Giống lúa nông hộ gặp nhiều rào cản

Thứ tư, ngày 26/09/2012 06:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cạnh tranh thị trường, kinh phí sản xuất, biến đổi khí hậu... đã và đang là những thách thức lớn trong việc đẩy nhanh tốc độ phát triển sản xuất lúa giống nông hộ ở Việt Nam.
Bình luận 0

Giảm chi phí trung gian

Trong những năm qua, cùng với Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), Tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã tiến hành triển khai mô hình sản xuất lúa giống nông hộ ở 3 tỉnh Hòa Bình, Nghệ An và An Giang. Theo đánh giá của đại diện Oxfam, sản xuất lúa nông hộ giúp giảm chi phí trung gian và nhiều chi phí sản xuất khác, mang lại lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất giống.

img
Sản xuất lúa giống nông hộ ở xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc (Hòa Bình).

Câu lạc bộ (CLB) sản xuất lúa giống xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) là một điển hình trong mô hình sản xuất giống lúa nông hộ. Với diện tích 5ha, trung bình mỗi vụ CLB này sản xuất được 20 tấn lúa giống. So với các doanh nghiệp, chi phí sản xuất lúa giống của các nông hộ giảm đi tới 50%. Cũng theo tính toán, nếu sử dụng giống cộng đồng trong làng, xã sản xuất ra, mỗi 1ha trồng lúa thương phẩm sẽ tiết kiệm được 585.000 – 715.000 đồng/vụ.

Ông Phạm Đồng Quảng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng: “Việc sản xuất lúa giống nông hộ đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất, giúp nông dân tiếp cận nhanh với những tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là chủ động được giống chất lượng thích ứng với điều kiện canh tác ở từng địa phương”.

Bên cạnh đó, theo ông Quảng, đối với ngành giống cây trồng, việc sản xuất lúa giống nông hộ đã góp phần lưu trữ và phát triển nguồn gen lúa quý hiếm ở các địa phương, lưu truyền kinh nghiệp và văn hóa sản xuất cây lúa của đông đảo cộng đồng.

Còn theo ông Ngô Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục BVTV, việc sản xuất lúa giống nông hộ đã từng bước khẳng định được những tiến bộ về trình độ thâm canh của người nông dân. “Chúng tôi luôn khuyến khích và nhân rộng những mô hình sản xuất lúa giống cộng đồng và sẵn sàng giúp đỡ nông dân về kỹ thuật cũng như chính sách hỗ trợ”- ông Dũng khẳng định.

Đuối sức so với doanh nghiệp

Theo ông Ngô Tiến Dũng, hiện nay hệ thống cung ứng giống chính thống trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Trong khi đó, sản xuất lúa giống nông hộ lại gặp nhiều rào cản về thị trường và năng lực tiếp cận thị trường.

Để tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất lúa giống nông hộ, ông Phạm Đồng Quảng cho rằng, cần phải chú trọng hơn nữa vào sự năng động, sáng tạo của từng hộ nông dân, đặc biệt là sự chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trong quá trình phát triển trên cơ sở công bằng và hợp đồng cụ thể.

Hiện tại, việc sản xuất giống lúa nông hộ ở Hòa Bình đang là một mô hình thử nghiệm thành công ở miền Bắc. Ông Nguyễn Văn Phấn- Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hòa Bình cho biết: “Hiện nay, dù đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho hệ thống giống chính quy từ các trường, viện, các trạm hoặc trung tâm giống, nhưng lại chưa áp dụng cho loại giống do nông dân sản xuất”.

Thực tế, ngày càng có nhiều trung tâm, công ty giống của Nhà nước, tư nhân và nước ngoài tham gia vào thị trường giống. Các doanh nghiệp cung ứng giống ngày càng có đủ năng lực để cung cấp đủ lượng giống cho nông dân sản xuất đại trà, cả vùng sâu, vùng xa. Vì thế, lúa giống nông hộ khó có thể cạnh tranh và đuối sức so với các doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem