Hà Quảng dài cổ chờ... mưa

San Nguyễn Thứ hai, ngày 21/03/2016 06:48 AM (GMT+7)
“Vào thời gian này năm ngoái, chúng tôi đã trồng ngô rồi. Nhưng năm nay, nước không có, ruộng nương nứt nẻ, đến nước trên các khe, mó giờ cũng cạn khô. Nhiều xóm còn chả có nước sinh hoạt, nói chi đến nước sản xuất” – ông Vương Văn Choóng, xóm Rằng Rụng, xã Kéo Yên, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) than thở.
Bình luận 0

Dài cổ chờ mưa

Đã tháng 2 âm lịch nhưng chưa có dấu hiệu gì của mưa đổ xuống. Người dân ở các xã vốn luôn nằm trong tình trạng khô hạn của huyện Hà Quảng đang mong chờ nước trời để cứu vãn những diện tích thuốc lá đã gieo trồng và bắt đầu mùa vụ trồng ngô.

imgNông dân ở xóm Pá Rản, xã Kéo Yên chắt chiu từng giọt nước để tưới cho diện tích cây thuốc lá trồng trước tết. ảnh: S.N

Ở xã Kéo Yên, nguồn nước chỉ trông chờ vào những trận mưa lớn, nước chảy xuống hệ thống đá vôi ngầm rồi dẫn vào khe suối ở các xóm vùng thấp của xã. Mỗi năm, người dân ở xã Kéo Yên cũng chỉ làm được một mùa ngô. Năm nay, bà con cũng đã chuẩn bị sẵn sàng giống má, phân bón nhưng chờ mãi chưa thấy mưa.

Ông Vương Văn Choóng than thở: “Thời tiết ngày càng bất thường. Trước tết nhiều sương muối, không có mưa, đất đai đã nứt nẻ cả rồi. Chúng tôi ở đây quanh năm chỉ trồng được ít ngô, còn lại cũng đã chuyển đổi sang trồng lạc, thuốc lá. Nhưng chung quy trồng cái gì vẫn phải có nước, cây mới phát triển được. Năm nay chưa biết bao giờ xuống giống được, không biết vụ mùa thế nào. Cứ tình hình này lại đói kém rồi”.

"Vụ xuân này xã Kéo Yên có khoảng 15ha gừng trâu. Nếu trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật, năng suất có thể đạt tới 20 tấn/ha, với giá 5.000 đồng/kg, người trồng gừng trâu đã có lãi, cao hơn trồng ngô, đậu tương và có thể lãi ngang bằng với cây thuốc lá. 2 năm qua, ước tính thu nhập từ trồng gừng trâu trong toàn xã đạt khoảng 300 triệu đồng/năm”.

Ông Lý Quốc Nam

Diện tích thuốc lá được bà con ở những xóm vùng thấp của Kéo Yên tranh thủ trồng trước tết cũng vì thiếu nước mà còi cọc, lá úa vàng. Đã 2 tháng nay, ngày nào vợ chồng anh Chu Văn Thiện, ở xóm Pá Rản cũng tranh thủ từng tí nước một để tưới cho những cây thuốc lá này.

“Nước càng ngày càng hiếm, ở trên mó cũng chẳng còn bao nhiêu nước. Mỗi ngày 3 lần, chúng tôi phải đi cách nhà gần một cây số để gánh nước, trung bình chỉ sử dụng tiết kiệm hơn một xô nước cho tất cả các sinh hoạt nấu ăn hàng ngày. Có được tí nước nào vừa chắt chiu sinh hoạt vừa để dành ra tưới cây. Thế mà hơn 1.000m2 cây thuốc lá vẫn cứ héo mòn dần. Bón phân cũng chẳng có tác dụng gì. Không biết có cầm cự được nửa tháng nữa không. Mong sao mưa mau mau đổ xuống để chúng tôi được nhờ” – anh Thiện cho hay.

Phòng hạn hơn chống hạn

Theo ông Lý Quốc Nam – Phó Chủ tịch UBND xã Kéo Yên, năm nào cũng vậy, xã luôn phải đối mặt với hạn hán. Nhiều năm nay, chúng tôi đã vận động bà con “phòng hạn hơn chống hạn” bằng việc chuyển đổi đưa các loại cây, con giống mới vào sản xuất theo mô hình “3 cây, 2 con” gồm ngô lai, đậu tương, lạc, lợn đen và bò.

“Hơn một năm nay, chúng tôi đã vận động bà con trồng cây gừng trâu. Qua trồng thử nghiệm cho thấy cây trồng này chịu được hạn, phù hợp với thổ nhưỡng và mang lại thu nhập khá hơn trồng ngô” – ông Nam cho hay.

Hộ ông Vương Văn Quẩy đã có thâm niên trồng gừng trâu từ 2 vụ trước chia sẻ: “Trồng gừng trâu cũng dễ. Quan trọng là nó thích ứng được với thời tiết khô hạn, trồng 9 – 10 tháng cho thu hoạch. Năm ngoái gia đình tôi trồng 1.000m2 thu được 2 tấn sản phẩm. Giá bán trung bình là 15.000 đồng/kg, lúc cao điểm lên tới 18.000 - 20.000 đồng/kg. Vụ vừa rồi, gia đình tôi thu 30 triệu đồng, cao hơn trồng ngô nhiều”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem