Hà Nội đầu tư lớn làm nông nghiệp công nghệ cao

Trần Thụ - Đình Thiên - Mai Khuê Thứ năm, ngày 09/07/2015 10:49 AM (GMT+7)
Ngày 8.7, trước khi bế mạc kỳ họp 13, HĐND TP.Hà Nội đã thảo luận và thông qua chủ trương đầu tư cho “Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) giai đoạn 2016 – 2020”. 
Bình luận 0

Tổng kinh phí cho chương trình này là hơn 11.000 tỷ đồng. Nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến xung quanh chương trình này. Đại biểu Trần Trọng Dực (Hoàng Mai) đánh giá: Tờ trình chưa có số liệu khảo sát để HĐND yên tâm về chương trình này. Trong tờ trình chưa đề cập đến vấn đề quản lý nguồn vốn. Mới đây qua kiểm tra tại Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã phát hiện một số sai phạm trong hỗ trợ mô hình NNCNC. Với chương trình này, nguồn vốn lên tới cả chục ngàn tỷ đồng, việc quản lý nguồn vốn là vô cùng cần thiết.

img
(Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Huy Việt (đại biểu Gia Lâm) cho rằng, phải làm cẩn thận, nếu làm không khéo sẽ chỉ “ném tiền cho doanh nghiệp, còn người dân không được hưởng lợi”. “Tại sao chỉ chú trọng đầu tư một loại cây con nào đó? Vậy nếu người dân trồng loại cây con khác sẽ bị “gạt” ra hay sao?” – đại biểu Việt đặt vấn đề.

Trả lời các ý kiến, ông Trần Xuân Việt – Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng: Về cây trồng cho NNCNC, Hà Nội sẽ chọn những cây có lợi thế của mình như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn muộn. Về chăn nuôi sẽ chú trọng vào bò sữa, bò thịt, lợn và gia cầm. Về thủy sản, Hà Nội có trên 20.000ha mặt nước, trong đó 9.000ha có thể nuôi trồng thủy sản, mới khai thác được trên 6.000ha với sản lượng rất thấp, bình quân khoảng trên 6 tấn/ha. Để đưa CNC vào nuôi trồng thủy sản, Hà Nội sẽ chỉ tập trung 4 con- rô phi, rô phi đơn tính, chép và trắm.

Ông Việt cũng nhấn mạnh thêm: Do đất nông nghiệp hạn chế nên nếu không đầu tư cho NNCNC thì không thể làm giàu được. Phát biểu tại phiên bế mạc, liên quan đến đề án thay thế cây xanh, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết: “Việc triển khai đề án này còn có thiếu sót, cách làm nóng vội do chưa lấy ý kiến của các chuyên gia, người dân, khiến dư luận bức xúc. Thành phố đã có kết luận và đã chỉ đạo khắc phục thiếu sót, những cá nhân có sai phạm trong vụ việc này sẽ được xử lý trong thời gian tới. Đây là bài học quý giá và đắt giá của Hà Nội. Hà Nội đã rút ra được kinh nghiệm sâu sắc trong việc này”. Trong ngày làm việc cuối, HĐND TP.Hà Nội cũng đã thông qua việc thành lập Sở Du lịch và kiện toàn Sở Văn hóa - Thể thao, biểu quyết bãi nhiệm tư cách đại biểu HĐND thành phố đối với bà Châu Thị Thu Nga (đại biểu huyện Phúc Thọ).

 Ngày 8.7, trong ngày làm việc thứ 2 kỳ họp lần thứ 14, HĐND TP.Đà Nẵng khoá VIII, đại biểu Nguyễn Đăng Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Đà Nẵng, kiến nghị: “Đà Nẵng lâu nay có một nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ chủ quyền lãnh hải Hoàng Sa và nghiên cứu, tìm chứng cứ pháp lý để từng bước đòi lại quần đảo Hoàng Sa vốn đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm. UBND thành phố nên cho tách 2 phường Thọ Quang và Mân Thái (quận Sơn Trà) để nhập vào huyện đảo Hoàng Sa, như thế huyện Hoàng Sa sẽ hoàn thiện bộ máy chính quyền với dân số khoảng 35.000 người. Hai phường này cũng có nhiều ngư dân và tàu thuyền thường xuyên đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Làm được việc này chúng ta sẽ kéo được Hoàng Sa về gần với đất liền”.

Về kiến nghị này, ông Võ Công Chánh- Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng, cho biết, Sở sẽ báo cáo, xin ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.

 Sáng 8.7, trong ngày họp thứ 2, kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Khánh Hòa, 100% đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem