Gieo hy vọng cho người mù

Chủ nhật, ngày 21/08/2011 20:13 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo Hội Người mù Việt Nam, cả nước hiện có 1,4 triệu người mù. Dạy nghề và tạo việc làm là cách để giúp họ cảm thấy cuộc sống có ích. Hiện, hoạt động này đang được xúc tiến ở nhiều tỉnh thành.
Bình luận 0

Mở trung tâm dạy nghề chuyên biệt

Tháng 7.2011, Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng mở 2 lớp dạy nghề làm nhang và nhạc ngũ âm cho người mù. Ông Phan Quốc Phong - Phó Chủ tịch Hội cho biết, lớp học này tổ chức tại Trung tâm Đào tạo, phục hồi chức năng cho người mù (vừa khánh thành tháng 6.2011). Trung tâm này sẽ đảm nhiệm việc dạy nghề chuyên biệt cho người mù trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

img
Người mù ở Sóc Trăng học nghề làm nhang.

Hiện, lớp dạy nghề làm nhang thu hút 7 học viên. Trong thời gian một tháng, các học viên sẽ được tiếp cận cách làm nhang trên máy. Còn lớp nhạc ngũ âm có 8 học viên theo học trong thời gian 3 tháng do nghệ nhân Lâm Minh Cường đến từ Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh trực tiếp hướng dẫn. Sau khi kết thúc khóa học, các học viên có khả năng phục vụ tại các lễ hội của bà con Khmer.

Được biết, từ nhiều năm nay, ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ phía nhà nước, Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức cho hội viên làm thêm các nghề như se nhang, mở phòng xoa bóp, massage, bán nhang dạo, nhận bóc vỏ hột sen... để tạo thêm thu nhập cho anh em trong hội.

Tuy nhiên, dù được học nghề nhưng để làm nghề và có thu nhập với người mù là rất khó khăn. Chị Nguyễn Thị Xuân (hội viên Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng) mong mỏi: "Khi học nghề, chúng tôi mong làm sao anh em có thể kiếm được việc làm ổn định để có thu nhập chi dùng cho sinh hoạt. Hiện nay, mọi chi phí ăn uống, sinh hoạt... đều do Hội đảm nhận hết nên rất khó khăn".

Nhiều dự án hướng tới người mù

Cũng như Sóc Trăng, nhiều tỉnh thành cũng đã có những lớp dạy nghề chuyên biệt dành cho người mù với mong muốn tạo cho họ một nghề nghiệp ổn định. Tại Hà Nội, Hội Người mù cũng vừa tiếp nhận dự án nâng cao năng lực cho cán bộ nhân viên Thành hội với tổng kinh phí 219.367 USD. Ngoài nâng cao năng lực, dự án này cũng tiếp cận theo hướng dạy nghề cho người khiếm thị trong độ tuổi lao động và tạo cơ hội cho trẻ khiếm thị trong độ tuổi đến trường được tiếp cận giáo dục.

Theo đánh giá của Hội Người mù VN, hiện nay, các sản phẩm do Hội Người mù sản xuất vẫn chủ yếu được tiêu thụ thông qua các tổ chức nhân đạo. Vì vậy, mức tiêu thụ chậm, doanh thu không cao nên dù có việc làm, đời sống của người mù vẫn rất khó khăn.

Tại Bắc Giang, người mù còn được quan tâm hơn khi UBND tỉnh phê duyệt riêng một dự án dạy nghề cho người khuyết tật năm 2011– trong đó có người mù. Dự án này có kinh phí hơn 354 triệu đồng, phân bổ cho các Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Lan; Công ty TNHH một thành viên Thiên Phúc (TP.Bắc Giang); Trung tâm Dạy nghề Bình Minh (Tân Yên) và Hội Người mù tỉnh tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật.

Các nghề được đào tạo là: May công nghiệp, thêu, trồng trọt, chăn nuôi thú y, làm chổi đót, tăm tre với thời gian 2-4 tháng. Theo đó, sẽ có 155 người khuyết tật được dạy nghề miễn phí và hỗ trợ tiền ăn trong thời gian học tập. Dự án này đảm bảo, sau đào tạo, người mù sẽ được các doanh nghiệp nhận vào làm việc.

Tương tự, tại Nghệ An, Hội Người mù các huyện cũng cố gắng kéo các nghề làm chổi đót, làm tăm tre và xoa bóp bấm huyệt cổ truyền về dạy cho các hội viên. Như Hội Người mù Nghi Lộc vừa dạy nghề, vừa lo đầu ra cho sản phẩm, nhờ vậy, nhiều hội viên đã có mức thu nhập ổn định từ 300 - 400 nghìn đồng/người/tháng. Đặc biệt, các hội viên làm nghề xoa bóp, bấm huyệt cổ truyền có thu nhập từ 1-1,5 triệu đồng/người/tháng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem