Góc nhìn khác về "đất buôn vải" Ninh Hiệp: Đổi mới và nghĩa tình

Tùy bút: Lê Huy Quang Thứ bảy, ngày 09/03/2019 19:15 PM (GMT+7)
Buổi sáng tháng Giêng mùa xuân Kỷ Hợi 2019 trên quê hương Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội), bầu trời xanh bừng lên trong nắng. Phóng tầm mắt nhìn ra xa tít tắp những cánh đồng xanh non, đón ngọn gió quê mát rượi, cảm giác của tôi về một vùng đất thật thú vị... =
Bình luận 0

Chợt nghĩ, cách đây trên 30 năm, từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, Ninh Hiệp đã như bừng tỉnh để mở cửa đón những ngọn gió từ khắp bốn phương. Đó là những ngọn gió lành mà Ninh Hiệp đã tự lực cánh sinh, chịu thương chịu khó, chắt chiu, dồn góp để tự mình tạo đà cho chính mình quyết tâm đi lên...

3 mục tiêu lớn

img

Trung tâm Văn hóa Thể thao xã Ninh Hiệp được khánh thành tháng 10.2018. Ảnh: T.L

Ngọn gió lành đổi mới thổi về làng quê Ninh Hiệp từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, nay lại xôn xang hơn, rộn ràng hơn, mới mẻ hơn, đậm đà hơn, trong một buổi sáng nồng nàn hương gió mới Giêng xuân của một mùa xuân mới…

Từ một vùng đất thuộc Đông Ngà, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh, sau hòa bình lập lại trên miền Bắc 1955; ba làng Phù Ninh, Ninh Giang, Hiệp Phú gộp lại, trở thành xã Ninh Hiệp; và từ tháng 6.1961, Ninh Hiệp được sát nhập vào huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Do hoàn cảnh  đặc biệt về địa lý nên Ninh Hiệp đã mang đậm nét văn hóa vùng quê Kinh Bắc và cả văn hóa Kinh đô Thăng Long; vì thế Ninh Hiệp vẫn được coi là văn hóa Hai Kinh.

Tại đây, đã có trên hai mươi công trình văn hóa cổ như đình, chùa, miếu, văn bia, điếm, nhà thờ họ..., đặc biệt là chùa Nành được xây dựng từ những năm 207-226. Bên cạnh đó là đền Từ Vũ để thờ cúng vũ trụ và nhà 8 mái “Thạch Sàng” (giường đá) - nơi tụ hội nhiều văn bia ghi công trạng của những người đỗ đạt, khoa bảng. Vậy là chùa Nành, đền Từ Vũ và Thạch Sàng đã làm nên cái thế chân vạc trên mảnh đất làng có hình con chim phượng - tượng trưng cho sự phát triển rực rỡ của vùng đất cổ Ninh Hiệp...

Cũng chính tại vùng đất văn hóa cổ này, người dân quê bao nhiêu đời nay vẫn truyền tụng những câu chuyện (từ chính sử đến dã sử và cả truyền miệng dân gian) về “Ba người phụ nữ đã từng lấy vua” của làng. Đó là bà Nguyễn Thị Huyền lấy vua Lê Hiển Tông, sinh ra người con gái duy nhất là công chúa Lê Ngọc Hân. Sau này, công chúa “lá ngọc cành vàng” Lê Ngọc Hân lấy vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Bà Nguyễn Thị Huyền có người con gái nuôi là Lê Thị Bình (chính thực là họ Nguyễn), lấy Quang Toản là con trai vua Quang Trung.

Sau khi Quang Toản qua đời, bà Lê Thị Bình trở thành vợ ba của vua Gia Long - Nguyễn Ánh. Những câu chuyện ngẫu nhiên, tình cờ của lịch sử này, đã mang lại cho làng Nành một cái tên dân gian cửa miệng nữa là “Đất ba vua” - có ba “ông rể” đều làm vua.

Ba mươi năm đã đi qua tính từ khi cả nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, với Ninh Hiệp, ngọn gió lành đầu tiên thổi về vùng quê này chính là Nghị quyết Đại hội VI của Đảng đã mở ra những triển vọng mới; và điều quan trọng nhất là đã gọi dậy và trả lại những khả năng tiềm tàng vốn là truyền thống của Ninh Hiệp, mà bấy lâu nay tưởng chừng như đã bị lãng quên.

Trong đội ngũ các thế hệ cán bộ lãnh đạo kế tiếp nhau của xã Ninh Hiệp từ nhiều năm qua; không ít người trong số họ là các cựu chiến binh đã từng vào sinh ra tử trên chiến trường đánh Mỹ. Và cùng cộng sự với họ trong nhiều công việc của làng xã, là một đội ngũ cán bộ hăm hở, sôi nổi, năng động, được trang bị đầy đủ các kiến thức để thích nghi với những yêu cầu, đòi hỏi mới của cuộc sống làng quê thời hiện đại. Hàng chục cán bộ đã được đào tạo bài bản, chính quy với trình độ đại học.

Từ hàng chục năm trước đây, Ninh Hiệp đã xác định nền kinh tế mũi nhọn là chế biến dược liệu nông sản, một thế mạnh ngàn đời nổi tiếng hiệu quả; tiếp đó là chú trọng đến kinh tế hộ gia đình; và cuối cùng phải tạo ra sự đầu tư, phát triển lớn mạnh về con người với các lĩnh vực xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục.

Chính từ ba mục tiêu cơ bản này, Ninh Hiệp đã từng bước tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế thời quan liêu bao cấp; từng bước đi lên, hoàn thành những chỉ tiêu hàng đầu và quan trọng nhất là điện, đường, trường, trạm... tạo nên một gương mặt mới mẻ, thoáng đãng, vui tươi, no ấm về tinh thần cũng như vật chất trên mảnh đất thấm đẫm lịch sử, văn hóa làng Nành - Phù Ninh - Ninh Hiệp hôm nay.             

Giữ nếp sống chân quê, tình nghĩa

img

Lãnh đạo xã Ninh Hiệp đón Bằng chứng nhận xã đạt chuẩn NTM. Ảnh: Nam Bắc

Trong niềm vui chung của mỗi người dân Ninh Hiệp, từ các bậc lão thành cách mạng cho đến thế hệ trẻ con cháu làng Nành hôm nay - ngoài niềm tự hào về mảnh đất lịch sử, văn hóa tự ngàn xưa của mình - thì một tình cảm to lớn, đặc biệt, luôn trào dâng trong trái tim họ. Đó chính là truyền thống cách mạng như một ngọn đuốc luôn được thắp sáng...

Trước đây, nghe nói đến Ninh Hiệp, nhiều người vẫn nghĩ về một vùng quê chuyên buôn bán vải vóc, quần áo, chỉ có thương trường và kinh tế. Nhưng trong một thời kỳ quyết tâm tự lột xác giữa những năm 90 của thế kỷ XX để cùng cả nước bước vào một thế kỷ mới, Ninh Hiệp đã chứng tỏ được bản lĩnh đầy năng động để mạnh mẽ đi lên của mình.

Triệt để khai thác, sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp tự nhiên; cải tạo, xây dựng hiện đại hóa và ngói hóa trăm phần trăm nhà ở; tăng nhanh số hộ giàu, số hộ khá, xóa các hộ nghèo… cùng các phương tiện, nhu cầu cho cuộc sống thời hội nhập như xe máy, điện thoại di động, cố định, truyền hình; phổ cập bậc tiểu học, quan tâm và có sự hỗ trợ với đội ngũ giáo viên; quyết tâm nâng cao tổng thu nhập hàng năm; thành lập hàng chục câu lạc bộ (cựu chiến binh, người cao tuổi, sinh vật cảnh, thơ văn, bóng đá, cầu lông, đá cầu, cờ tướng…) để cùng hoạt động trong một tinh thần văn hóa mới của cộng đồng... Đó là những nét cơ bản mà Ninh Hiệp đã tạo dựng được cho mình trong công cuộc đổi mới, hội nhập.

Trong niềm vui chung của mỗi người dân Ninh Hiệp, từ các bậc lão thành cách mạng cho đến thế hệ trẻ con cháu làng Nành hôm nay - ngoài niềm tự hào về mảnh đất lịch sử, văn hóa tự ngàn xưa của mình - thì một tình cảm to lớn, đặc biệt, luôn trào dâng trong trái tim họ.

Đó chính là truyền thống cách mạng như một ngọn đuốc luôn được thắp sáng lên, truyền tay nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác; mà trong đó, hình ảnh của các liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ (trên một trăm gia đình liệt sĩ, gia đình thương binh, trong đó có các bà mẹ Việt Nam anh hùng); hàng chục liệt sĩ đã tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới; cùng với sự đóng góp to lớn của  hàng trăm cựu chiến binh là những tấm gương sáng đẹp đẽ luôn được tôn vinh và ghi nhớ trong công việc, cuộc sống cộng đồng.

Chợt nhớ cách đây khoảng 20 năm, đoàn nhà văn, tác giả sân khấu chúng tôi đã đi thực tế về Ninh Hiệp cả tuần lễ để viết về một vùng quê trên con đường đổi mới. Vậy mà chớp mắt, từ đó đến nay, tôi mới có dịp trở lại rất tình cờ trong đám cưới con trai của một người bạn. Cả đoàn ô tô kết hoa tươi và chữ “Hỷ” rực rỡ, sang trọng; dăm bảy camera quay phim, chụp ảnh tưng bừng; bia hơi, bia chai, nước giải khát, rượu ngoại… nhưng vẫn không thể thiếu được món cơm quê đặc sản cá chép kho tương và chén  rượu nếp  làng Nành…

Nhưng ấn tượng nhất là chú rể, cô dâu, các chàng trai, cô gái phù rể, phù dâu - trẻ trung, tươi tắn trong trang phục comple lịch sự, đẹp đẽ cùng tà áo dài màu trắng, hoa lý, cánh sen, thiên thanh, vàng cốm - rực rỡ; đã gợi nên trong tôi hình ảnh những nhịp sống mới của Ninh Hiệp hôm nay.

Hình như, vùng đất lịch sử, văn hóa cổ xưa này, trên con đường đổi mới của đất nước; dù luôn quyết tâm từ truyền thống để đi lên hiện đại, tạo ra cuộc sống no ấm, sung sướng, hạnh phúc và cả giàu có nữa; nhưng vẫn tự nhủ mình hãy cố gắng giữ lấy một nếp sống chân quê tình làng, nghĩa xóm đùm bọc nhau, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, trái gió trở trời, tắt lửa tối đèn, no đói hoạn nạn vẫn có nhau…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem