Hoa mắt giữa “ma trận” phân bón

Thứ bảy, ngày 21/02/2015 13:21 PM (GMT+7)
Tại Hội nghị “Phân bón và hoá chất trong canh tác nông nghiệp” do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NNPTNT) tổ chức mới đây ở Hà Nội, nhiều đại biểu đều thừa nhận chất lượng phân bón ở nước ta vẫn rất “nhập nhằng”, chưa xử lý triệt để được tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây nhức nhối trong nhân dân.
Bình luận 0

Phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây nhức nhối

Bà Nguyễn Thị Tân ở thôn Văn Côn xã Vân Côn, huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, năm 2013, nghe nhiều người giới thiệu về phân bón của Công ty TNHH Hoa Tím (Kim Bảng – Hà Nam) với mức giá hợp lý hơn sản phẩm của nhiều công ty khác nhưng hiệu quả nên bà Tân cũng mua về bón thử. “Đúng là năm đầu tiên thấy rất hiệu quả, lúa xanh tốt nhưng vụ mùa vừa rồi tôi vẫn mua đúng loại phân bón Hoa Tím này về dùng thì lại thấy lúa không phát triển, năng suất giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Dù biết là kém chất lượng như nông dân như chúng tôi thì biết kêu được ai, bắt đền được ai” - bà Tân cho biết.

img

Kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc BVTV tại huyện Ba Vì. (Ảnh:Quang Thiện)

Không chỉ có bà Tân, nhiều hộ dân khác ở xã Vân Côn cũng phản ánh về tình trạng sử dụng phân bón của Hoa Tím vụ mùa vừa qua không hiệu quả. Trao đổi với chúng tôi, đại diện Công ty TNHH Hoa Tím cho rằng, việc năng suất lúa giảm có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, không thể đổ hết lỗi cho phân bón khi chưa có những xác minh cụ thể. Công ty này cũng khẳng định phân bón của họ sản xuất ra có chất lượng tốt, rất có thể bị các công ty khác lợi dụng làm giả. Công ty này cũng khẳng định là công ty lớn có uy tín và thương hiệu trên thị trường, nhưng khi phóng viên tìm kiếm trên mạng Internet thì không tìm thấy thông tin chi tiết công ty này.
 

Hiện nay, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng, các công ty công nghệ “cuốc xẻng” ngày càng mọc lên nhiều gây nhức nhối cho người sản xuất. Theo Bộ NNPTNT, hiện cả nước có trên 500 đơn vị sản xuất lớn nhỏ và khoảng 30.000 đơn vị kinh doanh phân bón trong đó nhiều cơ sở không đáp ứng được điều kiện cần thiết tối thiểu cho sản xuất kinh doanh. Kết quả kiểm tra, phân loại các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón tiến hành năm 2012 cho thấy trong số 1.466 cơ sở được kiểm tra đánh giá lần đầu có 21,1% cơ sở loại A, 61% cơ sở loại B và 17,9% cơ sở loại C.

Như vậy các đơn vị không đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón có tỷ lệ khá cao. Kết quả kiểm tra giám sát chất lượng phân bón trên thị trường của Cục Trồng trọt năm 2013 tại 76 cửa hàng kinh doanh trên địa bàn 6 tỉnh (3 tỉnh ở miền Bắc là Hưng yên, Ninh Bình, Vĩnh Phúc và 3 tỉnh ở miền Nam là Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang) với tổng số mẫu phân bón đoàn kiểm tra lấy phân tích là 223 mẫu trong đó đã phát hiện tới 44,4% mẫu (99 mẫu) có chỉ tiêu chất lượng không đạt so với đăng ký trên nhãn mác, bao bì (tỷ lệ vi phạm này ở nhóm phân bón lá 55%, phân bón rễ 41,5%). Đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện 68,4% cơ sở kinh doanh có sản phẩm phân bón vi phạm nhãn mác hoặc chỉ tiêu chất lượng so với công bố trên nhãn mác (3 tỉnh miền Bắc 67,3% và 3 tỉnh miền Nam 70,4%).

img

 

Phân bón giả.

Ông Trần Thanh Lam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết thêm, trước tháng 2.2014 khi Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón có hiệu lực, hàng năm có hàng trăm sản phẩm phân bón mới ra đời. Vì vậy trong danh mục phân bón được phép sản xuất kinh doanh ở Việt Nam có tới trên 5.000 loại. Hiện tượng sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón giả, kém chất lượng đang là vấn nạn, gây nhiều bức xúc cho người sử dụng và các doanh nghiệp chân chính. Mặc dù những năm gần đây các cơ quan quản lý thị trường, công an kinh tế, thanh tra liên tục phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng nhưng đến nay vẫn chưa đủ mạnh để ngăn chặn triệt để tình trạng này. Trong 6 tháng cuối năm 2012 và năm 2013 Cục Quản lý thị trường kiểm tra 5.372 vụ, phát hiện 1.390 vụ vi phạm kém chất lượng, tịch thu 917 tấn phân bón giả và chuyển 6 hồ sơ sang công an khởi tố vụ án.

 

Lãng phí hơn 40.000 tỷ đồng mỗi năm

Nói về vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, ôngTrần Xuân Định nhấn mạnh, tình trạng này vẫn tiếp tục là vấn đề nhức nhối ảnh hưởng tới uy tín của các doanh nghiệp sản xuất chân chính cũng như gây thiệt hại cho bà con nông dân, làm người nông dân bị mất phương hướng, niềm tin trong việc lựa chọn nhà cung ứng và loại phân bón đưa vào sử dụng. Phân bón và hoá chất là yếu tố đầu vào chiếm khoản chi phí lớn nhất trong trồng trọt của nông dân hiện nay, theo tính toán thì chi phí cho phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chiếm khoảng 50% giá thành sản xuất lúa của nông dân hiện nay và trung bình sử dụng phân bón quyết định 50% tổng sản lượng cây trồng tăng lên hàng năm.

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm cây trồng, mang lại năng suất cao thì ngoài việc sử dụng loại phân bón đảm bảo chất lượng, còn rất cần những kiến thức khoa học trong sử dụng phân bón sao cho hợp lý, tiết kiệm, đảm bảo năng suất, bảo vệ môi trường, mang lại sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới trong hoạt động xuất nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp.  Mặc dù nghị định quản lý về phân bón đã được ban hành, nhưng quy định phân bón là ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện với 2 năm chuyển tiếp (đến 1.2.2016) cũng là khoảng trống để một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chụp giật lợi dụng nhằm trục lợi trên mồ hôi, công sức của nông dân.

img

Nông dân Phú Yên đang pha chế phân bón.

Cũng theo ông Trần Xuân Định,  nhu cầu phân bón ở Việt Nam hiện nay vào khoảng trên 10 triệu tấn các loại mỗi năm. Trong đó, urê khoảng 2 triệu tấn, DAP khoảng 900.000 tấn, SA 850.000 tấn, kali 950.000 tấn, phân lân trên 1,8 triệu tấn, phân NPK khoảng 3,8 triệu tấn, ngoài ra còn có nhu cầu khoảng 400.000 – 500.000 tấn phân bón các loại là vi sinh, phân bón lá. Bởi vậy, ở Việt Nam phân bón được xếp vào loại mặt hàng chiến lược quan trọng.

Những năm gần đây, mặc dù ngành công nghiệp hoá chất và sản xuất phân bón của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc; một loạt các nhà máy sản xuất phân urê, NPK, DAP được xây dựng và đi vào sản xuất, song hiện tại hàng năm chúng ta vẫn phải nhập ngoại một số lượng phân bón, hoá chất phục vụ cho lĩnh vực sản xuất phân bón từ các nước chiếm khoảng 30%. Thống kê cho thấy, bình quân những năm gần đây, nước ta nhập vào khoảng trên dưới 3 triệu tấn phân bón các loại. Trong đó DAP gần 550.000 tấn, kali trên 560.000 tấn, SA khoảng 750.000 tấn, urê 420.000 tấn, NPK 350.000 tấn, trị giá hàng vài trăm triệu USD.

 

Hiệu suất sử dụng phân bón chỉ đạt 45-50%

Nhiều tài liệu nghiên cứu đã chỉ ra hiệu suất sử dụng phân bón hiện nay mới chỉ đạt 40-45% với phân đạm, 25-30% với phân lân và khoảng 55-60% với phân kali. Nếu ước tính hiệu suất sử dụng các loại phân bón nói chung trung bình khoảng 45-50%, có nghĩa lượng phân bón bị thất thoát ra môi trường hoặc bị cố định trong đất cây trồng không sử dụng được chiếm 50-55% (tương đương trên 5 triệu tấn) thì mỗi năm chúng ta lãng phí khoảng 40-44 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra lượng phân bón thất thoát, cây trồng không sử dụng được còn gây ra suy thoái đất, nước, chất lượng nông sản, hiệu quả sản xuất và là nguồn phát thải thải khí nhà kính vào khí quyển.

Theo TS.Vũ Thắng (Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón quốc gia, Cục Trồng trọt).

Thanh Xuân (Trang Trại Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem