Hỗ trợ trực tiếp mới hiệu quả với nông dân

Thứ hai, ngày 23/07/2012 08:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư phối hợp với Oxfam thực hiện vừa công bố đã chỉ rõ là còn thiếu nhiều chính sách với nông dân, thậm chí họ hoàn toàn chưa được hưởng lợi mặc dù đã có cơ chế bảo trợ xã hội đối với đối tượng này”.
Bình luận 0

Khó tiếp cận với hệ thống an sinh nhiều tầng, nấc

Không phải đến bây giờ nông dân sản xuất quy mô nhỏ ở Việt Nam mới được nhìn nhận là đối tượng dễ bị tổn thương với các cú sốc trong nông nghiệp và rủi ro trong thiên tai. Vậy theo ông, nghiên cứu khảo sát vừa công bố kết quả trong tuần qua đem lại điều gì mới mẻ?

img
 

- Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng hệ thống bảo trợ xã hội Việt Nam hiện còn bị phân tán, tổ chức không hiệu quả, phạm vi nhỏ lẻ, nhiều chính sách còn có khoảng trống, sự chênh lệch trong quá trình thực thi và đặc biệt người nông dân khó tiếp cận được những chính sách này.

Báo cáo đã đưa ra nhận xét 2 loại cú sốc thường gặp nhất của hộ nông dân là lũ lụt, bệnh tật và biến động giá cả. Là thành viên tham gia khảo sát, theo ông có cách gì để giúp nông dân tránh hai cú sốc thường gặp này?

- Chúng ta thấy, an sinh bảo trợ xã hội chưa được thực thi hiệu quả. Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của Thái Lan, vì họ có chương trình bảo trợ xã hội cụ thể, thực sự hướng vào người nghèo, nông dân, người sản xuất nhỏ và hộ gia đình. Mặt khác, người nông dân rất hạn chế về tiềm lực để chống đỡ với rủi ro nhưng họ vẫn là người kiên gan, bám trụ và vẫn sống được. Điều ấy có nghĩa là nếu có sự hỗ trợ về kỹ năng, khả năng và những hỗ trợ khác thích hợp thì họ vẫn có thể vươn lên được và chúng ta nên coi đấy như một sự đầu tư dài hạn.

Qua quá trình nghiên cứu, khảo sát thực tế tại hai tỉnh Vĩnh Long và Hà Tĩnh, ông có thể cho biết phản ứng của nông dân trước những cú sốc và tổn thương ra sao?

- Qua nghiên cứu thực nghiệm từ 580 nông dân trồng lúa ở 2 tỉnh Hà Tĩnh và Vĩnh Long cho thấy người nông dân chịu rất nhiều cú sốc, rủi ro khác nhau. Có 3 rủi ro mà người nông dân hay phải đối mặt nhất. Một là giá cả biến động, vì suốt 5 năm qua, nông nghiệp Việt Nam gặp bất ổn vĩ mô, lạm phát rất cao, bên cạnh đó có sự bất ổn giá từ bên ngoài.

Hai là liên quan đến quá trình sản xuất kinh doanh, tức là khả năng tiếp cận tín dụng của họ gặp nhiều khó khăn. Ba là rủi ro nội tại trong gia đình, khi có người đau ốm bệnh tật, sự dịch chuyển lao động… khiến cuộc sống của họ trở nên nghèo hơn, túng quẫn và khó có khả năng thích ứng hơn. Đặc biệt, khi gặp thiên tai quá lớn, họ thường phó mặc. Điều này rất rõ ở khu vực miền Trung, nơi lũ lụt xảy ra hàng năm.

Cách đối phó với rủi ro của họ chỉ tính đến sự giải quyết trong ngắn hạn, chứng tỏ bản thân năng lực, khả năng chống chọi lại cú sốc của họ rất yếu. Bên cạnh đó, hệ thống an sinh xã hội của chúng ta nhiều tầng nhiều nấc, muốn đến được với người nông dân sản xuất nhỏ rất khó.

Hỗ trợ thường rơi vào doanh nghiệp

Theo kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, thách thức đối với các chính sách bảo trợ xã hội của Việt Nam là rất lớn. Cụ thể đó là những thách thức gì và ông lý giải ra sao về điều đó?

- Sản xuất nông nghiệp có đặc điểm mang tính thời vụ, chu kỳ theo thời gian rất cao cho nên cái khó hiện nay là làm sao hài hòa hóa, làm cho thu nhập của nông dân ổn định, bằng phẳng, ít bị tác động bởi biến động giá cả. Người nông dân rất yếu về khả năng đàm phán, mặc cả giá, trong khi thị trường chúng ta tham gia là thị trường thế giới mà biến động giá cả lại do các nhà phân phối, xuất nhập khẩu chi phối. Việt Nam đã xây dựng nhiều biện pháp để hỗ trợ cho nông dân về chi phí đầu vào hoặc đầu ra. Thế nhưng, lợi ích từ chính sách hỗ trợ này thường là rơi vào doanh nghiệp.

Để hỗ trợ cho nông dân, chúng ta đã tăng cường cung cấp thông tin, dự báo về thị trường và xây dựng thị trường hàng hóa, bán có kỳ hạn… Tuy nhiên, thị trường mà người ta xây dựng, như thị trường cà phê ở Tây Nguyên chẳng hạn, hoạt động rất kém hiệu quả. Vậy để những thị trường này phát triển, đòi hỏi cả kỹ năng, phải được đào tạo, đòi hỏi kết nối và đặc biệt kết nối với các thị trường phát triển trên thế giới.

Phải làm sao để các chính sách hỗ trợ nông dân đạt hiệu quả như mong muốn?

- Theo tôi, nên áp dụng chính sách hỗ trợ trực tiếp, tức là hỗ trợ gắn luôn với người sản xuất chứ không qua các doanh nghiệp hoạt động phân phối hoặc xuất nhập khẩu. Nói cách khác, hỗ trợ trực tiếp bao giờ cũng tốt hơn so với gián tiếp.

Trong một chừng mực nhất định, nông dân và người nghèo hiện nay vẫn là những người yếu thế, rủi ro nhiều, năng lực vô cùng thấp. Cần phải thấy, trong khó khăn mà người nông dân vẫn sống được, chứng tỏ họ tuy có khả năng hạn chế, nhưng không phải là thiếu tiềm năng để phát triển.

“Hỗ trợ người nông dân không phải câu chuyện tình thương, mà sâu xa hơn, phải coi đây như là sự đầu tư lâu dài để họ vươn lên phát triển và có đủ khả năng phát triển được”.

Căn cứ vào đâu mà nhóm nghiên cứu đánh giá: Nông dân sản xuất quy mô nhỏ có thể đóng vai trò là “tác nhân của sự thay đổi” và hoàn toàn có đủ năng lực để sống chung và đối mặt với các cú sốc và khủng hoảng bằng chính sáng kiến của họ?

- Qua nghiên cứu thấy rất rõ khi mà gặp thiên tai thì họ phó mặc hoặc chiến lược ứng phó của họ mang tính ăn đong, ngắn hạn. Chẳng hạn như khi tìm được nguồn tiền ở đâu thì họ chấp nhận vay mặc dù họ không tính toán khả năng có trả được nợ hay không nhưng họ cứ phải sống đã. Sự đối phó này chứng tỏ nỗ lực của họ rất lớn. Đa phần người nông dân biết Nhà nước có hỗ trợ, nhưng thực sự họ vẫn chủ động xoay xở chứ chưa trông chờ nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem