Gỡ khó bằng siết chặt liên kết, quy hoạch cụ thể

Văn Xây Thứ tư, ngày 06/07/2016 15:51 PM (GMT+7)
Để cải thiện tình trạng trên, ông Võ Hùng Dũng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết: “Hiệp hội sẽ tập trung nâng cao chất lượng cá tra thông qua cải thiện chất lượng con giống và môi trường nuôi”.
Bình luận 0

Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên - Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Châu Phú (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), để ngành cá tra phục hồi, phát triển trở lại, cần kiểm soát lại cung cầu. Theo đó, Nhà nước cần có chính sách để tạo điều kiện giúp tất cả những người nuôi cá có thể nuôi theo quy chuẩn chung và được hỗ trợ đầu vào lẫn khâu tiêu thụ.

Ông Nguyên cho rằng, ngành cá tra hiện nay không phải là hoàn toàn bi quan bởi đây cũng là cơ hội để thay đổi toàn diện. Người nuôi nên bỏ ngay quan niệm “nuôi rồi bán cho ai?” mà phải có người mua rồi mới quyết định nuôi bao nhiêu. Việc sản xuất phải theo tập thể trong hợp tác xã, hạn chế tối đa “cò”...

img

Thu hoạch tôm ở huyện Giang Thành (Kiên Giang).  ảnh: I.T

Để cải thiện tình trạng trên, ông Võ Hùng Dũng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết: “Hiệp hội sẽ tập trung nâng cao chất lượng cá tra thông qua cải thiện chất lượng con giống và môi trường nuôi”. Trong bối cảnh ngành cá đang gặp nhiều bất ổn trong xuất khẩu, ông Dũng cho rằng nên quay lại, phát triển thị trường trong nước. Riêng đối với thị trường nước ngoài, cần tập trung vào việc “thích ứng” với các hiệp định thương mại, đặc biệt là đạo luật Farmbill của thị trường Mỹ.

Ông Dũng cũng cho biết thêm: “Tới đây sẽ hình thành sàn giao dịch thương mại điện tử cho ngành hàng cá tra ở ĐBSCL. Với hình thức thương mại tiên tiến, các DN sẽ dễ dàng giới thiệu sản phẩm, tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn. Nếu bán qua sàn, DN có thể gặp được hàng trăm khách hàng khác nhau dù những khách hàng này có thể mua những đơn hàng nhỏ. Nhờ số lượng khách đông và tiếp cận trực tiếp nên có thể gia tăng hơn về số lượng và giá bán so với hiện tại”.

Về con tôm, lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương ĐBSCL cho biết, thời gian qua, sự liên kết giữa các bên tham gia (chủ yếu là DN và người nuôi) còn lỏng lẻo, thiếu công bằng và minh bạch. Vì vậy, nhiều người cho rằng, việc xây dựng phát triển chuỗi giá trị tôm là rất cần thiết. Với cách làm này, sẽ giúp giải quyết các khó khăn thách thức trong tổ chức, chiến lược và mối quan hệ quyền lực của các tác nhân khác nhau trong chuỗi…Từ đó, tạo ra những sản phẩm tôm có chất lượng vượt trội với chi phí thấp nhất.

GS-TS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ,  chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL, cho rằng: Nguyên nhân do việc quy hoạch vùng nuôi tôm thời gian qua ở các địa phương chưa hợp lý, dẫn đến việc nước thải ao nuôi của hộ này chảy vào ao nuôi kế cận, gây ra dịch bệnh, không cứu vãn được. “Các ngành chuyên môn cần quy hoạch theo vùng nuôi cụ thể, có xây dựng hệ thống mương thủy lợi lấy nước ra vào hợp lý. Có như vậy, dịch bệnh mới được khống chế, người nuôi bớt khổ trong thời kỳ cạnh tranh gay gắt như hiện nay” – GS-TS Xuân khuyến cáo./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem