Gian nan người khuyết tật học nghề

Minh Nguyệt Thứ hai, ngày 09/11/2015 16:34 PM (GMT+7)
Kinh tế eo hẹp, đi lại không thuận tiện, văn hóa thấp là những khó khăn khiến nhiều phụ nữ khuyết tật khó đi học nghề.
Bình luận 0

Thiếu thông tin

Chị Dương Thị Nga (31 tuổi) quê ở Cam Thượng, Ba Vì, Hà Nội là người khuyết tật vận động. Vì gia đình khó khăn nên hết cấp 2, chị phải bỏ học, nhưng chị lại có may mắn được tiếp cận với lớp học may, do một doanh nghiệp tổ chức từ năm 2004. Học phí là 1,2 triệu đồng/khóa, nhưng chị được miễn 1/3 tiền học phí. Sau học nghề, vì việc đi lại bất tiện nên chị Nga không thể xuống doanh nghiệp làm việc, đành thuê quán mở hàng may gần nhà. Chị Nga cho biết, nhiều bạn bè là người khuyết tật muốn đi học nghề, xin việc nhưng không có thông tin hoặc học phí cao quá không chi trả được. 

img

Một lớp học nghề làm thiệp cho người khuyết tật (Ảnh chụp tại Trung tâm Việc làm người khuyết tật Vì ngày mai). Ảnh: Minh Nguyệt 

Chị Nguyễn Thị Tâm (Ba Vì) có con gái 19 tuổi phải ngồi xe lăn, tâm sự: “Con gái tôi lúc nào cũng mong được đi học nghề, làm việc, nhưng gia đình không có thông tin về các lớp học. Mà học xong rồi cũng không biết tìm việc ở đâu, vì người lành lặn ra trường còn thất nghiệp huống hồ người khuyết tật”.

Ông Đào Mạnh Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh sinh viên (Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTBXH) thừa nhận: Hiện nay người khuyết tật có nhiều kênh để tiếp cận học nghề, như Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (1956), Đề án 295 về đào tạo nghề cho phụ nữ, Đề án dạy nghề cho thanh niên…, tuy nhiên chỉ số ít người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng được tiếp cận với chương trình học nghề này.

“Nguyên nhân chính là bởi đại bộ phận người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, trình độ văn hóa thấp nên dù có chính sách hỗ trợ, nhiều PNKT vẫn không thể tự đảm bảo các chi phí cần thiết cho việc học nghề và tạo việc làm, đặc biệt là người khuyết tật ở các vùng sâu, xa” – ông Thủy nói.

Chỉ 1/3 phụ nữ khuyết tật có việc làm

"  Số người được dạy nghề cả nước đã đạt khoảng 1,5 triệu người/năm, nhưng số người khuyết tật được dạy nghề chỉ là 5.000-6.000 người (chiếm 0,4%). Giai đoạn 2006 - 2010, có gần 30.000 người khuyết tật được dạy nghề, chỉ đạt 37,5% mục tiêu đề ra theo Quyết định 239- Đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006- 2010 của Chính phủ”. 
Ông Đào Mạnh Thủy 

Bà Cao Bích Thủy – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Bắc Nam (TP.Hải Phòng)  - đơn vị trực tiếp đào tạo nghề cho người khuyết tật cho biết: “Người khuyết tật là đối tượng đặc thù, có nhiều dạng khuyết tật, mỗi dạng tật chỉ phù hợp với một số nghề nhất định. Chi phí dạy nghề cho họ cũng cao hơn thông thường nên các cơ sở dạy nghề ít hào hứng”.

Báo cáo của Hội LHPN Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó phụ nữ khuyết tật có khoảng 3,6 triệu người. Phần đông trong số họ chưa được dạy nghề, không có việc làm, thường phải dựa vào gia đình, cộng đồng. Từ năm 2010-2015 (theo Đề án 295 về đào tạo nghề cho phụ nữ), Hội Phụ nữ cơ sở đã triển khai dạy nghề cho gần 4.300 phụ nữ khuyết tật, với các nghề chủ yếu như may công nghiệp, thêu, đan, móc tại các cơ sở trung tâm dạy nghề...   

Theo TS Nguyễn Thị Thu Hoài (Học viện Phụ nữ Việt Nam), kết quả từ một nghiên cứu của Học viện về Tình trạng việc làm của phụ nữ khuyết tật tại Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế và Tây Ninh cho thấy, chỉ khoảng 1/3 số phụ nữ khuyết tật có việc làm. Chủ yếu họ làm việc tại nhà (chiếm 64,1% phụ nữ khuyết tật), 5,9% làm tại các cơ sở sản xuất tư nhân, 13,2% làm tại Hội Người khuyết tật và chỉ 1,2% làm tại các cơ sở nhà nước. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem