ bớt một phần diện tích để tránh lây lan. Đối với diện tích còn lại bị nhiễm ít hơn, ông vẫn cố gắng tìm cách phun thuốc, thường xuyên kiểm tra vườn để cứu cây.

Tại huyện Chư Pứh, sâu keo hại ngô được phát hiện đầu tiên tại xã Ia Le vào ngày 3/6, đến nay toàn huyện đã có 1.235ha bị sâu phá.

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pứh, sâu keo mùa thu phá hoại cả giai đoạn ngô non và trổ cờ không chỉ gây ảnh hưởng sinh trưởng, phát triển của cây mà còn làm giảm năng suất, một số diện tích không có điều kiện phòng trừ sẽ mất trắng.

Chi phí xử lý quá cao

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Hà Ngọc Uyển - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, cho biết: “11 huyện, thị trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện sâu keo mùa thu với diện tích ngô bị nhiễm hơn 5.500ha. Để chủ động phòng ngừa, Sở NNPTNT tỉnh đã có văn bản phối hợp, đôn đốc gửi đến các địa phương, kèm theo các giải pháp hướng dẫn cho nông dân phòng trừ. Tuy nhiên, việc phòng trừ sâu keo mùa thu gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại chưa xác định mức độ thiệt hại do cây đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển”.

Theo ông Uyển, việc phòng trừ sâu đòi hỏi phải đúng quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, theo biện pháp 4 đúng: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng kỹ thuật và đúng nồng độ. Để đạt được hiệu quả cao cần phải phun liên tiếp 2 - 3 đợt, cách phòng ngừa tốt nhất là phát hiện sớm, phun thuốc khi sâu ở độ tuổi 1 - 2 thì có thể diệt trừ 80 - 100%.

Tại huyện Chư Pứh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp Hội Nông dân các xã Ia Le, Ia Blứ, Ia Phang, UBND thị trấn Nhơn Hòa… mở nhiều lớp tập huấn cho người dân cách nhận biết và giải pháp phòng ngừa, chọn đúng thuốc. Trong quá trình phòng ngừa sâu bệnh, cũng có một số ý kiến cho rằng thuốc có vấn đề, phun mà sâu không chết.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Hoan – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pứh giải thích, không phải phun mà sâu không chết, do sâu có nhiều pha (trứng, sâu non, sâu trưởng thành) nên phun lần đầu thì không diệt hết được. Mặt khác, các chủ vườn có nơi phun có nơi không, hoặc thời gian phun thuốc khác nhau khiến cho sâu tiếp tục lây lan.

“Chi phí mỗi lần phun rất tốn kém, từ 800.000 - 1 triệu đồng/ha nên người dân, nhất là các hộ gia đình đang gặp khó khăn khó duy trì phun nhiều lần. Vì thế, để phòng trừ hiệu quả, người dân nên phun thuốc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, phun nhiều lần. Đồng thời khuyến cáo bà con nên đi thăm đồng thường xuyên, nếu phát hiện sâu non thì phòng trừ kịp thời” - ông Hoan nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem