Giá lúa hè thu giảm, lại nỗi lo giải cứu

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 28/06/2019 18:35 PM (GMT+7)
Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào thu hoạch vụ lúa hè thu 2019. Do tình hình xuất khẩu không mấy khả quan, giá lúa trong nước bắt đầu giảm khiến nhiều người lo lắng tái diễn tình trạng phải “giải cứu”.
Bình luận 0

Ám ảnh giá lúa giảm

Từ đầu tháng 6, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã bắt đầu thu hoạch lúa hè thu. Nhưng trái với mong đợi, giá lúa bắt đầu giảm mạnh. Ông Nguyễn Văn Bé (ngụ huyện Thanh Bình) cho biết, lúa tươi giống IR 50404 trước đó còn ở mức 4.300 đồng/kg, tuy đã giảm thấp so với tháng trước nhưng vẫn đảm bảo thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, hiện tại giá lúa chỉ còn 3.800 đồng/kg.

img

  Tình hình xuất khẩu ảm đạm đang gia tăng áp lực thu mua lúa vụ hè thu sắp tới. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, các hiệp định thương mại không cho phép hỗ trợ xuất khẩu, thương mại chứ không cản trở việc Chính phủ thu mua từ nông dân. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành khác để xuất một hình thức hỗ trợ tài chính để trình lên Chính phủ.

“Hy vọng từ vụ trước được đổ dồn lên vụ mùa sau. Nhưng tới lúc thu hoạch, nỗi lo giá lúa rớt lại kéo về. Hiện tại, không ai biết thị trường sẽ còn thay đổi thế nào trong những ngày sắp tới”  - ông Bé than.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, nguyên nhân khiến giá lúa tươi giảm là do thị trường xuất khẩu đang có dấu hiệu chững lại. Bên cạnh đó, lượng lúa cung ứng có kích thước không phù hợp với nhu cầu thu mua của doanh nghiệp xuất khẩu.

Giá lúa bán tại ruộng hiện đã giảm 1.500 đồng/kg so với cùng kỳ. Ngoài ra, tình trạng nắng nóng cũng khiến năng suất giảm, các doanh nghiệp muốn tìm mua lúa chất lượng cao cũng không đủ.

“Trước đó, các khó khăn trong xuất khẩu gạo của cả năm 2019 gần như đã được nhận diện đầy đủ nhưng các địa phương vẫn không có nhiều giải pháp tích cực. Việc giải cứu thời gian qua chưa mang tính chiến lược. Sắp tới cũng chưa thấy điểm sáng rõ ràng trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn tự bơi là chính” - ông Nghĩa nói.

Theo ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Công Thương Long An, giá lúa giảm là do cung cầu bị chênh lệch quá nhiều, khiến xuất khẩu gạo trong những năm gần đây gặp nhiều khó khăn. Dù cả nước có giảm một số diện tích nhưng năng suất đạt cao nên sản lượng không hề giảm. Thị trường có thể tiếp nhận của chúng ta khoảng 5 triệu tấn, trong khi năng lực sản xuất tới 7 triệu tấn, 2 triệu còn dư gây áp lực lên tiêu thụ, làm giảm giá thu mua và nông dân lại gặp khó khăn.

Ông Đức cho rằng, trong bài toán nâng cao giá lúa, việc tái cơ cấu cần tính toán lại diện tích đất lúa cho hợp lý để cân đối sản lượng, nhu cầu, kể cả đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Ngành nông nghiệp cũng cần xem xét lại lịch thời vụ, làm sao cho khoa học hơn. Lâu nay việc xuống giống đồng loạt có ưu điểm là hạn chế dịch bệnh nhưng cũng đưa đến chi phí tăng cao. Cụ thể, việc gieo sạ đồng loạt khiến chi phí nhân công tăng; tạo áp lực cho vấn đề kho bãi, nhà máy sấy. Và nhất là doanh nghiệp phải bỏ tiền ra thu mua một lượng lớn thóc lúa trên các cánh đồng.

Thị trường cuối năm còn khó khăn

Đánh giá tình hình nửa đầu năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhìn nhận việc sản xuất, kinh doanh lúa gạo đã gặp những lúng túng sau 3 - 4 năm tương đối ổn định. Thời gian trước đó không có chuyện phải thu mua tạm trữ. Nhưng ngay từ đầu năm nay, giá lúa giảm mạnh khiến nhiều người bối rối. Tình trạng có nguy cơ lặp lại trong vụ hè thu sắp tới đây nếu không có biện pháp cụ thể.

Điều đáng lo ngại là, hiện nay các hợp đồng xuất khẩu tập trung khối lượng lớn để dẫn dắt thị trường hầu như chưa có. Việc chủ động hỗ trợ thu mua lúa từ nông dân đang đặt ra kế hoạch bài bản hơn với sự chung tay từ nhiều bộ ngành.

Theo ông Khánh, thị trường nông sản thường có phản ứng chậm hơn các mặt hàng công nghiệp khác. Khi cung thiếu thì giá tăng, các nước cũng tăng cường sản xuất tại chỗ để tránh lệ thuộc nhập khẩu. Nguồn cung nhiều lên thì giá lại giảm nên thị trường nông sản luôn có tính chu kỳ hình sin.

“Hiện tại, giá lúa đang ở chu kỳ đi xuống. Việc cạnh tranh với các nước sẽ ngày càng gay gắt nên khả năng thu mua trong nội địa cũng bị ảnh hưởng theo” - ông Khánh nói.

Biện pháp trong ngắn hạn, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, trước khi vào vụ phải có cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ số lượng lớn nguồn hàng của nông dân. Đầu vụ là quãng thời gian vốn gặp nhiều khó khăn. Biện pháp cụ thể nhất là phải có lượng tiền lớn từ ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp thu mua, ít nhất là theo mức giá mà Bộ Tài chính công bố để đảm bảo có lợi cho nông dân.

Bộ NNPTNT cũng nên có kế hoạch cho một cơ chế thường xuyên, ổn định chứ không phải giải pháp đặc thù cho từng vụ như vừa qua. Về lâu dài, việc giải quyết sản lượng lớn thông qua cân đối bài toán diện tích, sản lượng đã thống nhất với Bộ NNPTNT. Bài toán tối ưu giá cả cần tính toán kỹ cả trong cơ cấu 1 vụ hay nhiều vụ.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem