Hạn, mặn bủa vây nhà nông

Huỳnh Xây - Chúc Ly - Thanh Duy Thứ hai, ngày 25/01/2016 06:42 AM (GMT+7)
Các cửa sông lớn bị nước mặn bao vây, trong nội đồng bị khô hạn, không có nước bơm tưới, hàng trăm ha lúa đông xuân bị mất trắng, thiệt hại năng suất… là thực trạng đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Bình luận 0

Nắng hạn gay gắt

Bà Phạm Minh Thư, người dân ở ấp Nhì, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh cho biết: “Gia đình tôi đang canh tác 4.000m2 lúa mùa Cờ Đỏ. Do khô hạn nên diện tích lúa trên trong giai đoạn trổ đòng không sống được, cây khô héo và chết dần.

“Vụ lúa này coi như mất trắng, vụ lúa trước cũng vậy, chỉ có 15 bao lúa trong khi đó khoảng 30 bao mới có thể hoà vốn. Làm lúa lỗ nhiều vụ như thế này đau khổ lắm mấy chứ ơi, tôi rầu muốn khóc luôn” – bà Thư than vãn.

img

67ha lúa ở xã Mỹ Long Nam bị ảnh hưởng nặng bởi hạn mặn. Ảnh:  Huỳnh Xây

Không chịu được khi nhìn 2.000m2 diện tích lúa bị nứt nẻ, ông Ngô Văn Dũng, ngụ cùng ấp Nhì đã vận động 2 hộ dân kế cận hùn tiền thuê máy bơm dẫn nước từ một con kênh nhỏ cách ruộng lúa khoảng 1km. Tiền thuê đến 1 triệu đồng, tuy nhiên không như ông Dũng mong đợi, sau khi bơm 1 ngày, đất lại tiếp tục khô và nứt nẻ.

Ông Dũng nói: “Khu vực này thiếu nước trầm trọng, xưa nay tôi và nhiều hộ trong ấp trồng lúa nhờ trời mưa và lấy nước từ giếng bơm. Thế nhưng, trời thì đang hạn, giếng bơm thì hụt nước. Việc thuê máy bơm tốn nhiều chi phí nhưng cũng không đủ nước vì khoảng cách từ ruộng đến kênh quá xa, nước dưới kênh cũng gần cạn kiệt. Bây giờ chỉ còn cách là… nhìn lúa khô héo, chết rụi dần”.

Qua thống kê sơ bộ của UBND xã Mỹ Long Nam cho thấy, có 67ha bị ảnh hưởng bởi tình trạng khô hạn, trong đó có 40ha bị mất trắng hoàn toàn, những diện tích còn lại lúa trổ bông được khoảng 80% nhưng vẫn không có đủ nước cung cấp.

Tình trạng khô hạn trên không chỉ xảy ra ở huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) mà xảy ra ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL. Lão nông Trần Phương, ngụ ấp Bờ Đập, xã Viên An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Hiện nay, 1,6ha lúa của gia đình đang trong giai đoạn trổ bông, có nguy cơ mất trắng. Tôi đã đầu tư gần 40 triệu đồng, diện tích lúa này được 63 ngày tuổi, đang cần nước cung cấp nuôi bông. Thế nhưng, tôi không bơm nước vào ruộng được vì các con kênh đã hơn 10 ngày bị khô cạn”.

Từ hướng dẫn của ông Phương, phóng viên đã đi tìm hiểu các ấp lân cận trong xã Viên An và một số xã có sản xuất lúa đông xuân như Lịch Hội Thượng, Trung Bình, Viên Bình… Những địa phương này cung có chung hoàn cảnh khô hạn trầm trọng, các con kênh bị thiếu nước.

Nơi “cam chịu”, nơi gấp rút ứng phó

Ông Nguyễn Văn Dài – Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Nam nói: “Tình trạng diện tích lúa trên địa bàn xã bị thiệt hại một phần do nơi đây chưa có kênh cấp 3 dẫn nước bơm tưới, một phần là do ảnh hưởng bởi hiện tượng khí hậu cực đoan El Nino. Hiện các cửa sông bị mặn sớm nên ngành chức năng phải cho đóng cống không cho nước ra vào”.

 Riêng thống kê của UBND xã Lịch Hội Thượng cho thấy, trên địa bàn xã có 1.200ha diện tích sản xuất lúa (từ 50-60 ngày tuổi) nhưng đã có khoảng 300ha bị mất trắng. Còn theo thống kê của Phòng NNPTNT huyện Trần Đề  (Sóc Trăng) trên 1.000ha lúa đang bị ảnh hưởng bởi khô hạn và xâm nhập mặn.

Theo Phòng NNPTNT huyện Cầu Ngang, hiện nay mặn đã xâm nhập đến hầu hết các cửa sông trên địa bàn tỉnh (độ mặn trung bình từ 2-3‰) nên ngành chức năng huyện phải cho đóng các cống ngăn mặn.

“Tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới không chỉ xảy ra ở xã Mỹ Long Nam mà còn các địa phương gần biển, đất gò cao như Mỹ Đình, Mỹ Cẩm, Mỹ Hoà…” – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Cầu Ngang Lê Văn Phi thông tin.

Theo ông Chung Vĩnh Phước - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Trần Đề, tình trạng xâm nhập mặn ảnh hưởng đến vụ đông xuân diễn ra gay gắt. Do độ mặn trên các hệ thống sông chính như cửa Trần Đề, cửa Đại Ngãi và một số cống như Bà Xẩm, Cái Xe, Cái Oanh đã vượt ngưỡng cho phép, từ 3-3,2‰,  nên không thể cho nước vào nội đồng được.

“Hiện nay, huyện Long Phú và Trần Đề là 2 địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi xâm nhập mặn. Hệ thống sông tại khu vực này đang có độ mặn vượt ngưỡng cho phép, chỉ khi nào độ mặn của nước xuống dưới 1,5‰ thì mới mở bơm nước lên cứu lúa và rau màu được” – ông Huỳnh Ngọc Vân – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết.

Ngoài một số địa phương giáp biển, đang bị thiệt hại nặng về năng suất lúa thì một số địa phương như Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long… lại gấp rút triển khai các biện pháp ứng phó. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, do ảnh hưởng của ElNino, xâm nhập mặn có khả năng tăng cao từ tháng 2 đến nửa đầu tháng 5 tới đây nên tỉnh đã đưa nhiều giải pháp ứng phó. Cụ thể là sửa chữa cống ngăn mặn và nạo vét kênh nội đồng để trữ nước và xây dựng hệ thống bơm điện

Về công tác phòng chống hạn, mặn trên địa bàn tỉnh, ông Lê Phước Đại - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh đang quy hoạch xây dựng thủy lợi Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, khẩn trương hoàn thành các dự án chuyển tiếp kè, đê, dự án Nam Xà No. Đồng thời, cũng đang xây dựng một số hệ thống kênh trục dọc như là Xà No 2, Hậu Giang 3 để tiếp ngọt cho vùng mặn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem