Hành trình xóa "dớp" làng nghề trộm chó ở xã từng nghèo nhất tỉnh

Thứ hai, ngày 30/12/2019 13:12 PM (GMT+7)
Bỗng một ngày, cái tên Hướng Đạo đột nhiên nổi tiếng không chỉ trong huyện, trong tỉnh Vĩnh Phúc mà còn vươn ra nhiều tỉnh thành khu vực phía Bắc. Tiếc là cái sự nổi tiếng ấy không hề dễ chịu chút nào bởi nó bị gắn cho một cái tên mới nghe thôi, đã vô cùng phản cảm: “Làng nghề trộm chó”!
Bình luận 0

Đầu những năm 2.000, Tam Dương là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh, còn xã Hướng Đạo được coi là một trong những địa phương nghèo nhất huyện. Khi ấy, đặc trưng của xã hầu như chẳng có gì ngoài mấy ngôi nhà đắp tường trình cùng những người nông dân suốt ngày chân lấm tay bùn mà chẳng đủ ăn.

Kỳ 1: Quê nghèo một thời dậy sóng

Trưởng Công an xã Hướng Đạo Phùng Công Nguyên hồi tưởng lại chuyện cũ mà cười như mếu: "Giai đoạn cao điểm, những cuộc điện thoại thường xuyên nhất tôi nhận được lúc nửa đêm luôn là đề nghị xác nhận đối tượng trộm chó mới bị công an các đơn vị bạn bắt được có đúng là công dân Hướng Đạo hay không. Và, thật xấu hổ khi hơn 90% trong số đó đúng là người trong xã".

img

Công an xã Hướng Đạo giao ban kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. (Người đứng là Trưởng Công an xã Phùng Công Nguyên) . Ảnh Q.N.

Câu chuyện của anh Nguyên làm chính tôi, khi ấy là phóng viên chuyên trách mảng nội chính cũng nhớ lại bao kỷ niệm về một thời nạn “Cẩu tặc” làm mưa làm gió ở khắp mọi nơi, khiến lực lượng chức năng phải đau đầu nhức óc một thời gian không ngắn.

Còn nhớ lúc ấy, đi đâu cũng thấy thiên hạ bàn chuyện râm ran về việc nhà này mất chó, nhà kia mất mèo. Có trường hợp phát hiện kẻ trộm, chủ nhà truy đuổi còn bị chúng tấn công đến phải đi viện. Tình trạng nghiêm trọng đến nỗi, Quốc hội phải chủ trì sửa đổi luật hình sự theo hướng tăng nặng với các tội danh trộm cắp vật nuôi. Rồi Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh thành ban hành các Đề án đấu tranh phòng chống tội phạm trộm cắp chó mèo và vật nuôi…

Trưởng Công an xã Hướng Đạo Phùng Công Nguyên cũng nhớ như in cái cảnh, cứ mỗi lần chủ trì họp giao ban chuyên đề phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm trộm cắp chó và động vật nuôi trên địa bàn, Đại tá Lê Văn Kiến, Phó Giám đốc Công an tỉnh (nay đã nghỉ hưu) lại nửa đùa nửa thật hỏi: “-Có đại diện làng nghề trộm chó Hướng Đạo ở đây không nhỉ…?”. Lần nào cũng vậy, anh Nguyên lại ngậm ngùi đứng lên và trình bày kế hoạch giải quyết…

Hướng Đạo vốn là một vùng quê thuần nông với những người nông dân chân chất, quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho giời. Thời điểm mới tái lập tỉnh, người Hướng Đạo cũng như bao người dân Tam Dương hiền hòa chưa bao giờ có điều tiếng gì về lối sống.

Đùng một cái, tầm năm 2.000 trở đi, không biết cái “nghề” trộm chó từ đâu du nhập về Hướng Đạo.

Lúc cao điểm, toàn xã có tới 60-70 đối tượng lấy trộm chó làm nghề chính. Những đối tượng này lấy đêm làm ngày, lấy vật nuôi của người dân làm nguồn sống. “Lịch làm việc” chính của chúng được lên kế hoạch khá chi tiết.

Mỗi đêm chúng thâm canh tới 3 ca. Ca thứ nhất từ chập tối đến tầm 20h. Sau đó nghỉ ngời đến tầm 23h tiếp tục ca hai cho tới 2h sáng. Ca ba thường có “năng suất” cao nhất bởi từ 4h sáng trở đi là lúc con người ngủ say nhất, dễ sơ hở nhất.

Chó trộm cắp được, các đối tượng thường tập kết hàng tại những điểm xa dân cư để tránh bị phát hiện. Chính vì vậy, dù có biết mười mươi chúng hành nghề trộm chó thì người dân và lực lượng chức năng cũng khó bề bắt được quả tang. Chỉ biết rằng chúng có hành tung rất bất định, không làm gì nhưng lại có rất nhiều tiền đánh bạc, uống rượu suốt ngày.

Theo cách nói vui của Trưởng Công an xã Phùng Công Nguyên thì “lợi ích” duy nhất mà lũ Cẩu tặc mang lại cho dân làng là trên địa bàn xã, từ khi có những đối tượng này hành nghề thì bà con nhân dân hầu như không ai mất trộm con chó mèo hay vật nuôi nào. Lý do thứ nhất là bọn chúng kiêng không “xơi” cả đồ nhà. Lý do thứ 2 chắc có thỏa thuận ngầm trong giới trộm chó với nhau về việc tránh những địa bàn có người hành nghề để lấy chỗ đi lại.!

Trải qua ngót chục năm hoành hành, theo đánh giá của lãnh đạo xã Hướng Đạo, đã có hàng chục hộ gia đình trong xã giàu lên trông thấy từ nghề… trộm chó. Thậm chí, không ít hộ xây được nhà cao tầng, mua ô tô và đầu tư vốn mở nhiều ngành nghề kinh doanh khác cho thu nhập cao.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, “lợi ích” của bọn trộm chó dù có thật nhưng được xây trên nỗi đau của người khác và tập trung toàn vào những đối tượng tệ nạn xã hội thì lợi ích này chỉ đem lại nỗi đau cho chính người dân quê chúng.

Quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi có tiếp cận một số đối tượng từng hành nghề trộm chó nay đã hoàn lương. Họ cho biết, “nghề” trộm chó tuy có thu nhập cao nhưng tiềm ẩn vô vàn rủi ro, thậm chí phải đánh đổi cả mạng sống. Thế nhưng, vì quá hám lợi, chúng sẵn sàng chấp nhận tất cả.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân quan trọng nữa là nếu may mắn không bị người dân phát hiện, các đối tượng có thể “ca khúc khải hoàn” vì kể cả sau đó có bị lực lượng công an truy xét, chúng vẫn vô tư nhởn nhơ bởi lúc đó, chế tài của pháp luật cho hành vi trộm cắp chó mèo còn rất nhẹ nhàng, không đủ sức răn đe.

Y, một tay trộm chó có hạng cách đây hơn chục năm ở Tam Dương cho chúng tôi biết, vào thời kỳ cao điểm, mỗi đêm một nhóm trộm chó (từ 2 đến 3 tên) có thể bắt được cả chục con chó, thu lợi bất chính trên dưới chục triệu đồng là chuyện bình thường.

Khi ấy, nhóm của Y không chỉ hoạt động tại các huyện, thị trong tỉnh mà còn vươn ra tận nhiều tỉnh phía Bắc như Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai… Đáng nói là chúng không hề hoạt động đơn lẻ mà chia sẻ thông tin cho nhau một cách tinh vi. Rằng nơi nào thuận lợi làm ăn và nhiều con mồi, nơi nào đã ít mồi lại lắm cạm bẫy rình rập, từ đó bố trí thời gian và phương án hoạt động...

Theo chia sẻ của Y, hắn theo nghề trộm chó bởi một phần lười lao động, phần khác cũng chẳng biết làm gì ngoài nghề… trộm chó. Quá trình hành nghề, hắn cũng gặp nhiều phen chết hụt. Có lần thấy gương mặt thất thần của chủ chó hắn cũng thấy chạnh lòng, rồi có lần nhìn ánh mắt ràn rụa của một con chó biết mình sắp chết, hắn cũng lợn cợn trong lòng…

Nhưng rồi, thấy lợi quên nghĩa, thấy lợi quên cả sống chết, Y cứ trượt dài trên con đường phạm tội cho đến cái lần biết tin 2 “đồng nghiệp” của mình bị dân làng Đại Đình (Tam Dương) bắt được quả tang và đánh chết tại trận thì hắn mới quyết tâm bỏ nghề…

(Hết kỳ 1)

Quang Nam (Báo Vĩnh Phúc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem