Hàng bình ổn giá mang tết về các miền quê

Hoàng Thắng - Chúc Ly - Huỳnh Xây Thứ bảy, ngày 18/01/2020 06:02 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, nhằm tạo điều kiện cho người dân vùng nông thôn, ngoại thành Thủ đô tiếp cận với nguồn hàng nội địa có chất lượng trong Tết Nguyên đán, các ngành chức năng, doanh nghiệp tiếp tục tổ chức các phiên chợ hàng Việt và những chuyến hàng tăng cường.
Bình luận 0

Hàng bình ổn giá về nông thôn

Theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, những năm gần đây, Chương trình phiên chợ tết là hoạt động quan trọng nhằm xúc tiến thương mại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân ngoại thành mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Được biết, ngoài những doanh nghiệp (DN) tại Hà Nội, hoạt động này còn có sự góp mặt của nhiều DN các tỉnh, thành như Hải Phòng, Bình Thuận, Phan Thiết, Hà Giang… Qua đó tạo cơ hội cho người dân tiếp cận đặc sản vùng miền như nước mắm Phan Thiết, trà Thái Nguyên, nông sản Hà Giang…

Cũng theo chia sẻ của Sở Công Thương Hà Nội, hoạt động diễn ra chủ yếu trên các địa bàn ngoại thành Thủ đô như Ứng Hòa, Đan Phượng, Ba Vì… Mặc dù thời gian tổ chức phiên chợ Việt chỉ kéo dài từ 3-5 ngày/phiên nhưng đã thu hút đông đảo người dân đến mua sắm.

img

 Các mặt hàng bánh kẹo, mứt Tết được người dân mua sắm nhiều.  (ảnh: Chúc Ly)

Anh Nguyễn Văn Tú (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, mặc dù chỉ cách trung tâm thành phố vài chục km, nhưng trước đấy, mỗi dịp tết đến gia đình anh lại vất vả mất một ngày vào nội thành mua sắm. “Ngày tết, đường sá đông, đi lại rất vất vả. Mấy năm nay, thành phố mở mô hình chợ tết tại các huyện, giúp việc mua sắm của người dân thuận tiện hơn mà giá bán hợp lý, phù hợp với túi tiền của người dân. Chúng tôi đỡ mất thời gian hơn rất nhiều” - anh Tú chia sẻ.

Ghi nhận của phóng viên tại chợ huyện U Minh (Cà Mau) những ngày cuối năm. Năm nay, người dân mua sắm dễ dàng hơn khi chợ vừa được nâng cấp, mở rộng. Nhờ đó, tiểu thương và người tiêu dùng cũng có ý thức hơn trong việc thúc đẩy sử dụng hàng Việt Nam.

Theo Ban quản lý chợ U Minh, việc nâng cấp khiến bộ mặt chợ khang trang, sạch đẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ. Từ đó, giúp các tiểu thương phấn khởi buôn bán, kinh doanh; còn người tiêu dùng thì yên tâm mua sắm. 

Hiện ở khu vực nông thôn, người dân sử dụng hàng Việt nhiều hơn so với ở thành phố. Từ khoảng tháng 11, 12 đã có nhiều đơn vị tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn. Năm nay, hàng hóa đảm bảo phục vụ nhu cầu người dân, với giá cả khá ổn định, không tăng đột biến”.
 Ông Nguyễn Văn Đô - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau

Bà Nguyễn Ngọc Lan- tiểu thương chợ U Minh, chia sẻ: “Tết năm nào cũng vậy, các mặt hàng nhu yếu phẩm phải nhập sớm để kịp bán cho khách. Bây giờ khách hàng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, nên hàng hóa mình nhập cũng phải kỹ càng. Bên cạnh đó, các mặt hàng trong nước cũng được người dân sử dụng nhiều hơn, nhất là các mặt hàng bánh kẹo, mứt”.

Trong khi đó, bà Ngô Kim Hạnh (xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi, Cà Mau), cho hay: “Năm nay tôi đi mua sắm chuẩn bị cho tết sớm hơn mọi năm. Tết năm nay tôi thấy các chợ truyền thống bán nhiều hàng hóa chất lượng, không cần phải đi lên thành phố hay các chợ lớn vẫn mua đủ đồ dùng cho gia đình. Hiện, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã khuyến cáo nhiều, nên người tiêu dùng đa số không còn mua hàng hóa trôi nổi, hàng Việt cũng được ưa chuộng hơn”.

Những phiên chợ công nhân

Theo Công ty Lương thực Sông Hậu, nơi đây đang thực hiện chương trình bình ổn giá cho nhiều mặt hàng tết vùng nông thôn, các xã vùng xâu, vùng xa, vùng ngoại thành và các khu công nghiệp, khu đông dân cư (nếu chính quyền địa phương có nhu cầu).

Theo ông Đỗ Hoàng Thanh – Phó Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, các mặt hàng bình ổn gồm gạo, đường, dầu ăn, sữa và các sản phẩm từ sữa, bột ngọt, bột nêm các loại. Ngoài ra, phía công ty còn phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, phiên chợ công nhân đảm bảo với giá bình ổn và thấp hơn giá thị trường 5%.

Các mặt hàng đảm bảo đúng chất lượng nhãn mác, thương hiệu và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu có hiện tượng sốt giá xảy ra, phía công ty sẵn sàng bố trí nhân viên để tham gia bán hàng, góp phần vào việc bình ổn giá.

Bà Lê Ngọc Lý – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ (CTC) cho biết, dịch tả lợn châu Phi bùng phát dẫn đến biến động về nguồn cung, về giá cả đang là mối lo chung của mọi người. Để không bị biến động về giá mặt hàng này, phía công ty đã chuẩn bị 43,8 tấn lợn hơi phục vụ trong dịp tết. Trong 4 ngày cao điểm cận tết, nếu có biến động khan hiếm hàng, sẽ cho làm thịt và giao cho các điểm bán lẻ.

Cũng theo bà Lý, nhu cầu mua sắm những ngày tết của người dân gần đây đã có những điều chỉnh phù hợp, không mua trữ nhiều. Hơn nữa, thị trường bán lẻ đã phát triển mạnh nên sức mua bị phân tán nhiều.

Sở Công thương TP.Cần Thơ thông tin, nhằm đảm bảo cung và cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán 2020, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở NNPTNT, Cục Quản lý thị trường thực hiện nhiều giải pháp bình ổn thị trường. Trong đó có việc tổ chức cho 11 đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán, bảo đảm nguồn cung ổn định tại các chợ truyền thống, đảm bảo mỗi quận/huyện có ít nhất có 1-2 điểm bán bình ổn.

Lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ cũng vừa ban hành kế hoạch việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán 2020 gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thành phố đặt ra yêu cầu hàng hóa phục vụ trong chương trình trên là sản phẩm sản xuất trong nước đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp, có nguồn cung dồi dào tham gia cân đối cung - cầu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân thành phố, kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường. Giá bán các mặt hàng trong chương trình bình ổn phải đảm bảo luôn thấp hơn giá bán các mặt hàng cùng chủng loại, chất lượng.

Tăng cơ hội quảng bá cho doanh nghiệp

Theo chia sẻ của ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, những năm gần đây Bộ Công Thương đã có các chính sách hỗ trợ DN khi bán hàng Việt phục vụ người dân nông thôn, hải đảo, vùng sâu vùng xa và các khu công nghiệp, khu chế xuất…

“Năm nay, chúng tôi dành một nguồn kinh phí là tương đối lớn để hỗ trợ DN phân phối hàng Việt, trích từ các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, từ các chương trình xúc tiến thương mại vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo và các chương trình nằm trong đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Khi Nhà nước hỗ trợ kinh phí như vậy thì các mặt hàng, đặc biệt là hàng Việt, đưa về phục vụ cho người tiêu dùng có chất lượng và giá cả tương đối tốt, giúp người lao động có cơ hội mua sắm hàng hóa tốt hơn, có được cái tết đủ đầy và ấm no”-ông Đông cho hay.

 Theo nhận định của một số DN bán lẻ, phiên chợ tết ngoài việc tăng doanh số bán hàng còn giúp DN có thêm cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người dân. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, tâm lý người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng hàng Việt giúp các sản phẩm nội có thị trường rất lớn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem