Hà Nội: Ứng Hòa nỗ lực huy động nguồn lực, không để nợ đọng

Ánh Ngọc Thứ năm, ngày 28/02/2019 13:00 PM (GMT+7)
Với sự nỗ lực vượt khó cùng những bước đi, cách làm đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ứng Hòa (Hà Nội) trong thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, diện mạo nông thôn của huyện Ứng Hoà đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp, đời sống người dân trên địa bàn được nâng cao rõ rệt.
Bình luận 0

Đột phá trong sản xuất nông nghiệp

Ngay khi bắt tay thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Ứng Hòa xác định rõ vai trò quan trọng của việc biến những khó khăn của vùng chiêm trũng thành lợi thế. Theo đó, huyện tích cực chuyển đổi gần 3.000ha diện tích trũng cấy lúa, trồng màu kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế mới cho hiệu quả kinh tế cao.

img

Mô hình trồng dưa công nghệ cao tại xã Sơn Công, huyện Ứng Hoà, Hà Nội. Ảnh: Ánh Ngọc

Nhằm phấn đấu năm 2019 có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM, Ứng Hòa đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục củng cố, đổi mới hoạt động của các HTX cũng như phát triển đa dạng các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất ở nông thôn; chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, từng bước phấn đấu thực hiện mô hình NTM kiểu mẫu.

Từ năm 2017, huyện đã xây dựng được chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, điển hình như chuỗi sản xuất giống lúa mới chất lượng cao J02, trong đó có liên kết với hợp tác xã (HTX) Đoàn Kết từ khâu cung ứng giống, phân bón đến thu mua thóc tươi tại ruộng.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Hòa Phú Đặng Huy Cương cho biết: “Nhờ chuyển toàn bộ diện tích sang cấy lúa hàng hóa J02, thu nhập từ trồng lúa của xã năm 2018 tăng hơn 5 tỷ đồng so với năm 2017. Hiện các cánh đồng ở Hòa Phú trồng một giống lúa với một quy trình sản xuất. Các khâu làm đất, thủy lợi, chăm sóc, dự báo, thu hoạch đều đồng bộ nên năng suất lúa đạt cao, chất lượng gạo ngon và bán được giá cao hơn".

Hay như mô hình trồng rau an toàn tại thôn Vĩnh Thượng, xã Sơn Công - mô hình ứng dụng công nghệ cao đầu tiên được triển khai tại Ứng Hòa, từ mô hình thí điểm với diện tích 5ha năm 2016, đến nay, mô hình đã mở rộng lên 27ha và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chứng nhận là vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, cho giá trị kinh tế cao hơn trồng rau thông thường 40 triệu đồng/ha.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn chia sẻ, Ứng Hòa tập trung đầu tư cho các vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu; hình thành các HTX dịch vụ liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản cho nông dân. Nhờ sản xuất ổn định, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2018 đã đạt 37,1 triệu đồng/người/năm.

Huy động tốt nguồn lực

Mặc dù là một trong những huyện khó khăn nhất của Hà Nội, song Ứng Hòa luôn nỗ lực trong huy động nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới và không để nợ xây dựng cơ bản. Nhằm tạo nguồn lực, huyện đã đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý đất xen kẹt trong khu dân cư; tăng cường công tác xã hội hóa, huy động sự chung sức đồng lòng của người dân và các doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Lê Hồng Hà cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Mở rộng các vùng sản xuất lúa tập trung, từng bước hình thành những cánh đồng mẫu lớn, phấn đấu đưa tỷ lệ giống lúa chất lượng cao đạt khoảng 40%/vụ.

Huyện cũng sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa và chuỗi liên kết thủy sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem