Hậu Giang: Đột phá từ Đề án 1.000

Thứ ba, ngày 20/05/2014 11:05 AM (GMT+7)
Đề án 1.000 sẽ tập trung chuyển đổi theo 4 đối tượng là lúa, mía, vườn tạp và chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong đó, chỉ tiêu phấn đấu cho các đối tượng sau khi được chuyển đổi sẽ tăng thêm giá trị sản xuất từ 1,5 – 2 lần trên cùng diện tích canh tác so với năm 2013.
Bình luận 0
Năm 2014, với quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm từng bước cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho nông dân, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang triển khai Đề án 1.000 nhằm xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Chuyển đổi 4 đối tượng

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: Đề án 1.000 sẽ tập trung chuyển đổi theo 4 đối tượng là lúa, mía, vườn tạp và chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong đó, chỉ tiêu phấn đấu cho các đối tượng sau khi được chuyển đổi sẽ tăng thêm giá trị sản xuất từ 1,5 – 2 lần trên cùng diện tích canh tác so với năm 2013, đồng thời gắn kết được với các chương trình, đề án, dự án khác theo cơ chế lồng ghép với xây dựng nông thôn mới.

Mô hình nuôi lợn trên đệm lót sinh học bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Mô hình nuôi lợn trên đệm lót sinh học bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Theo đề án, bước đầu, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ xây dựng mô hình làm tiền đề thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thông qua thực hiện chuyển đổi 4 loại hình: Lúa 3 vụ; mía kém hiệu quả; cải tạo vườn tạp; phát triển chăn nuôi an toàn sinh học.

Đề án có 4 hợp phần, trong đó giai đoạn 2014 – 2016 sẽ thực hiện chuyển đổi 1.000ha lúa vụ 3 sang 2 lúa - 1 màu và 2 lúa - 1 thủy sản; chuyển đổi 1.000ha đất trồng mía kém hiệu quả sang cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế kết hợp trồng màu - thủy sản - chăn nuôi… nhằm tăng thu nhập; chuyển đổi 1.000ha vườn tạp sang cây trồng khác có giá trị kinh tế, có thế mạnh của tỉnh và 1.000 hộ chăn nuôi trên đệm lót sinh học kết hợp gà thả vườn, chuồng trại khép kín an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường, tận thu khí sinh học…

Ông Nguyễn Văn Đồng cho biết thêm: Trong năm 2014, ngành nông nghiệp sẽ tiến hành tuyển chọn và chuyển đổi bình quân khoảng 15% trong tổng số nhu cầu chuyển đổi của đề án đã giao cụ thể cho từng huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh. Nhu cầu còn lại của đề án sẽ tiếp tục chuyển đổi trong năm 2015-2016.

Làm giàu cho nông dân

Ông Nguyễn Văn Đồng thông tin thêm: Đề án sẽ được ưu tiên thực hiện theo mô hình khép kín từ sản xuất cho đến bao tiêu sản phẩm. Vì thế, ngoài giải pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống, đầu tư hệ thống thủy lợi khép kín hoàn chỉnh thì ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh giải pháp xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước. Kể cả xây dựng cổng điện tử nông sản Hậu Giang nhằm trực tiếp giới thiệu sản phẩm và giao dịch mua bán với đối tác. Cùng với đó, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh liên kết sản xuất và có chính sách hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng để tạo điều kiện cho người dân tham gia chuyển đổi.

Theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, tổng vốn đầu tư cho đề án giai đoạn 2014 - 2016 là hơn 334 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh sẽ chuyển đổi diện tích đất lúa vụ 3 sang mô hình 2 lúa - 1 thủy sản 2.679ha; chuyển đổi 4.000ha đất mía kém hiệu quả; 7.884ha vườn tạp được cải tạo...

Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 2 năm lãi suất phần vốn vay 70% của dân theo từng hợp phần của đề án. Riêng hợp phần IV, ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% chi phí đệm lót sinh học/hầm ủ khí sinh học cho hộ chăn nuôi và hỗ trợ xây dựng các mô hình để nhân rộng.

Về mặt hiệu quả kinh tế, đề án sẽ góp phần hình thành những vùng chuyên canh, tập trung sản xuất hàng hóa lớn có năng suất cao, chất lượng tốt, thúc đẩy tiêu thụ nông sản thuận lợi, tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập trong từng hợp phần của đề án.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Chánh yêu cầu, ngành nông nghiệp tỉnh cần phối hợp với các địa phương xác định cụ thể quy mô, diện tích cần chuyển đổi trong từng hợp phần cho phù hợp với mỗi địa phương.

Đồng thời quan tâm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đề án như nghiên cứu vấn đề đất đai, giống cây trồng, vật nuôi, các giải pháp về môi trường… Nhất là trong quá trình thực hiện, cần ưu tiên hợp phần cải tạo vườn tạp để tránh lãng phí tài nguyên đất và đảm bảo hiệu quả bền vững. Mỗi hợp phần phải xây dựng mô hình hoàn chỉnh trước khi nhân rộng.
Đức Khánh (Đức Khánh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem