Học làm nông để kiếm tiền tỷ

Minh Nguyệt Thứ hai, ngày 01/06/2015 11:31 AM (GMT+7)
Một trong những yếu tố tạo nên thành công trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) ở Đà Lạt (Lâm Đồng) là do việc dạy, học, làm nghề của bà con luôn gắn với yếu tố thị trường. 
Bình luận 0

Làm lớn ăn to

Về khu nhà vườn của ông Hùng Ngọc Quang (tổ 4, Lộc Quý, Xuân Thọ, Đà Lạt) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô canh tác NNCNC đồ sộ. Hơn 1ha đất nông nghiệp trồng đủ các loại rau củ quả. “Cả mấy thế hệ làm nông nghiệp, nhưng từ đời ông bà, bố mẹ, đến đời tôi chưa từng đi học nghề mà chỉ làm theo kinh nghiệm từ đời này sang đời khác. Năm 2014, nhờ được tập huấn, tham gia lớp học nghề NNCNC của Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt mà giờ đây tôi đã tự tin ứng dụng thành thạo quy trình sản xuất NNCNC, sản xuất rau VietGAP trong hộ gia đình” – ông Quang nói. Mỗi năm gia đình ông thu nhập từ 700 triệu đồng từ cà rốt và hoa. Trừ chi phí, ông vẫn còn lãi được 2/3 số tiền đó.

img
Nhà lồng trồng hoa cúc của nông dân Hùng Ngọc Quang (Xuân Thọ, Đà Lạt).      Ảnh: Minh Nguyệt

Cách đó không xa, là khu vườn của lão nông Đặng Cư (Lộc Quý, xã Xuân Thọ, Đà Lạt). Ông Cư cũng là 1 trong 20 học viên tham gia vào lớp học nghề NNCNC của Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt. Ông Cư chia sẻ: “Từ ngày học nghề, bà con được mở mang kiến thức. Mọi người biết sử dụng phân vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt... Đặc biệt, bà con còn được hỗ trợ thành lập hợp tác xã để tạo cơ sở bao tiêu sản phẩm”.

 

Kết nối nhiều nguồn hỗ trợ

Là một trong ít đơn vị được giao dạy nghề NNCNC, sau 3 năm triển khai Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt đã mở được 14 lớp, đào tạo nghề cho 430 lao động nông thôn.

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt, quan trọng là sau khi dạy nghề, tạo việc cho bà con cần phải có biện pháp tìm đầu ra cho sản phẩm. Bởi vậy, sau mỗi lớp học nghề, trung tâm thường mời các DN, hợp tác xã đến nói chuyện với người dân, vừa là để tìm đầu ra cho sản phẩm, vừa là để tăng sự liên kết của các bên.

Trung tâm Nghiên cứu và Thực nghiệm nông nghiệp Đà Lạt (Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang) là một trong những đơn vị hỗ trợ Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt trong việc đào tạo nghề, cung cấp những mô hình sản xuất NNCNC để học viên được thăm quan. Khẳng định sự cần thiết của việc phối hợp đào tạo sản xuất NNCNC cho nông dân, ông Võ Thành Sang – Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Theo tôi, nhu cầu về lao động trong ngành sản xuất NNCNC trên địa bàn thành phố đang rất thiếu. Ngay như trung tâm, dù thiếu lao động nhưng khi thuê cũng chỉ thuê được lao động phổ thông, tuyển vào lại phải cầm tay chỉ việc” – ông Sang nói.

 Không chỉ đào tạo, sau dạy nghề Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt thường xây dựng nên các liên minh sản xuất. Ví như liên minh sản xuất Atiso GAP, liên minh sản xuất cà phê GAP, liên minh sản xuất rau theo GAP. Sau một thời gian tạo liên minh, trung tâm sẽ hình thành vùng sản xuất chuyên canh tiến tới thành lập các hợp tác xã.  

Chưa mặn mà dạy nghề NNCNC

Ông Ngô Hữu Hay – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Lâm Đồng cho biết, toàn tỉnh có tới 55 đơn vị dạy nghề, nhưng chỉ có gần 20 cơ sở là dạy các nghề nông nghiệp, trong đó số đơn vị dạy nghề NNCNC chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Cơ sở đào tạo nghề thì không thiếu, nhưng việc đào tạo nghề nông nghiệp đặc biệt là sản xuất NNCNC đòi hỏi đơn vị đào tạo phải có chuyên môn, kỹ thuật và hệ thống trang thiết bị hiện đại nên rất ít trung tâm đáp ứng được tiêu chuẩn này” – ông Hay phân tích. Ông Lê Quang Hân – Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐTBXH tỉnh Lâm Đồng) cũng cho rằng: “Mỗi năm ngân sách nhà nước đầu tư cho dạy nghề  được có 5 tỷ, cộng cả ngân sách địa phương khoảng 2 tỷ/huyện, chia ra cũng chưa ăn thua. Cũng bởi lẽ ấy, mà mỗi năm tỉnh chỉ đào tạo được khoảng 6.000 lao động nông thôn”. 

Tạ Nguyệt



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem