Giá lúa giảm trái ngược với dự báo, nhà nông đứng ngồi không yên

Anh Thơ - Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 15/02/2019 19:30 PM (GMT+7)
Theo dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), nhu cầu nhập khẩu gạo trong quý I.2019 sẽ tăng nhẹ tại các thị trường truyền thống. Nhưng trái ngược với dự báo đó, hiện giá lúa đông xuân tại ĐBSCL lại đang giảm. Thực tế này khiến TP.Cần Thơ phải tổ chức họp khẩn bàn giải pháp hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp (DN).
Bình luận 0

Giá gạo giảm 100-200 đồng/kg

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo trong quý I.2019 sẽ tăng nhẹ tại các thị trường truyền thống như Philipines, Indonesia do hai nước này vừa bị ảnh hưởng mạnh bởi thiên tai.

Bên cạnh đó, sau khi Philipines gỡ bỏ chính sách hạn chế nhập khẩu, đã có 166 công ty của nước này nộp đơn xin mua 1 triệu tấn gạo, trong đó có nhiều đơn hàng gạo Việt Nam. Theo chính sách mới của Philipines, tất cả gạo nhập khẩu sẽ được đánh thuế ở mức 35% nếu có nguồn gốc từ ASEAN và 50% với các nước ngoài ASEAN.

img

Giá lúa đông xuân giảm khiến bà con nông dân đứng ngồi không yên. Ảnh: T.L

Vậy nhưng, trái ngược với dự báo, hiện giá lúa tại nhiều tỉnh ĐBSCL đang có xu hướng giảm. Giá lúa IR 50404 tươi, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp còn 4.400 - 4.500 đồng/kg; lúa thơm Jasmine chỉ còn 4.700 đồng/kg, đều giảm hơn 1.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm ngoái.

Năm nay vùng ĐBSCL xuống giống khoảng 1,5 triệu ha lúa, sản lượng dự kiến đạt 11 triệu tấn. Đông xuân được coi là vụ lúa lớn nhất trong năm, người dân đặt nhiều kỳ vọng sẽ trúng mùa, được giá nên việc giá lúa giảm khiến bà con đứng ngồi không yên.

Trên thực tế, xu hướng giá lúa giảm tại ĐBSCL đã được báo trước ngay từ tháng 12.2018, mặc dù nguồn cung đang khan hiếm và nhu cầu mua gạo được cải thiện. Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, ở An Giang, lúa IR50404 đã giảm 200 đồng/kg, từ 5.400 đồng/kg xuống 5.200 đồng/kg; lúa chất lượng cao OM 5451 giảm 200 đồng/kg, từ 5.500 đồng/kg xuống 5.300 đồng/kg.

Tại Vĩnh Long, lúa IR50404 khô giảm 100 đồng/kg xuống 5.800 đồng/kg; gạo IR50404 ở mức 12.000 đồng/kg; gạo Jasmine ở mức 14.000 đồng/kg. Như vậy, chỉ sau gần 2 tháng, giá lúa đã sụt giảm đáng kể.

Họp “nóng” vì giá lúa

Trước tình hình giá lúa đông xuân có xu hướng giảm, ngày 13.2, lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ đã có cuộc họp với các DN xuất khẩu lúa gạo và 13 ngân hàng (có chi nhánh tại Cần Thơ) để bàn giải pháp, kế hoạch hỗ trợ người dân.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hè - Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ cho biết, hiện nay mới vào đầu vụ thu hoạch lúa đông xuân 2019. Theo đó, đã có 1.123/81.264ha được thu hoạch, tập trung nhiều ở các địa phương như Cờ Đỏ, Thốt Nốt và Thới Lai. Thời gian thu hoạch sẽ kéo dài đến hết tháng 2.2019.

"Trong số 81.264ha lúa đông xuân, chỉ có khoảng 21.000ha là có hợp đồng tiêu thụ, số diện tích còn lại chưa có hợp đồng sẽ bị phụ thuộc giá vào thương lái. Tuy nhiên, sau khi ăn tết xong, giá lúa đông xuân đã có xu hướng giảm (giá lúa trong ngày 13.2 chỉ còn khoảng 4.300 đồng/kg, giảm khoảng 100 đồng/kg so với 2 ngày trước đó - PV). Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến cho DN và người dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ngành chức năng cần phải có giải pháp hỗ trợ kịp thời" - ông Hè nói.

Đại diện các DN lớn đang bao tiêu thu mua lúa trong dân cho biết, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng đủ lớn để thu mua lúa trong dân là rất khó khăn, khiến cho việc thu mua xuất khẩu gặp trở ngại. Đặc biệt trong thời điểm này các DN cần phải đẩy mạnh việc thu mua để các thương lái không có cơ hội "ép giá", đẩy giá thị trường tiếp tục đi xuống.

Các DN còn cho rằng đang bị thiếu thông tin thị trường, đặc biệt là thị trường lớn là Trung Quốc (thường xuyên thay đổi về chính sách; ngày càng kiểm soát khó hơn về chất lượng sản phẩm).

Trước tình trạng trên, các ngân hàng cho biết, sẽ có báo cáo khẩn đến cơ quan chủ quản để xin ý kiến cho nâng hạn mức cho vay, đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các DN. 

Ông Trương Quang Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ nói: "Do là mùa vụ đang thu hoạch nên phải cần hỗ trợ nhanh. Trước mắt, tôi đề nghị chi nhánh các ngân hàng báo cáo khẩn ra cơ quan chủ quản ở Trung ương xem xét cho nâng hạn mức cho vay, đẩy nhanh tiến độ giải ngân như đã nói ở trên. Về phía Hội Nông dân thành phố cũng phải có báo cáo khẩn gửi ra Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và kiến nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có ý kiến gửi sang các ngân hàng, làm sao cho nguồn vốn về sớm".

Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cũng đề nghị Sở Công Thương, Sở NNPTNT tiếp cận nắm thông tin thị trường lúa gạo từ các bộ, ngành, Trung ương về báo lại cho DN sớm, đặc biệt là các cuộc đàm phán quan trọng, chính sách mới của thị trường có sức ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu như Trung Quốc.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cảnh báo, năm 2019, xuất khẩu gạo sang thị trường lớn Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều thách thức do các chính sách tăng thuế đối với mặt hàng gạo, thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch, yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, đẩy mạnh chính ngạch và những thay đổi về tổ chức quản lý bên phía Trung Quốc.

Chính vì thế, các ngành liên quan và các DN cần phải xây dựng kế hoạch để ứng phó với những thay đổi chính sách này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem